Chủ nhật, 28/04/2024, 14:06[GMT+7]

Thương mại điện tử: Chìa khóa mở cửa thị trường

Thứ 5, 02/11/2023 | 21:21:19
1,435 lượt xem
Các địa phương trong tỉnh đều có nhiều tiềm năng và năng lực sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên chưa thể chuyển hóa thành lợi thế để phát triển kinh tế; tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra bởi đầu ra vẫn gặp khó. Việc Sở Công Thương tập trung hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) được coi là chìa khóa mở cửa thị trường.

Nhờ ứng dụng thương mại điện tử, mỗi năm Công ty TNHH Thương mại AP Phú Hưng tiêu thụ được hơn 80 tấn sản phẩm, cho doanh thu hơn 8 tỷ đồng/năm.

Hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Mạnh ở xã Hòa Bình (Hưng Hà) được nhiều người biết đến với các sản phẩm: khoai lang kén, ngô chiên và cùi bưởi nấu chè, bình quân mỗi tháng tiêu thụ khoảng 40 tấn sản phẩm. Chị Đinh Thị Duyên, chủ hộ kinh doanh cho biết: Nguồn nguyên liệu sản xuất là các nông sản như ngô, khoai đều sẵn có tại địa phương nên năng lực sản xuất của gia đình có thể đạt tới 100 tấn sản phẩm/tháng. Cái khó hiện nay đối với hộ chế biến nông sản là chưa phát triển được thị trường đầu ra cho sản phẩm. Bản thân tôi ngoài bán hàng trực tiếp tại nhà, sạp hàng ở chợ và tận dụng triệt để mạng xã hội như facebook, zalo để tiêu thụ nhưng mới chỉ tiếp cận được một lượng nhỏ khách hàng trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Vì vậy, năng lực sản xuất còn dư địa nhưng chưa khai thác, phát huy được.

Câu chuyện của chị Duyên cũng là thực trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Anh Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX SXKD DVNN Hoàng Minh, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) cho biết: Sản phẩm cây Hương Thảo và tinh dầu Hương Thảo có giá trị cả về kinh tế cũng như tốt cho sức khỏe con người, khả năng phát triển vùng nguyên liệu rất lớn. Cái khó của HTX hiện nay chính là đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Nếu chỉ bán hàng theo cách truyền thống và tham gia các hội chợ để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thì sẽ rất chậm và mất cơ hội cạnh tranh. Tôi nghĩ, chỉ có TMĐT mới có thể giúp chúng tôi phát triển được thị trường nhanh và rộng lớn nên hiện nay HTX đang nghiên cứu ứng dụng kênh bán hàng mới này.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở có sản phẩm OCOP đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh những kiến thức cơ bản và kỹ năng kinh doanh trên các nền tảng TMĐT. Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 500 doanh nghiệp và hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể; tổng giá trị sản xuất hàng hóa ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Hàng hóa làm ra rất đa dạng và dồi dào, cần có thị trường rộng lớn để tiêu thụ, trong khi đó thương mại, dịch vụ của địa phương chưa phát triển, năng lực xúc tiến thương mại của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế nên khâu tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng TMĐT là rất cần thiết, quan trọng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cũng như phát huy được năng lực sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng dụng TMĐT để tiêu thụ sản phẩm là rất hiệu quả. Thực tế, nhiều doanh nghiệp được Sở Công Thương hỗ trợ đào tạo, xây dựng website và đưa sản phẩm lên một số sàn TMĐT đã tạo sự bứt phá về kinh doanh. Công ty TNHH Thương mại AP Phú Hưng, xã Hùng Dũng (Hưng Hà) chuyên sản xuất các loại trà thảo dược. Ông Vũ Xuân Duẩn, Giám đốc Công ty cho biết: Được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng website quảng bá, bán hàng, doanh thu của Công ty không ngừng tăng, bình quân đạt 10% năm. Đến nay Công ty sản xuất, tiêu thụ khoảng 80 tấn sản phẩm, cho doanh thu hơn 8 tỷ đồng/năm; dự kiến năm 2024 sẽ cán mốc 10 tỷ đồng.
Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng TMĐT để tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, chúng tôi phối hợp với chuyên gia tư vấn lĩnh vực hoạt động hỗ trợ xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương tổ chức nhiều lớp tập huấn về TMĐT tại các huyện, thành phố. Đến nay đã có hàng nghìn lượt người dân, doanh nghiệp được tập huấn, 40 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ xây dựng website, 45 đơn vị được quảng bá sản phẩm, tham gia sàn TMĐT lớn, uy tín ở trong và ngoài nước và xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến. Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ 300 đơn vị với hơn 2.000 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn quảng bá, kinh doanh trên sàn TMĐT của tỉnh, góp phần phát triển thị trường, giúp người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả.

Năng lực sản xuất hàng hóa của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất lớn chưa được phát huy do thiếu thị trường tiêu thụ. Trong ảnh: Sản xuất tại cơ sở bánh cáy Trường Hằng, làng nghề xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng.

Khắc Duẩn