Thứ 3, 23/07/2024, 19:24[GMT+7]

Nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Thứ 4, 27/09/2023 | 08:43:46
1,726 lượt xem
Bệnh lao nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh. Tại Thái Bình, cùng với các ngành, địa phương, đơn vị, Bệnh viện Phổi Thái Bình đã chủ động rà soát, phát hiện lao trong cộng đồng, thực hiện hiệu quả việc điều trị, giảm lây lan vì mục tiêu chung của cả nước nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Cán bộ Bệnh viện Phổi Thái Bình sử dụng kính hiển vi huỳnh quang tìm trực khuẩn AFB.

Ngay sau khi có các triệu chứng ho, tức ngực, sốt nhẹ về chiều, anh N.H.K, xã Duyên Hải (Hưng Hà) đã đến Bệnh viện Phổi Thái Bình khám. Tại đây, anh được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi. Anh N.H.K chia sẻ: Nhiều lúc người mệt mỏi tôi chỉ nghĩ do công việc thợ xây vất vả song đến khi ho nhiều, tức ngực đi khám mới phát hiện ra bệnh. Điều trị tại Bệnh viện Phổi Thái Bình được hơn nửa tháng, đến nay tôi thấy sức khỏe tiến triển rõ rệt, đỡ mệt nhiều. Bác sĩ bảo có thể khỏi bệnh nếu tuân thủ đúng phác đồ nên tôi rất yên tâm, cũng may phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Bên cạnh những trường hợp phát hiện bệnh sớm còn không ít người khi đến khám bệnh đã tiến triển nặng hoặc quá trình uống thuốc điều trị bị gián đoạn dẫn đến lao kháng thuốc. Bệnh nhân N.T.T.L (Vũ Thư) - một trong những trường hợp bị lao kháng thuốc chia sẻ: Tôi phát hiện lao cách đây hơn 1 năm. Thời điểm đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại, mua thuốc khó khăn nên tôi mới uống thuốc được 3 tháng sau đó lại trì hoãn, tuân thủ không đúng phác đồ điều trị. Gần đây, cơ thể mệt mỏi tôi đi khám lại và phát hiện mắc lao kháng thuốc. Qua đây, tôi mong mọi người ai chớm bệnh nên đi khám, uống thuốc đầy đủ, tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra, tránh để tình trạng lao kháng thuốc như tôi khiến việc điều trị gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.

Nhân viên y tế khám sàng lọc bệnh lao và các bệnh về phổi tại Trạm Y tế xã Đông Quang (Đông Hưng).

Bệnh lao thường có các triệu chứng: ho kéo dài trên 3 tuần, đau ngực, mệt mỏi, sốt nhẹ chiều tối, ra mồ hôi đêm, sút cân. Bệnh có thể mắc ở mọi người, ở các độ tuổi, nguy cơ mắc sẽ tăng nếu thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh mạn tính, người nghiện ma túy, rượu, bia, thuốc lá; người có sức đề kháng yếu... Bệnh lây lan qua đường hô hấp. Tại Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Thái Bình đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc lao với mức độ bệnh khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Loan, Phó Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Thái Bình cho biết: Khoa thường tiếp nhận điều trị nội trú cho 3 bệnh nhân/ngày và khoảng 4 - 5 bệnh nhân lao kháng thuốc/tháng. Có những trường hợp nhẹ chỉ ho kéo dài, trường hợp trung bình thì ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, tình trạng lâm sàng đã xuất hiện gầy sút, mệt mỏi, còn với bệnh nhân nặng thì sốt cao, gầy sút, nhiễm trùng nặng, khó thở. Việc điều trị bệnh nhân lao kéo dài. Thuốc điều trị lao đơn giản song tác dụng phụ của thuốc lớn, những ngày đầu bệnh nhân uống thuốc rất mệt nhưng sau 1 - 2 tuần thì không gây mệt nữa, bệnh nhân bắt đầu đáp ứng thuốc, khỏe lên. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân khi cảm thấy khỏe đã bỏ thuốc khiến sau đó bệnh nặng thêm. Vì thế, chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân phải uống thuốc đủ liều, đúng giờ, đúng phác đồ, tránh ngắt quãng dẫn đến lao kháng thuốc và bệnh nặng lên.

Bệnh lao phổi có thể điều trị khỏi. Phương pháp chẩn đoán bệnh đang thực hiện tại Bệnh viện Phổi Thái Bình là chụp X.quang phổi. Tuy nhiên, yếu tố quyết định phương án điều trị là xét nghiệm vi sinh như soi đờm trực tiếp, xét nghiệm Gene Xpert, trong đó xét nghiệm Gene Xpert là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay để xem vi khuẩn đó có chính xác là vi khuẩn lao và vi khuẩn đã kháng thuốc chưa... Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng thực hiện nuôi cấy vi khuẩn và định danh vi khuẩn lao. Căn cứ kết quả chụp, xét nghiệm các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Cùng với việc điều trị, tuyên truyền phòng bệnh, Bệnh viện Phổi Thái Bình còn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), các địa phương, đơn vị chủ động khám sàng lọc lao trong cộng đồng. Chương trình do Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ. Từ năm 2021 đến nay, Bệnh viện đã khám sàng lọc cho hơn 20.000 người dân ở các địa phương, phát hiện gần 1.500 trường hợp mắc bệnh lao và các bệnh về phổi. 

Bác sĩ Bùi Huy Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình chia sẻ: Bệnh viện thường xuyên phối hợp với các đơn vị khám phát hiện chủ động bệnh lao và các bệnh về phổi. Đối tượng khám là người tiếp xúc với bệnh nhân lao; người có nguy cơ cao mắc bệnh lao và các bệnh về phổi. Mỗi điểm thường khám có khoảng 350 - 400 người. Việc khám chủ động nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc, tránh lây lan ra cộng đồng. Những trường hợp nghi mắc sẽ được sàng lọc, chụp phổi xem có tổn thương không. Với trường hợp tổn thương phổi sẽ được làm các xét nghiệm khác. Những trường hợp nghi ngờ mà chưa phát hiện tổn thương sẽ tư vấn kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Trường hợp mắc các bệnh phổi khác sẽ tư vấn đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị khám tại Hưng Hà, Vũ Thư. Sau này, nếu chương trình khám sàng lọc bệnh lao và các bệnh về phổi còn triển khai chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ở các huyện khác.

Để hạn chế sự lây lan của bệnh lao, các bác sĩ khuyến cáo, do đặc điểm bệnh lao lây qua đường hô hấp nên người dân cần đeo khẩu trang thường xuyên, dùng tay che miệng khi ho, hắt hơi, vệ sinh tay thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng bệnh, tìm hiểu kiến thức phòng bệnh. Khi đã mắc bệnh lao, người bệnh nên có ý thức phòng bệnh cho người xung quanh, tuân thủ đúng phác đồ, đủ thời gian điều trị để đạt kết quả tốt nhất.

Cán bộ Bệnh viện Phổi Thái Bình khám, điều trị cho bệnh nhân lao.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày