Thứ 5, 02/05/2024, 16:05[GMT+7]

Tăng cường giám sát, chủ động phòng bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa

Thứ 3, 24/10/2023 | 07:10:54
1,965 lượt xem
Hiện nay, số ca bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết (SXH)… vẫn đang gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Ở một số địa phương đã xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ, bạch hầu, trong đó có trường hợp tử vong. Tại Thái Bình, 9 tháng đầu năm 2023, số ca mắc SXH, đau mắt đỏ, tay chân miệng, ho gà… cao hơn cùng kỳ năm 2022.

Người dân xã An Châu lật úp dụng cụ chứa nước đọng diệt bọ gậy.

Mới đây, tại xã An Châu (Đông Hưng) ghi nhận ca bệnh SXH nội sinh. Bệnh nhân là nam, sinh năm 1943, thời gian gần đây bệnh nhân không tiếp xúc với người mắc bệnh SXH. Bác sĩ Trần Huy Phởn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã An Châu chia sẻ: Ngay khi có thông tin về ca bệnh, chúng tôi đã báo cáo Trung tâm Y tế huyện, lãnh đạo địa phương; đồng thời tham mưu triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Cùng với hoạt động điều tra giám sát, công tác truyền thông, vệ sinh môi trường đã được thực hiện trên địa bàn toàn xã, trọng tâm là thôn An Nạp. Các ban, ngành, đoàn thể và người dân đã tập trung thu gom dụng cụ phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng, phát quang bụi rậm và phun hóa chất diệt muỗi.

Không chỉ xã An Châu, từ đầu năm đến nay, các ca mắc SXH nội sinh xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 16/10, tổng số ca mắc SXH được ghi nhận tại 8 huyện, thành phố đã là 539 ca, trong đó gần 240 ca nội sinh, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Riêng từ ngày 2 – 8/10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 60 ca bệnh mắc SXH, trong đó có 25 ca nội sinh. Ngoài ra, từ ngày 2 – 8/10 cũng ghi nhận 70 ca mắc tay, chân, miệng; hơn 600 trường hợp mắc hội chứng cúm, 1 trường hợp bị ho gà. Bệnh đau mắt đỏ xuất hiện rải rác ở một số địa phương trong tỉnh. Hầu hết đều có triệu chứng nhẹ, theo dõi, điều trị tại nhà theo hướng dẫn. Các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận diễn biến bất thường. 

Trước sự gia tăng của một số bệnh truyền nhiễm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế huyện, thành phố, các địa phương có ca mắc tăng cường hoạt động tuyên truyền, giám sát véc tơ truyền bệnh, vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch… Việc giám sát véc tơ truyền bệnh được thực hiện định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất khi xuất hiện ca bệnh. Thông qua hoạt động này, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế có thể nắm rõ tình hình bệnh SXH tại cộng đồng, các biện pháp đã triển khai, từ đó đưa ra những hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ địa phương có biện pháp can thiệp kịp thời khi chỉ số véc tơ cao vượt ngưỡng. Các dịch bệnh khác tiếp tục được giám sát, xử lý, khống chế kịp thời, không để lây lan, bùng phát. 

 Cán bộ y tế lật úp các dụng cụ chứa nước đọng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay tại các tỉnh khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc ca nội sinh chiếm tỷ lệ cao cho thấy sự gia tăng mầm bệnh trong cộng đồng. Thêm vào đó, các đợt mưa, nắng xen kẽ, công tác vệ sinh môi trường trong phòng, chống SXH còn hạn chế và ý thức trong phòng, chống dịch SXH của một số người dân chưa cao, còn có tâm lý chủ quan, trông chờ. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong phòng, chống dịch, nhất là việc vệ sinh môi trường dù đã xuất hiện ca bệnh… 

Với tình hình dịch bệnh cộng thêm các yếu tố nguy cơ trên cho thấy, các địa phương đều có thể xuất hiện ca bệnh SXH. Do đó các địa phương, đơn vị, ngành y tế các tuyến cần chủ động đánh giá, xử lý những yếu tố nguy cơ ngay từ gia đình, cộng đồng, đơn vị, doanh nghiệp để ngăn ngừa dịch bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác; tiếp tục giám sát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời ổ dịch, ca bệnh, nhất là thời điểm giao mùa hiện nay.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày