Chủ nhật, 22/12/2024, 13:17[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 Khó khăn tôi luyện bản lĩnh

Thứ 5, 12/10/2023 | 22:42:34
12,778 lượt xem
Chưa khi nào gặp khó khăn nhiều phía như từ đầu năm đến nay song các doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình đã kịp thích ứng và tìm ra lối đi cho mình để tồn tại, phát triển, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Khi gặp mặt chúc mừng các doanh nhân nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Càng khó khăn càng làm bật lên ý chí và khát vọng vươn lên của doanh nhân Thái Bình”.

Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu đầu tư nhiều máy móc tự động hóa và công nghệ sản xuất tiên tiến.

Lửa thử vàng...

3/4 thời gian của năm 2023 đã đi qua là từng ấy thời gian các doanh nghiệp trong tỉnh vật lộn trong gian khó, không ít doanh nghiệp tiềm lực yếu rơi vào tình trạng suy thoái. Đã có 491 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, 96 doanh nghiệp tự nguyện giải thể. Những con số đó đủ cho chúng ta thấy mức độ khó khăn, áp lực mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt lớn như thế nào.

Với các doanh nghiệp dệt may, đơn hàng sản xuất bị giảm từ 25 - 40% so với cùng kỳ năm 2022 khiến việc duy trì việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ cạnh tranh trong nước, các doanh nghiệp còn phải đương đầu với nhiều đối thủ nước ngoài bởi đơn hàng giá rẻ, công nghệ xanh... Còn các doanh nghiệp ngành hàng sợi dệt, da giày, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng gặp khó do chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm bán ra thị trường gần như không thay đổi. 

Ông Ngô Quang Văn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Thiên Văn (Thái Thụy) cho biết: Giá nguyên vật liệu sản xuất, giá năng lượng như điện, than, khí gas, xăng dầu đều tăng ở mức từ 3 - 12%, rồi giá cước dịch vụ logistics cũng leo thang khiến chi phí cấu thành sản phẩm tăng từ 15 - 20%. Tuy nhiên, do tổng cầu giảm, doanh nghiệp vẫn phải giữ ổn định giá sản phẩm với hy vọng kích cầu tiêu dùng, tránh hàng hóa bị tồn kho lớn.

Sức hấp thụ hàng hóa của thị trường trong nước giảm, thị trường xuất khẩu cũng tương tự. Từ châu Âu đến châu Mỹ, khu vực Trung Đông, Đông Bắc Á là những thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp trong tỉnh đều bị thu hẹp. Doanh nghiệp chỉ nhận được những đơn hàng xuất khẩu với số lượng nhỏ, giá trị thấp. Chẳng những vậy, các đối tác bạn hàng ngày càng khắt khe với những tiêu chí chất lượng cao, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, đặt các doanh nghiệp xuất khẩu vào thế muốn tồn tại phải thích ứng, có giải pháp sản xuất mới kéo theo chi phí cho đổi mới máy móc, công nghệ không hề nhỏ.

Sáng bản lĩnh doanh nhân

Đứng trước chồng chất khó khăn, các doanh nhân không nản chí, né tránh, chờ thời mà trực diện đối đầu, chủ động nghiên cứu, sáng tạo tìm cơ hội vươn lên. Đó cũng chính là ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh kiên cường và khát vọng phát triển của người Thái Bình, doanh nhân Thái Bình.

Ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu (khu công nghiệp Tiền Hải) chia sẻ: Khó khăn làm cho chúng tôi nhận ra cấu trúc mô hình quản lý, sản xuất có những hạn chế và thấy cả sự biến chuyển nhanh chóng của doanh nghiệp các nước trên thế giới thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Long Hầu phải chủ động sắp xếp lại nhân lực, quản lý dòng vốn chặt chẽ hơn và tập trung đầu tư có trọng điểm, trong đó chủ yếu đổi mới công nghệ sản xuất, nâng tỷ lệ máy móc tự động hóa và nâng cao tay nghề cho người lao động. Nhờ đó, Công ty nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá thành hợp lý, ổn định, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Long Hầu có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu tới các nước Italy, Brazil, Hàn Quốc, Myanmar.

Không riêng Long Hầu, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn đổi mới công nghệ, máy móc để tạo động lực phát triển. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp còn nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số toàn diện từ công tác quản lý, điều hành đến sản xuất, kinh doanh, kết nối sản xuất với thị trường. Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ, Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor, Công ty TNHH Thương mại AP Phú Hưng...

Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát xây dựng showroom ô tô 5D trên internet giúp khách hàng tăng khả năng trải nghiệm và thuận lợi trong mua sắm.

Ông Vũ Mạnh Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát cho biết: Đến nay, hệ thống đại lý ô tô và mô tô của Hưng Thịnh Phát phủ kín địa bàn các huyện, thành phố phục vụ người tiêu dùng Thái Bình. Tuy nhiên, để tăng sự trải nghiệm, thuận lợi trong quá trình tìm hiểu, mua sắm phương tiện giao thông, Hưng Thịnh Phát đã đưa tất cả thông tin, hình ảnh về sản phẩm lên website, mạng xã hội của Công ty. Đặc biệt, Công ty xây dựng thành công showroom ô tô 5D trên môi trường internet giúp khách hàng tham quan, mua sắm bất cứ thời gian nào, ở bất cứ đâu mà không cần trực tiếp đến đại lý. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp xóa bỏ khoảng cách, thời gian tiếp cận khách hàng, tăng doanh số bán hàng rất hiệu quả. 

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor chia sẻ: Chuyển đổi số giúp chúng tôi quản lý, điều hành, giám sát mọi hoạt động của doanh nghiệp từ xa và ở mọi thời điểm. Xây dựng dữ liệu lớn (big data) thông tin về doanh nghiệp còn cho phép chúng tôi tìm kiếm, lựa chọn được các nhà cung cấp nguyên liệu tốt nhất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Hương Sen Comfor đã đưa sản phẩm xuất khẩu ổn định vào các thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Singapore và một số nước châu Âu.

Thay vì chỉ tập trung sản xuất ra hàng hóa tốt, giá thành hợp lý rồi chờ khách hàng đến như lâu nay, các doanh nghiệp đã chủ động tìm cách đưa sản phẩm đến giới thiệu, bán hàng; tìm hiểu nhu cầu thị trường rồi sản xuất ra hàng hóa để đáp ứng thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. 

Hai trong số các doanh nghiệp tích cực xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài suốt 2 năm qua là Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng và Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng. Ngoài tham gia cùng đoàn công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương tại các nước Bắc Âu, Italy, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các doanh nghiệp này chủ động đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại quốc tế và gặp gỡ trực tiếp các khách hàng ở nhiều nước để đàm phán xuất khẩu. 

Ông Đào Đức Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng cho biết: Tiếp cận thị trường và khách hàng đích là cách giúp Công ty đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả cho doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng tham gia triển lãm thực phẩm quốc tế Seoul 2022 (Seoul Food 2022) tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hàn Quốc Kintex.

Sự sáng tạo, quyết tâm vươn lên của mỗi doanh nhân là nhân tố chính để các doanh nghiệp vượt khó và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: 9 tháng năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 141.336 tỷ đồng, tăng 7%, trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp nộp vào ngân sách tỉnh 2.710 tỷ đồng và nộp thuế xuất nhập khẩu 1.139 tỷ đồng. Cùng với các thành phần kinh tế khác, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng làm nên bức tranh kinh tế với những gam màu tươi sáng đó.

Khắc Duẩn