Thứ 6, 22/11/2024, 10:40[GMT+7]

Công tâm, khách quan trong đánh giá, lựa chọn cán bộ

Thứ 6, 27/10/2023 | 08:12:21
2,114 lượt xem
Gây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tài, có đức và trong sạch, vững mạnh là yêu cầu tất yếu bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, đồng thời là mong muốn chung của nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, chúng ta liên tiếp chứng kiến nhiều bài học đau xót về công tác cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong nhân dân.

Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo, tháng 1/2013 đến nay (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đã bị xử lý kỷ luật.

Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân quan trọng là việc đánh giá cán bộ chưa công tâm, khách quan, chưa thực chất, không phải vì yêu cầu công việc. Có những cán bộ được đánh giá tốt, với lý lịch đẹp, bảo đảm các tiêu chí được bổ nhiệm, nhưng ít lâu sau đó lại bị kỷ luật, bị xử lý hình sự. Thực tế đó đòi hỏi, việc chống tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng đã và đang làm mạnh nhưng vẫn cần quyết liệt hơn nữa.

Trong bài viết "Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn" được tuyển chọn đăng trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Chúng ta cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong Đảng… Phải suy nghĩ và hành động vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì lợi ích của cách mạng, chứ không phải vì địa vị và danh lợi cá nhân;…".

Đánh giá, lựa chọn cán bộ là khâu gắn kết, là căn cứ quan trọng để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Đây là cơ sở để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng cán bộ suy thoái, sai phạm trong công tác. Tác giả bài viết cũng đã nêu yêu cầu: "Kết hợp việc bồi dưỡng kiến thức ở trường học với việc rèn luyện trong thực tiễn. Căn cứ vào chỗ mạnh, chỗ yếu và triển vọng phát triển của cán bộ mà lần lượt bố trí người đó vào những cương vị công tác cần thiết, tạo điều kiện cho họ trưởng thành. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch sẽ giúp cán bộ có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng, có bản lĩnh và năng lực lãnh đạo toàn diện… Muốn đổi mới được đội ngũ cán bộ, phải nắm vững tiêu chuẩn cán bộ và đổi mới quan điểm về đánh giá cán bộ".

Để công khai, công tâm trong đánh giá cán bộ, cần thể chế, cụ thể hóa chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Các tiêu chí đánh giá cán bộ có căn cứ khoa học, trên cơ sở hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân. Cần xem xét, đánh giá cán bộ trong cả quá trình. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch kết quả đánh giá cán bộ để phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, đơn vị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, có tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát công tác cán bộ, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá, lựa chọn cán bộ.

Công khai, dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc, được thể hiện trong toàn bộ quy trình đánh giá, lựa chọn cán bộ. Nhưng trên thực tế ở một số nơi, nguyên tắc này chưa được thực hiện nghiêm túc. Có nơi, việc đánh giá cán bộ vẫn được coi là việc riêng của cấp ủy. Chính việc thiếu dân chủ, thiếu công bằng, thiếu minh bạch trong đánh giá cán bộ, là nguyên nhân dẫn tới những tiêu cực trong công tác cán bộ. Đó là tình trạng cấp dưới phụ thuộc, thụ động vào cấp trên, lo lắng xây dựng các mối quan hệ thân thiện hơn là lo lắng, chú tâm vào công việc... Cần tạo môi trường làm việc để cán bộ được sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng, phát huy tài năng, sở trường. Phải bảo đảm để năng lực thật sự của cán bộ phải được ghi nhận công bằng, công tâm. Điều này góp phần phát triển đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

MAI XUÂN LONG, BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ THUẬN LỢI, HUYỆN ĐỒNG PHÚ, TỈNH BÌNH PHƯỚC.

Theo: nhandan.vn