Chủ nhật, 05/05/2024, 05:49[GMT+7]

Doanh nghiệp tận dụng các FTA để phát triển và hội nhập

Thứ 3, 21/11/2023 | 19:47:25
855 lượt xem
Tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu mang lại việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản.

Là người gắn bó với Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) 9 năm qua, ông Nguyễn Trung Tuấn cũng như nhiều công nhân khác cảm nhận rõ những đổi thay tích cực về môi trường làm việc và sự phát triển của doanh nghiệp. Ông chia sẻ: Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên việc làm của công nhân cũng như thợ thủ công ở các làng nghề cũng thất thường, lúc làm không hết việc, lúc lại thiếu việc. Nhưng 5 năm trở lại đây Công ty xuất khẩu được nhiều hàng hóa đi các nước trên thế giới, mang lại việc làm, thu nhập của công nhân cũng tăng so với trước, bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Để người lao động có được niềm vui đó, thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành không ngừng nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, phát triển những dòng sản phẩm có chất lượng cao, nguyên liệu mới lạ, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng, cải thiện điều kiện lao động và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho công nhân, thợ thủ công. Đặc biệt, lãnh đạo Công ty tích cực đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, xúc tiến thương mại quốc tế nhằm tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới. Bên cạnh đó, Công ty nghiên cứu kỹ và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký để tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành cho biết: Để đưa hàng hóa thâm nhập các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng, thường xuyên cải tiến, đổi mới mẫu mã sản phẩm và đáp ứng các tiêu chí về an toàn, thân thiện với môi trường, bảo đảm an sinh xã hội. Đáng mừng nhất là 5 năm qua Việt Nam ký các FTA với nhiều nước và khu vực trên thế giới đã mở ra thị trường lớn cho doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan tạo ra sức cạnh tranh đáng kể. Nhưng để tận dụng được cơ hội đó, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ và đáp ứng những quy định, quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, hàng rào thương mại của từng nước nhập khẩu. Mỗi năm Công ty xuất khoảng 800 container hàng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 triệu USD. Mặc dù gặp khó khăn do tổng cầu thế giới giảm và suy thoái kinh tế nhưng trong 10 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt gần 8 triệu USD và hiện nay Công ty đã ký đơn hàng sản xuất, xuất khẩu cho các đối tác đến tháng 6/2024.

Không riêng Công ty Tiến Thành, đa số doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cũng tận dụng tốt các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Ông Đỗ Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dệt may An Nam (xã Tây An, huyện Tiền Hải) cho biết: Thời gian qua, ngành sợi dệt gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp cố gắng cắt giảm chi phí không cần thiết, tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao, giá tốt để duy trì sản xuất. Sản phẩm sợi của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Peru. Nhờ các FTA mà Việt Nam là thành viên nên hàng hóa của chúng tôi không bị áp thuế nhập khẩu, đây chính là lợi thế cho doanh nghiệp cạnh tranh với các đối thủ. Khách hàng hưởng giá ưu đãi do chúng tôi được miễn thuế nên họ mua với số lượng nhiều hơn giúp doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện tại, nhà máy sợi dệt của An Nam đang duy trì chạy 100% công suất với sản lượng gần 14.000 tấn sợi/năm.

Nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và hội nhập thành công, thời gian qua, Sở Công Thương tích cực phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến các FTA như CPTPP, AKFTA, VKFTA, RCEP, EVFTA. 

Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết: Chúng tôi tập trung hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA, kiến thức về C/O truy xuất nguồn gốc xuất xứ, trong đó thực hiện hiệu quả việc khai báo và cấp chứng nhận C/O điện tử đáp ứng tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi về thuế quan. Khuyến nghị doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý, kiểm soát giá xuất khẩu đối với mặt hàng có nguy cơ điều tra chống bán phá giá, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm ứng phó và tránh bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Nhìn chung, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai thác có hiệu quả các FTA, tăng năng lực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

Không chỉ có việc làm ổn định, thu nhập của công nhân Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành nâng lên đạt 8 triệu đồng/người/tháng. 

Công nhân Công ty TNHH Thương mại dệt may An Nam có việc làm ổn định, thu nhập nâng lên nhờ doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều hàng hóa. 

Khắc Duẩn