Chủ nhật, 28/04/2024, 10:33[GMT+7]

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm từ mỗi cá nhân, gia đình

Thứ 6, 20/10/2023 | 16:21:30
2,224 lượt xem
Sau vụ 25 học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại huyện Tiền Hải. Mới đây, tại huyện Thái Thụy đã xảy ra vụ ngộ độc khiến 4 người nhập viện sau khi ăn tiết canh, trong đó 1 người đã tử vong. Trong khoảng nửa tháng, liên tiếp 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh là tiếng chuông cảnh báo đối với việc bảo đảm an toàn thực phẩm từ mỗi bữa ăn gia đình, bữa ăn tập thể.

Học sinh bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải cuối tháng 9/2023.

Điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà V.T.N, thôn An Dân, xã Thụy Dân (Thái Thụy) vẫn còn cảm giác sợ hãi khi nghĩ đến thời điểm bị rối loạn tiêu hóa sau bữa tiết canh trưa ngày 8/10/2023. Bà V.T.N chia sẻ: Mua tiết lợn ở cơ sở giết mổ trên địa bàn xã về nhà đánh tiết canh ăn. Đến chiều tối cùng ngày, 4 người trong gia đình tôi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, bụng đau, đi ngoài nhiều lần. Hôm sau 3 người phải nhập viện, trong đó có vợ chồng tôi. Sau khi nhập viện, đến chiều tôi nghe tin người nhà ăn tiết canh cùng đã tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn nghi do nhiễm liên cầu lợn, tôi rất buồn. Đến nay, sức khỏe của vợ chồng tôi cũng đã dần ổn định nhưng sau vụ ngộ độc này tôi “cạch” tiết canh đến chết. Có mấy chục nghìn đồng tiền tiết và đồ mua đánh tiết canh mà giờ phải trả giá quá đắt. Từ sự việc của gia đình, tôi mong mọi người nên ăn chín, uống chín, không ăn thịt tái, sống, tránh xảy ra việc đáng tiếc như gia đình tôi. 

Ngay sau khi có thông tin về việc nghi ngộ độc thực phẩm tại thôn An Dân, xã Thụy Dân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy và địa phương đã triển khai nhiều hoạt động điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Qua điều tra ban đầu, thức ăn nguyên nhân nghi là tiết canh lợn có nguồn gốc từ cơ sở giết mổ; căn nguyên nghi do liên cầu lợn và tác nhân nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật… 

Ông Lê Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy cho biết: Nắm được thông tin sự việc, chúng tôi đã nhanh chóng báo cáo các đơn vị liên quan; đồng thời cử cán bộ trực tiếp về địa phương để phối hợp triển khai điều tra; chỉ đạo Trạm Y tế xã Thụy Dân tham mưu địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phun khử khuẩn tại cơ sở giết mổ lợn, nhà bệnh nhân; điều tra giám sát ca bệnh; theo dõi tình hình sức khỏe những người đã mua, sử dụng tiết của cơ sở giết mổ; đồng thời yêu cầu cơ sở không bán tiết sống làm tiết canh, các cơ sở khác không bán tiết sống và các món bằng thịt tái, sống. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các ngành chức năng xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm; yêu cầu cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ăn uống trên địa bàn huyện chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm… 

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng bởi vẫn có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các tỉnh, thành phố. Tại Thái Bình, từ đầu năm đến nay, đã có 5 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, trong đó có 1 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan tới rượu ở Vũ Thư, 1 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan tới bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp; 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở huyện Tiền Hải và 1 vụ ở huyện Thái Thụy. Tổng số người ăn, uống trong các vụ ngộ độc là hơn 1.080 người, nhiều người phải nhập viện và đã có trường hợp tử vong. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Có nhiều mối nguy, nguyên nhân khiến ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra. Từ 2 vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, chúng tôi khuyến cáo người dân cần bảo đảm vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm; lựa chọn nguồn gốc nguyên liệu, ăn ngay sau khi nấu, thực hiện ăn chín uống chín… Người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh. Dù không phải ai ăn tiết canh cũng bị nhiễm bệnh nhưng không thể biết con lợn nào mang trùng, quá trình giết mổ bị nhiễm virus, vi khuẩn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức các quy định về an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát mối nguy ô nhiễm ở các thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm. Để hạn chế thấp nhất ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, mỗi người dân, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe bản thân, người tiêu dùng, tránh để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả đáng tiếc.

Bà V.T.N, xã Thụy Dân (Thái Thụy) nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau khi ăn tiết canh lợn.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày