Thứ 3, 26/11/2024, 05:28[GMT+7]

Hiệu quả mô hình thư viện thân thiện Room to Read

Thứ 7, 23/09/2023 | 12:12:37
4,362 lượt xem
Với mục tiêu giúp học sinh tiểu học xây dựng thói quen, kỹ năng đọc sách, tạo môi trường học tập thân thiện, năm học 2023 - 2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải đã triển khai xây dựng mô hình thư viện thân thiện Room to Read tại Trường Tiểu học Ngô Quang Bích và Trường Tiểu học Tây Phong. Mô hình được xây dựng giúp định hướng cho học sinh đọc sách theo trình độ, nhận thức, từ đó rèn luyện kỹ năng tra cứu tài liệu, phát huy tính sáng tạo và nâng cao kiến thức cho các em.

Mô hình thư viện thân thiện Room to Read tại Trường Tiểu học Tây Phong (Tiền Hải).

Bà Nguyễn Thị Hải Loan, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Ngô Quang Bích cho biết: Đầu năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Ngô Quang Bích ra mắt mô hình thư viện thân thiện Room to Read. Cùng với việc dành diện tích trên 50m2 để thiết lập thư viện, nhà trường còn cử cán bộ quản lý, nhân viên thư viện, giáo viên tham gia các lớp tập huấn. Thư viện thân thiện có nhiều khác biệt với thư viện truyền thống. Trong đó, sách được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc. Nhiều bộ sách được trưng bày trên kệ, được thiết kế và phân loại theo chiều cao, trình độ đọc của học sinh và dán theo từng mã màu tương ứng. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh.

Còn với Trường Tiểu học Tây Phong, để khích lệ và hướng học sinh phát triển văn hóa đọc, nhà trường quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất như giá sách, bàn đọc, đặc biệt quan tâm bổ sung số lượng sách và truyện theo mã màu. Bà Phạm Thị Liễu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sau thời gian ngắn triển khai mô hình thư viện thân thiện Room to Read đã cho thấy những ưu việt so với thư viện truyền thống. Đó là, đã định hướng cho học sinh đọc sách theo trình độ, nhận thức. Những tiết cùng đọc và đọc to nghe chung rất hấp dẫn học sinh. Sau khi đọc sách tại thư viện, học sinh có những hoạt động mở rộng cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xoay quanh chủ đề vừa được đọc. Các em có thể viết, vẽ, làm thơ, thảo luận, đóng kịch..., tùy thuộc tư duy sáng tạo của bản thân. Ngoài các tiết học chính khóa và ngoại khóa trong thư viện, học sinh còn được mượn sách về nhà đọc, từ đó lan tỏa văn hóa đọc tới những người thân trong gia đình. Mô hình được đánh giá là phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi tiểu học, hỗ trợ việc xây dựng thói quen đọc cho học sinh. Thư viện thân thiện cũng có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động: Cá nhân, cặp đôi, nhóm, đồng thời có thời khóa biểu tiết đọc thư viện của tất cả các lớp. Tiết đọc thư viện được triển khai đúng thời khóa biểu, có lịch mượn trả sách cho tất cả các khối lớp.

Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 5A3, Trường Tiểu học Ngô Quang Bích cho biết: Hàng ngày em thường cùng các bạn lên thư viện để mượn sách về nhà đọc. Tại mô hình thư viện thân thiện Room to Read sách được phân loại theo trình độ đọc và trưng bày trên kệ. Học sinh chúng em dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy sách để đọc. Mô hình thư viện thân thiện rất phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi của chúng em. Còn em Nguyễn Tiến Dũng, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Tây Phong cho biết: Sau khi đọc sách tại thư viện, học sinh chúng em có những hoạt động mở rộng cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xoay quanh chủ đề vừa được đọc. Em rất thích những buổi đọc sách trên thư viện bởi đã học được rất nhiều từ những bài đọc trong sách.

Ông Lương Chiến Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải cho biết: Ưu việt lớn nhất của mô hình thư viện thân thiện Room to Read là đã thay đổi hoàn toàn về hình ảnh của thư viện truyền thống trong nhà trường. Từ những “kho” chứa sách ban đầu, thư viện được mở rộng về diện tích, được gắn kết với không gian đọc thư viện xanh, thư viện lớp học. Tại thư viện trung tâm, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh. Các loại đồ dùng, thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của học sinh như: Giá, kệ, giỏ đựng sách, bàn ghế, thảm xốp trải phòng, hệ thống bảng biểu... Việc bố trí hợp lý đã tạo nên không gian thân thiện, gần gũi. Ngoài ra, quy trình mượn sách cũng đơn giản để khuyến khích các em chủ động mượn sách. Thư viện còn có bảng hướng dẫn học sinh tự tìm sách theo mã màu phù hợp trình độ đọc. Ví dụ: Xanh lá, đỏ, cam, trắng, xanh dương, vàng. Tại các giờ đọc, cán bộ thư viện và giáo viên giúp học sinh tìm sách phù hợp với trình độ đọc, làm mẫu thế nào là đọc tốt và đọc hay. Học sinh được khuyến khích tham gia vào hoạt động quản lý thư viện. Cán bộ quản lý thư viện và giáo viên chủ động khích lệ và hỗ trợ học sinh đọc sách, giúp các em cảm thấy thư viện là nơi thoải mái và không bị áp lực khi đọc. Ngoài ra, thư viện còn được bố trí các góc hoạt động khác nhau như: “Góc trò chơi phát triển ngôn ngữ”, “Góc tra cứu”, “Góc sáng tạo” để rèn luyện kỹ năng tra cứu tài liệu, khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo, giúp các em tự tìm tài liệu cho việc học tập và nâng cao kiến thức.

Mô hình thư viện thân thiện Room to Read được Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ở 10 trường tại 5 huyện trên địa bàn tỉnh. Thư viện là một trong những mô hình góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm toàn ngành giáo dục đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc của trẻ thơ, giúp các em trở thành người đọc độc lập, thực hiện thành công mục tiêu nâng cao năng lực ngôn ngữ, khả năng giao tiếp cho học sinh bậc tiểu học.

Sách trong thư viện thân thiện Room to Read dễ tìm và nhiều loại sách phù hợp với trình độ đọc của học sinh.

Hồng Hạnh