Quan tâm, lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em
Chương trình Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I - năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn ra vào sáng nay (10/9) tại Phòng họp Diên Hồng – Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các nguyên Phó Chủ tịch nước: Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương;… cùng 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự Phiên họp.
Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tại Phiên họp giả định, các đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Các ý kiến của đại biểu trẻ em nêu trong Phiên họp giả định sẽ được gửi đến lãnh đạo các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội.
Luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em
Phát biểu chỉ đạo sau khi kết thúc phiên họp giả định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ măng non, những chủ nhân tương lai của đất nước. Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Đảng ta đã đề ra hệ thống quan điểm nhất quán về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, xác định trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Nổi bật nhất có thể kể đến Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em. Hiện nay, nước ta đang có trên 25 triệu trẻ em, chiếm 25,5% tổng dân số.
Trong đó, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine.
Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, chăm lo. Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được đông đảo các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức quốc tế hưởng ứng tích cực.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều trẻ em ở miền núi, vùng cao, trẻ em dân tộc thiểu số chưa có đủ điều kiện để tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế có chất lượng cao, chưa được bảo đảm tốt về dinh dưỡng.
Trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ không còn nơi nương tựa còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước và của xã hội.
Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích nhất là đuối nước còn xảy ra ở nhiều địa phương; rất nhiều trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên mạng internet; tình trạng trẻ em thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn còn khá phổ biến...
Thực trạng đó cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước.
"Bác rất vui mừng và biểu dương thành tích, sự nỗ lực của các cháu tham dự phiên họp giả định hôm nay, các cháu là những tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, cũng là niềm hy vọng của đất nước.
Dù tuổi còn nhỏ nhưng các đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai là những đại biểu Quốc hội, thậm chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trong điều hành, thảo luận và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em.
Bác mong các cháu tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước. Bác rất hy vọng trong số các cháu tham dự chương trình hôm nay sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà... cùng 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự Phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chính sự thể hiện xuất sắc của các cháu hôm nay cho thấy mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới.
Ý kiến thảo luận của các cháu và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Nâng cao nhận thức, tầm quan trọng trong thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, đã đem lại những kết quả tích cực trong thực tiễn.
Tuy nhiên, các vụ việc tiêu cực liên quan đến trẻ em vẫn xảy ra, các mối nguy hại đối với trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng đang diễn biến với những hình thái phức tạp, khó lường.
Điều đó đòi hỏi việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, quan tâm, đầu tư các nguồn lực, cả về ngân sách và con người để thực hiện công tác trẻ em.
Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em. Trong quá trình xem xét, thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần chú trọng thẩm tra các quy định bảo đảm quyền trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề các em đã kiến nghị tại phiên họp Quốc hội giả định hôm nay. Rà soát để hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân, người lao động.
Tại Phiên họp giả định, các đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Qua phiên họp giả định hôm nay, từ các vấn đề các đại biểu trẻ em đã phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ em, mỗi gia đình cần nêu cao trách nhiệm trong quan tâm, nuôi nấng, dạy dỗ trẻ em, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an toàn, được bày tỏ tiếng nói trong ngôi nhà của mình.
Gia đình cần quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ em, tránh gây áp lực cho các em về học tập và cuộc sống.
Đối với các nhà trường, các thầy, cô hãy tạo điều kiện, môi trường giáo dục giúp các cháu mỗi ngày đến trường là một niềm vui, để thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai của các cháu, thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và đồng hành để các cháu không bị áp lực học hành, thi cử.
Với cộng đồng xã hội, hãy luôn dành những tình cảm, trách nhiệm và lòng yêu thương, sự quan tâm nhất tới trẻ em, bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi.
Tại các địa phương, chính quyền các cấp cần đóng vai trò làm cầu nối, phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động đối thoại với trẻ em; nghiên cứu lồng ghép các chỉ tiêu phát triển trẻ em vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án, đề án về công tác trẻ em. Có giải pháp cụ thể nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của chính quyền và cán bộ làm công tác trẻ em cấp cơ sở.
Đối với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách sinh động, hiệu quả đến với các đối tượng trẻ em. Chú trọng triển khai tốt các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan định kỳ tiếp tục tổ chức ngày càng tốt hơn Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" để lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em cả nước.
Theo chinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam