Thứ 5, 02/05/2024, 13:51[GMT+7]

10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo: Biến nghị quyết thành hiện thực Kỳ 4: Nỗ lực tạo đột phá

Thứ 4, 22/11/2023 | 21:03:43
3,319 lượt xem
Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và sự tham gia hưởng ứng của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân cho thấy sự kịp thời, đúng đắn của chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trước yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập. Trước những khó khăn, thách thức, giáo dục Thái Bình nỗ lực để tạo đột phá.

Trường THPT Nguyễn Huệ là một trong những trường ngoài công lập duy trì hiệu quả các phong trào thi đua.

Càng đổi mới thì khó khăn, thách thức càng nhiều. Vì vậy, đổi mới phải có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; quá sốt ruột hoặc quá cầu toàn đều không được. Đổi mới mà người đứng đầu không thông, không “truyền lửa” được cho cấp dưới thì rất khó thành công.

Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo


Khó khăn, thách thức còn nhiều

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên hiện ngành giáo dục vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo và chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo Thông tư số 16/TT-BGDĐT, ngày 4/10/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về máy móc, trang thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị dạy học hiện đại để đổi mới phương pháp dạy học. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 còn thấp, một số trường có khả năng mất chuẩn hoặc hạ mức chuẩn theo tiêu chí mới của các văn bản hiện hành. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý vẫn còn bất cập về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Hết năm 2022, toàn tỉnh thiếu khoảng 2.300 giáo viên các cấp học. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên THPT chưa được giải quyết dứt điểm. Một số cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình GDPT 2018. Một bộ phận giáo viên thực hiện, vận dụng đổi mới phương pháp dạy học còn hạn chế, chất lượng dạy học chưa đồng đều. Một số trường học còn lúng túng trong việc đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất người học. Công tác huy động xã hội hóa cho giáo dục chưa cao. Chất lượng dạy nghề, dạy văn hóa ở một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chưa cao; việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS ở một số địa phương còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu là nguồn ngân sách từ trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Thái Thụy, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Chương trình GDPT 2018 đã triển khai sang năm thứ tư nhưng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục theo chương trình mới; tiến độ hoàn thiện tiêu chí trường chuẩn quốc gia còn chậm; tình trạng thừa, thiếu giáo viên theo cơ cấu môn học cấp tiểu học, THCS giữa các trường chưa được giải quyết dứt điểm; chất lượng đội ngũ không đồng đều, một số giáo viên, cán bộ quản lý chưa tích cực tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Lý giải về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trước hết là do trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi hiện đã có cơ chế tuyển giáo viên nhưng một số địa phương vẫn chưa xây dựng kịp thời kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao, hoặc phải cân đối bù trừ giữa việc thừa, thiếu giáo viên các cấp học. Ngoài ra, do chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn dẫn đến có môn thừa, có môn thiếu cục bộ. Đồng thời, có sự bất cập giữa chương trình GDPT mới ban hành và việc đào tạo sinh viên tại các trường đại học, dẫn đến nguồn tuyển giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới còn thiếu.

Tạo đột phá để phát triển bền vững

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thái Bình quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập. Giáo dục và đào tạo phải gắn với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 99% trở lên theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc cho học sinh. Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Đảng, bằng tình yêu nghề, khát khao cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của các thầy cô giáo và tinh thần hiếu học của các em học sinh, toàn ngành giáo dục Thái Bình đang thể hiện quyết tâm kiên trì mục tiêu đổi mới gắn với sứ mệnh của ngành đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để mục tiêu trên được hiện thực hóa, ngành đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng thời tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, giải pháp trọng tâm được ngành chú trọng triển khai thực hiện là tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất. Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá chất lượng học sinh; đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; quan tâm huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển toàn diện và bền vững giáo dục. Đối với việc giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngành xác định tiếp tục quan tâm xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường THCS và trường THPT; thực thi các cơ chế và định hướng cho các học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học sư phạm về giảng dạy tại các trường, đặc biệt là Trường THPT Chuyên Thái Bình. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách cho đội ngũ giáo viên trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Thái Bình cho thấy, các phong trào thi đua nâng cao năng lực, trình độ, khơi dậy tâm huyết, niềm đam mê sáng tạo trong cán bộ, giáo viên, học sinh ngày càng trở nên sôi nổi, rộng khắp và hiệu quả. Luồng gió đổi mới đã làm thay đổi tư duy, thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý và thay đổi thái độ, động cơ học tập của người học, hướng đến học thật, thi thật, học để có kiến thức, năng lực thực hành trong thực tế. Đó cũng là động lực để giáo dục Thái Bình tự tin, sẵn sàng cho những đột phá trong giai đoạn tiếp theo.

 Hoạt động vận động ngoài trời của trẻ tại Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương). 

Đặng Anh