Thứ 6, 22/11/2024, 20:38[GMT+7]

Nhiều trường hợp đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị

Thứ 6, 08/09/2023 | 08:33:40
3,239 lượt xem
Từ tháng 7/2023 đến nay, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Bình có xu hướng tăng. Đáng lưu ý, khi có triệu chứng, nhiều bệnh nhân tự mua thuốc điều trị ở nhà không đỡ rồi mới đến cơ sở y tế, lúc này bệnh đã tiến triển nặng, phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhân đau mắt đỏ điều trị tại Bệnh viện Mắt Thái Bình.

8 tháng tuổi, bệnh nhân Đỗ Thảo Nguyên (Thái Thụy) được gia đình cho đến Bệnh viện Mắt Thái Bình khám vì có dấu hiệu đau mắt đỏ, thường xuyên quấy khóc. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đau mắt đỏ, có giả mạc và được chỉ định nhập viện điều trị. Chị Nguyễn Thị Trinh, mẹ bệnh nhân chia sẻ: Gia đình cũng không rõ nguồn lây từ đâu, chỉ biết xung quanh nhà có mấy người bị đau mắt đỏ. Sau khi cháu bị đau mắt, bố cháu cũng đã mắc. Hơn 3 ngày điều trị ở nhà không đỡ, gia đình cho cháu nhập viện điều trị. Đến nay, tình trạng bệnh của cháu đã ổn định hơn, mắt đỡ sưng và đỏ.

Trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Bình không phải hiếm gặp. Qua thống kê của Khoa Mắt trẻ em, số trẻ bị đau mắt đỏ nhập viện điều trị tại Khoa chiếm tỷ lệ cao và có cả trẻ nhỏ mới 14 ngày tuổi. Nếu những tháng trước chỉ có từ 2 - 7 ca nhập viện điều trị do đau mắt đỏ thì đến tháng 7, tháng 8 con số này tăng cao. Cụ thể, trong tháng 7 có 90 bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa do đau mắt đỏ thì có tới 54 trường hợp là trẻ em; tháng 8, số trẻ em là 58 trẻ trong tổng số 112 bệnh nhân đau mắt đỏ. Khi mắc bệnh, nhiều trường hợp tự ý điều trị tại nhà không đỡ mới đến Bệnh viện Mắt Thái Bình khám, điều trị, có trường hợp 10 ngày điều trị ở nhà lúc vào viện đã bị viêm kết mạc, có giả mạc khiến quá trình điều trị mất nhiều thời gian.

Bác sĩ Trần Mạnh Hùng, Trưởng khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Thái Bình cho biết: So với mọi năm, năm nay bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng tăng, tỷ lệ mắc nhiều, bệnh tiến triển theo chiều hướng nặng hơn, lâu khỏi hơn, mất nhiều thời gian điều trị. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song trẻ em chiếm tỷ lệ mắc nhiều hơn do trẻ đi học, tập trung ở môi trường đông người và chưa tự ý thức việc vệ sinh cũng như các biện pháp phòng bệnh. Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ là do vi khuẩn hoặc adeno virus. Bệnh lây qua các đường như: tiếp xúc với chất tiết từ người bệnh, qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người mắc đau mắt đỏ...

Hiện nay, không chỉ ở trẻ em, nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ. Bệnh nhân Nguyễn Thị Biên, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) chia sẻ: Nhà có cháu ngoại bị đau mắt đỏ, tôi cũng chủ quan nghĩ bệnh bình thường mà không phòng tránh gì. Vài ngày sau thì tôi mắc bệnh. Ban đầu, chỉ có mắt bên phải bị cộm, ra nhiều gỉ, tôi tự mua thuốc điều trị ở nhà nhưng không đỡ. Đến khi cả 2 mắt đỏ, ngứa, khó chịu và nhức mắt mới đi khám thì bệnh đã tiến triển nặng. Ngoài đau mắt đỏ tôi còn bị viêm tuyến bờ mi nên rất khó chịu. Qua thời gian điều trị tại Bệnh viện Mắt Thái Bình, giờ mắt tôi cũng đã đỡ đau hơn.  

Đau mắt đỏ dễ lây lan, nếu không điều trị kịp thời có thể gây sẹo giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Bên cạnh đó, việc vệ sinh, phòng bệnh không đúng cách có thể khiến bệnh tiến triển nặng nhanh. Bác sĩ Trần Mạnh Hùng khuyến cáo: Để phòng bệnh, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn mặt, cốc, chậu rửa mặt, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày, không dùng tay dụi mắt. Khi gia đình có người xuất hiện những triệu chứng của đau mắt đỏ như: có nhiều gỉ, cộm, đỏ mắt, chảy nước mắt... thì cần đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Người dân không tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc của người này điều trị cho người khác, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Hoàng Lanh