Thứ 3, 30/04/2024, 22:57[GMT+7]

Chiến sĩ dân quân làm kinh tế giỏi

Thứ 6, 22/09/2023 | 08:18:02
3,923 lượt xem
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hàng năm, chiến sĩ dân quân Nguyễn Duy Khải, thôn Thượng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) còn là gương sáng trong phát triển kinh tế với mô hình tích tụ ruộng đất trồng màu và sản xuất gạo thương phẩm.

Ngoài 15 mẫu ruộng cấy lúa nếp Tam Xuân, anh Nguyễn Duy Khải còn trồng hơn 3 mẫu cây màu.

Chúng tôi đến thăm cánh đồng rộng hơn 18 mẫu của anh Nguyễn Duy Khải đang vào độ phát triển, bông lúa đều và nhiều hạt hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho gia đình. Anh Khải chia sẻ: Tôi thuê hơn 18 mẫu ruộng của 30 hộ dân trên địa bàn xã được 7 năm nay, cấy 15 mẫu lúa nếp Tam Xuân, còn lại hơn 3 mẫu trồng cải thìa, bắp cải, súp lơ... để có thêm thu nhập. Giống lúa nếp Tam Xuân là giống lúa truyền thống của địa phương, có từ khoảng thế kỷ XIII, chuyên phục vụ vua chúa thời xưa. Nếu trước kia người dân An Thanh chủ yếu cấy lúa nếp Tam Xuân để phục vụ cho gia đình vào dịp lễ, tết thì hiện nay đã được HTX DVNN xã An Thanh đưa vào sản xuất hàng hóa, trở thành sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng của địa phương, vì thế giá thành cũng cao gấp 2 - 3 lần so với các loại gạo truyền thống.

Với gần 30 năm gắn bó với ruộng đồng, anh Khải có rất nhiều kinh nghiệm cấy lúa nếp Tam Xuân. Theo anh, ngoài thổ nhưỡng của địa phương thích hợp để cấy lúa nếp Tam Xuân thì lịch thời vụ gieo cấy, thời gian lấy nước vào đồng và thoát nước cũng ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo. Giống lúa nếp Tam Xuân có khả năng sinh trưởng tốt, tuy không cho năng suất cao nhưng chất lượng hạt gạo thơm ngon, giá thành cũng cao hơn so với gạo truyền thống với mức giá bình quân 35.000 đồng/kg gạo thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, anh Khải thu về gần 400 triệu đồng/năm từ mô hình tích tụ ruộng đất của mình.

Trên cương vị Phó Chủ nhiệm HTX DVNN xã An Thanh, anh Nguyễn Duy Khải đã vận động các hộ dân tham gia cấy lúa nếp Tam Xuân để mở rộng quy mô sản xuất lúa hàng hóa, tăng thêm thu nhập. Anh cho biết thêm: Giống lúa nếp Tam Xuân có khả năng kháng chịu các loại sâu bệnh tốt nên được HTX khuyến khích bà con tham gia sản xuất. Nếu như năm 2022 toàn xã chỉ có 30ha cấy lúa nếp Tam Xuân thì đến năm 2023 đã mở rộng lên hơn 60ha. Hiện nay HTX đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu đặc sản nếp Tam Xuân, tạo mã QR để người tiêu dùng trích xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần xây dựng thương hiệu và tạo chỗ đứng trong lòng khách hàng. Thời gian qua, xã An Thanh đã xây dựng được những cánh đồng lớn với hệ thống kênh mương tưới, tiêu được cứng hóa, hệ thống trạm bơm hiện đại. Tôi mong cấp ủy, chính quyền địa phương sớm có chủ trương xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng để bà con nông dân thuận tiện hơn trong sản xuất nông nghiệp, gắn bó với ruộng đồng.

Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã An Thanh Nguyễn Anh Đức đánh giá: Đồng chí Nguyễn Duy Khải thuộc trung đội dân quân cơ động là cán bộ rất tích cực tham gia trực sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Đồng chí là người có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh, biết đầu tư máy móc vào sản xuất nông nghiệp đem lại lợi nhuận kinh tế cao, tạo việc làm cho lao động địa phương; đồng thời, thường xuyên tham gia cùng các chiến sĩ dân quân cơ sở trực bảo đảm an ninh trật tự trong các dịp lễ, tết; tham gia cùng lực lượng công an xã hòa giải các vụ va chạm giao thông, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống. Ban CHQS huyện, UBND xã, Ban CHQS xã An Thanh đã có khen thưởng để khích lệ đồng chí tiếp tục gắn bó với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Dân quân Nguyễn Duy Khải sản xuất lúa hàng hóa cho thu nhập cao.


Tiến Đạt