Thứ 6, 22/11/2024, 19:55[GMT+7]

Phát huy giá trị bài học lịch sử vô giá

Chủ nhật, 01/10/2023 | 08:03:30
2,354 lượt xem
Trong bài viết “Bài học lịch sử vô giá”, đăng trên Tạp chí Cộng sản số 2/1987 (đăng lại trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại bài học lịch sử quý báu mà Đảng ta đúc kết qua thực tiễn cách mạng. Đó là, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Dẫn lời đồng chí Trường Chinh: “Bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” trước đây rất quan trọng, bây giờ càng quan trọng, đó là bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta”, tác giả cho rằng “chúng ta không thể không đi sâu nghiên cứu, quán triệt và vận dụng thật tốt bài học lịch sử vô giá mà Đảng ta đã nêu ra, chăm lo làm tốt công tác vận động quần chúng, củng cố và tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng”.

Phân tích nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc cùng quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng ta, ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tác giả nhận định, vấn đề có ý nghĩa quyết định tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của quần chúng; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng.

Thực tiễn cho thấy, mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân đã được minh chứng qua từng giai đoạn cách mạng. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân vì Đảng tham gia, hưởng ứng, hiện thực hóa những chủ trương, đường lối của Đảng. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được duy trì hiệu quả suốt thời gian qua cho thấy mối liên hệ mật thiết đó trở thành cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Ở nhiều nơi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội thường xuyên quan tâm quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tích cực xây dựng, góp ý sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật...

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thực hiện tốt các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát đầu tư của cộng đồng, hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, tập hợp và kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chú trọng quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng tới đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Nhiều ban công tác mặt trận khu dân cư phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng; các chi hội đoàn thể trở thành nòng cốt trong tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Một số nội dung nổi bật trong đổi mới tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã được triển khai, như phổ biến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với các nội dung tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường, giao thông nông thôn, an toàn thực phẩm, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo, an ninh trật tự,…

Thông qua hoạt động ý nghĩa này, mỗi khu dân cư tự đánh giá những ưu điểm và hạn chế, đề ra giải pháp thực hiện để mỗi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm cùng bảo vệ và xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển.

Thông qua tổ chức ngày hội, những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc đã được gìn giữ và phát huy, đó là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những nội dung tích cực lan tỏa hành động ý nghĩa, làm giảm các tệ nạn xã hội, đồng thời nhân lên gương sáng, việc hay trong học tập, công tác, lao động sản xuất, các phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... khơi dậy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, gắn kết tình làng nghĩa xóm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” vẫn luôn giữ nguyên giá trị, là lời nhắc nhở sâu sắc đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; trao đổi, giải đáp những vấn đề người dân quan tâm.

Qua đó, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, đề xuất giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với tình hình tại cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời chăm lo đời sống nhân dân.

Đàm Thế Sử, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Theo: nhandan.vn