Chủ nhật, 19/01/2025, 07:18[GMT+7]

Phát triển văn hóa đọc Kỳ 1: Hoàn thiện bản thân từ văn hóa đọc

Thứ 2, 02/10/2023 | 21:47:33
7,985 lượt xem
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quy chế giải thưởng phát triển văn hóa đọc nhằm tôn vinh, thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đọc, lan tỏa giá trị từ việc đọc đến cộng đồng, hướng đến phát triển văn hóa đọc bền vững... Tại Thái Bình, hoạt động phát triển văn hóa đọc đang được triển khai bằng nhiều hình thức. Mới đây, cuộc thi đại sứ văn hóa đọc lần thứ hai được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã thu hút hơn 15.000 bài dự thi từ học sinh các cấp học. Điều đó cho thấy phong trào đọc đang phát triển sôi nổi tại nhiều trường học.

Sách là người bạn thân thiết sau mỗi giờ học của Đại sứ văn hóa đọc Chu Phạm Trâm Anh.

Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc không chỉ tạo điều kiện cho học sinh các cấp học được thể hiện niềm đam mê đọc sách thông qua việc chia sẻ, giới thiệu về cuốn sách yêu thích, tâm đắc của mình mà còn được đưa ra sáng kiến của bản thân nhằm phát triển văn hóa đọc. Từ đây đã cho thấy tâm huyết và mong muốn đóng góp cho cộng đồng của các bạn trẻ.

Sách là người bạn

Là 1 trong 3 người đạt giải nhất cuộc thi đại sứ văn hóa đọc lần thứ hai, em Chu Phạm Trâm Anh, lớp 12 Anh 1, Trường THPT Chuyên Thái Bình có tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với việc đọc sách. Trâm Anh cho biết, từ khi còn là học sinh tiểu học em đã được bố mẹ quan tâm, khuyến khích thường xuyên dành khoảng thời gian nhất định trong ngày để đọc sách báo phù hợp với lứa tuổi của mình. Gia đình có phòng đọc sách, bởi vậy tình yêu với việc đọc cũng đến một cách tự nhiên, em bị cuốn hút bởi những cuộc phiêu lưu của thám tử Sê-lốc-cốc trong sách Toán tuổi thơ, rồi dần dần là những câu chuyện trong sách lịch sử, văn hóa, giáo dục kỹ năng sống... Lớn hơn một chút, Trâm Anh ý thức được giá trị tích cực từ việc đọc sách cũng như hành trình đến với tri thức thông qua việc đọc của mình. Em chia sẻ: Song song với thói quen đọc sách, em luôn chủ động viết ra tóm tắt, cảm nhận hoặc những điều tâm đắc, bài học từ cuốn sách đó. Như vậy, không những em có thể nhớ nội dung cuốn sách lâu hơn mà còn rèn luyện cho mình tăng khả năng tư duy, tổ chức vấn đề trong từng bài cảm nhận. Ngoài ra, em nghĩ rằng việc đọc sách luôn cần thiết và hữu ích với tất cả mọi người vì mỗi cuốn sách hay đều hướng chúng ta tới cuộc sống tích cực hơn, mở ra góc nhìn đa dạng về mọi điều. Sách cũng là nguồn tri thức đã được đúc kết từ hàng nghìn năm, có khi đó là sản phẩm của cả một đời người, vậy nên cần tận dụng tốt “nguồn tài nguyên” này.

Đối với Trâm Anh, sách còn là người bạn thân thiết và từ sách em đã được làm quen với nhiều người bạn mới. Lên THPT, sống xa gia đình, em dành nhiều thời gian cho việc học, do vậy ngoài thời gian ở trường thì Thư viện tỉnh là điểm đến thân thuộc mỗi ngày của Trâm Anh. Em không chỉ đến để mượn sách mà còn thường xuyên học tại Thư viện tỉnh bởi với không gian mở, đa dạng các đầu sách tham khảo được sắp xếp hợp lý, ngay khi gặp vấn đề cần tra cứu em có thể mượn những cuốn sách phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, tại đây em được tiếp xúc với môi trường có nhiều bạn cùng đam mê đọc sách, từ đó có thể chia sẻ, tăng thêm kiến thức và kỹ năng của mình.

Trâm Anh duy trì thói quen đọc sách hàng ngày tại Thư viện tỉnh. 

Ý tưởng thành lập CLB đọc sách trong trường học

Thường xuyên đến Thư viện tỉnh, Trâm Anh được biết về cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, vậy nên ngay khi tham dự lễ phát động cuộc thi năm 2023 tại Trường THPT Chuyên Thái Bình em đã dành thời gian suy nghĩ về việc làm như thế nào để khuyến khích các bạn học sinh đọc sách thường xuyên hơn. Từ việc hàng ngày được gặp gỡ, chia sẻ cùng những người bạn có chung sở thích đọc sách tại thư viện, Trâm Anh nghĩ đến việc cần phải thành lập những CLB đọc sách trong trường học, từ đó mở ra không gian thuận lợi cho các bạn học sinh cùng đọc sách sau giờ lên lớp, sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả. Ngoài ra, theo em điều cần thiết là tạo dựng những hoạt động thường xuyên của CLB đọc sách như xây dựng tủ sách chung; viết bài cảm nhận, giới thiệu về cuốn sách yêu thích; thực hiện những thử thách liên quan tới việc đọc sách...

Trâm Anh chia sẻ: Em nhận thấy cuộc thi đại sứ văn hóa đọc có ý nghĩa rất lớn, khuyến khích chúng em đọc và cảm nhận về sách nhiều hơn. Đây là cách làm mà các CLB đọc sách nên áp dụng, thường xuyên tổ chức định kỳ theo tháng, theo quý những cuộc thi nhỏ để các thành viên cùng tham gia và bày tỏ suy nghĩ của bản thân mình về một chủ đề nhất định. Như đến với cuộc thi đại sứ văn hóa đọc năm 2023 có chủ đề “Em yêu quê hương, đất nước em”, em đã nghĩ ngay tới cuốn sách “Gánh gánh gồng gồng”- hồi ký của tác giả Xuân Phượng và mong muốn giới thiệu cuốn sách này tới tất cả mọi người bởi đây là tác phẩm đã chạm đến trái tim người đọc với sự ấm áp, can trường của một người phụ nữ mà cuộc đời lấp lánh từng mảnh ký ức của lịch sử dân tộc. Cuốn sách khiến cho em thêm trân trọng và yêu thương biết bao những tháng ngày bình yên mà mình đang sống, đồng thời luôn suy nghĩ mình cần phải làm gì để noi gương các thế hệ đi trước, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

Sách không chỉ là người bạn, người thầy mà với Trâm Anh, trên hành trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của mình, sách đã trở thành động lực to lớn để em luôn hướng tới những điều tích cực và tốt đẹp hơn. Mong rằng, với sự quan tâm của ngành chức năng, sự vào cuộc của các nhà trường, các thầy cô giáo cũng như từ chính mỗi phụ huynh, việc phát triển văn hóa đọc sẽ trở nên gần gũi, thiết thực hơn đối với mỗi học sinh, từ đó hướng các em tới những giá trị chân - thiện - mỹ.

(còn nữa)
Tú Anh