Thứ 6, 10/05/2024, 23:53[GMT+7]

Đa dạng hóa hình thức truyền thông - nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá

Thứ 5, 09/11/2023 | 08:26:32
2,522 lượt xem
Liên tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) là giải pháp Thái Bình đang triển khai, mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, tiến tới thay đổi hành vi, từ bỏ thói quen hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc tại mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một tiết mục dự thi hội thi tại huyện Tiền Hải.

Sân khấu hóa thông qua các buổi biểu diễn tiểu phẩm, hội thi tại các huyện, thành phố là điểm nhấn trong hoạt động tuyên truyền về PCTHCTL năm 2023. Cách thể hiện sinh động, nội dung gần gũi, dễ hiểu đã mang đến cho người xem bức tranh toàn cảnh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và những ảnh hưởng, hệ lụy mà thuốc lá gây ra. 

Bà Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Ủy viên Thư ký Ban Chỉ đạo PCTHCTL tỉnh chia sẻ: Thực hiện kế hoạch PCTHCTL của tỉnh giai đoạn 2023 - 2024, các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động PCTHCTL. Ngoài việc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên, mạng lưới hoạt động PCTHCTL, giáo viên, đoàn viên thanh niên, hội viên nông dân, phụ nữ..., các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh. Song song với các buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, ngoại khóa tại trường học; triển khai các hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia không khói thuốc, ngày Thế giới không thuốc lá 31/5; cấp phát tài liệu tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng..., năm nay công tác tuyên truyền có sự đổi mới, đi vào chiều sâu và đa dạng hơn qua hình thức sân khấu hóa và thi tìm hiểu kiến thức PCTHCTL tại các trường học, hướng tới đối tượng thanh thiếu niên nhằm ngăn ngừa các loại thuốc lá mới xâm nhập vào trường học. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các địa phương, tổ chức, đơn vị vận động các gia đình trồng cây thuốc lá chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây gia vị; đồng thời, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế, giáo dục, giao thông vận tải, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh thuốc lá.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tích cực từ tỉnh đến cơ sở, công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Trên 90% đơn vị, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo PCTHCTL, triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Ý thức chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên rõ rệt, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ người hút thuốc lá tại nơi đông người giảm, nhiều người nghiện thuốc đã có ý thức hút thuốc đúng nơi quy định; có người đã thực hiện cai thuốc và bỏ thuốc thành công. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào nội quy chung, tổ chức ký cam kết xây dựng môi trường không khói thuốc. Ở một số bệnh viện đã xử phạt bằng nhiều hình thức đối với cán bộ, nhân viên hút thuốc. Một số xã có trồng cây thuốc lào đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác PCTHCTL vẫn còn những khó khăn như: Tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến. Việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở một số cơ quan, địa phương còn mang tính hình thức; có địa phương chưa đưa nội dung hạn chế hoặc cấm hút thuốc lá tại lễ hội, đám cưới, đám tang vào hương ước... Thêm vào đó, một số loại thuốc lá rẻ, dễ mua; thuốc lá thế hệ mới xuất hiện đa dạng, tinh vi, khó kiểm soát, ảnh hưởng tới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Ở một số cơ quan, đơn vị, lãnh đạo còn hút thuốc nên chưa cương quyết thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Kinh phí cho hoạt động PCTHCTL còn hạn chế. Việc xử phạt các vi phạm chưa quyết liệt, chủ yếu nhắc nhở. Nhân lực làm công tác PCTHCTL mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao...

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi... PCTHCTL hiệu quả cần có sự vào cuộc tích cực từ các cấp, ngành, địa phương và ý thức của mỗi người dân. 

Bà Lưu Thị Ánh Tuyết cho biết thêm: Để thực hiện hiệu quả công tác PCTHCTL, thời gian tới cần tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo PCTHCTL các cấp, ngành, địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là tại UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác truyền thông, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng môi trường không khói thuốc; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác PCTHCTL; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, triển khai đánh giá tình hình thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Thái Bình năm 2024 và thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược quốc gia PCTHCTL đến năm 2030 của tỉnh đã đề ra.

 Các thí sinh đạt giải hội thi tìm hiểu về PCTHCTL trong trường học năm 2023 của huyện Hưng Hà.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày