Thứ 6, 03/05/2024, 10:22[GMT+7]

Chung tay chăm lo người có công với cách mạng

Thứ 2, 04/09/2023 | 16:16:58
4,727 lượt xem
Với hơn 52.000 liệt sĩ, hơn 45.700 thương binh, bệnh binh cùng hàng chục nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, Thái Bình là một trong những tỉnh đóng góp nhiều sức người đồng thời cũng chịu nhiều hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Đất nước hòa bình, các cấp, các ngành cùng toàn xã hội chung tay chăm lo cho người có công để bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh của họ.

Sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng giúp thân nhân liệt sĩ tại xã Thụy Văn (Thái Thụy) có ngôi nhà mới khang trang.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết hay kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ông Đặng Xuân Chỉnh ở thôn 8, xã Vũ Trung (Kiến Xương) là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được nhận quà tặng của Chủ tịch nước, của tỉnh và của huyện nên ông rất phấn khởi. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương là sự động viên kịp thời để an ủi, bù đắp phần nào hy sinh, mất mát của những người có công với cách mạng. 

Giống như ông Chỉnh, không khí gia đình thương binh nặng Nguyễn Duy Tơn (số nhà 18, đường Hoàng Công Chất, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) những ngày tháng 7/2023 rộn ràng và phấn khởi khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên. Là thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 83% nên ông Tơn rất xúc động khi ngoài việc được nhận quà tặng của các cấp từ trung ương đến địa phương thì sự ân cần thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo là món quà lớn nhất đối với những người lính một thời vào sinh ra tử.

Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Thái Bình.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 59.000 người có công với cách mạng và thân nhân đang được hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi thường xuyên. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, huyện, thành phố triển khai thực hiện chu đáo các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và thân nhân người có công theo tinh thần Nghị định số 131 của Chính phủ. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính sớm, đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chế độ đối với người có công. Ngoài ra còn phối hợp với các cấp, ngành làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực chung tay xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để ngày một chăm sóc tốt hơn người có công và gia đình người có công với cách mạng.

Bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thực hiện các chế độ: điều dưỡng đối với 24.273 người có công và thân nhân người có công; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 1.713 lượt người; ưu đãi giáo dục đào tạo cho 1.749 con đẻ người có công; thờ cúng liệt sĩ đối với 37.184 người; ăn thêm ngày lễ tết cho 1.092 thương binh, bệnh binh nặng; duyệt cấp 78.000 suất quà của Chủ tịch nước. Việc thực hiện các chế độ, chính sách cũng như chăm lo cho người có công, thân nhân người có công đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân người có công.

Xác định công tác chăm lo đối với người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nên việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.

 Ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương chia sẻ: Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản, hướng dẫn về việc thăm, tặng quà người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách đối tượng nhận quà và tổ chức duyệt bảo đảm đúng đối tượng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đối với thương binh, liệt sĩ, người và gia đình người có công với cách mạng. Huyện đã tổ chức trao quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện tới người có công và thân nhân với tổng kinh phí trên 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra huyện còn tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà người có công tiêu biểu trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Uyên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư cho biết: Hưởng ứng phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện vận động các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn huyện đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Thời gian qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Vũ Thư được nhân dân đồng tình ủng hộ, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công.

Bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, trả lời đơn thư theo thẩm quyền bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Triển khai xử lý kết quả rà soát hồ sơ nhằm thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng.

Đỗ Hồng Gia

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày