Chủ nhật, 12/01/2025, 05:51[GMT+7]

Lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Thứ 5, 21/09/2023 | 14:43:45
3,611 lượt xem
Sáng ngày 21/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đồng chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã triển khai đến các cơ quan, các hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước. Tổ công tác của Chính phủ đã tổng hợp, phân loại thành 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát, tổ chức thực hiện rà soát 397 văn bản, gồm 60 luật, nghị quyết của Quốc hội, 139 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 198 văn bản khác do các cơ quan trung ương ban hành. Trong đó, tập trung vào 22 lĩnh vực, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính công, môi trường, xây dựng, chứng khoán... Việc phân loại, nghiên cứu, cho ý kiến độc lập và xử lý kết quả rà soát, tiếp thu phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bài bản. Nhiều nội dung vướng mắc, bất cập đã được cơ quan có thẩm quyền nhận diện, được sửa đổi, bổ sung theo đúng quy trình, quy định. Hệ thống pháp luật nói chung và các lĩnh vực trọng tâm được rà soát đã cơ bản thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng trong từng lĩnh vực. Phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101 của Quốc hội là vấn đề rất khó, liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực, vì vậy đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và phải thực hiện nhanh, tích cực; bộ phận soạn thảo phải tiếp thu có chọn lọc và hoàn thiện báo cáo đúng tiến độ để Chính phủ trình Quốc hội. Báo cáo phải phát hiện những bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật, chỉ rõ thẩm quyền thuộc về ai, từ đó thống nhất cách  sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế. Các bộ, ngành, địa phương tập trung vào những nội dung vướng mắc lớn, liên quan đến công tác hành pháp, những điểm còn sơ hở của quy định pháp luật dẫn đến hành vi tham nhũng tiêu cực. Đối với những vướng mắc liên quan thẩm quyền trực tiếp, các bộ, ngành chủ động kịp thời sửa đổi.

Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày