Thứ 4, 01/05/2024, 17:59[GMT+7]

Tập thể dục thể thao sao cho đúng

Thứ 7, 25/11/2023 | 09:51:07
2,549 lượt xem
Chất lượng cuộc sống được nâng cao, người dân ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, trong đó có việc luyện tập thể dục thể thao. Đây được xem là “chìa khoá vàng” cho sức khỏe. Các môn: đá bóng, cầu lông, chạy, đi bộ, yoga, dân vũ... thường được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, luyện tập thế nào cho đúng, đủ và phù hợp với thể trạng, độ tuổi, tránh thương tích đáng tiếc có thể xảy ra là vấn đề người dân cần quan tâm.

Người bệnh điều trị phục hồi chức năng sau chấn thương tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Thấy nhiều bạn bè luyện tập thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe nên chị Nguyễn Thị Yến (Vũ Thư) cũng chạy bộ mỗi ngày. Với chị Yến, chạy bộ vừa để rèn luyện sức khỏe vừa thư giãn sau mỗi ngày làm việc căng thẳng nên có ngày chị dành thời gian chạy khoảng 9km. Cứ mệt là nghỉ, chị Yến cũng không biết thế nào là đủ và phù hợp song cũng có lúc chị cảm thấy cơ bắp đau nhức.

Cũng như chị Yến, hiện nay, sau guồng quay của công việc, nhiều bạn trẻ lại tìm đến các môn thể thao như chạy bộ, đá bóng, cầu lông, yoga, aerobic... để giảm stress và nâng cao thể lực. Với người trung, cao tuổi thường lựa chọn đi bộ, đạp xe hay tập dân vũ. Tuy nhiên, mọi người thường luyện tập theo thói quen và chưa biết thế nào là phù hợp. Trong quá trình luyện tập, chơi thể thao đã có một số trường hợp bị chấn thương phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thái Sinh, Trưởng khoa Phục hồi chức năng cơ xương khớp, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi có tiếp nhận các bệnh nhân bị chấn thương do nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp bị đứt dây chằng chéo vì chơi thể thao. Đứt dây chằng chéo làm ảnh hưởng đến việc vận động, đi lại của người bệnh. Do đó cần xử lý sớm, tránh để xảy ra biến chứng nặng. Trường hợp nếu bệnh nhân không phẫu thuật sớm sẽ không thể thực hiện được các động tác phức tạp trong sinh hoạt, nhanh thoái hóa khớp gối, đau khi vận động. Để điều trị ổn định phải mất khoảng 6 tháng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận một số trường hợp bị thoái hóa khớp, chủ yếu là người trên 60 tuổi, thừa cân, đi bộ nhiều, quá sức. Ở độ tuổi này, người bệnh đã bị loãng xương cộng thêm sức nặng của cơ thể. Vì thế, vận động quá sức, không hợp lý rất dễ làm ảnh hưởng đến sụn khớp, thoái hóa. Thực tế cho thấy, việc dành thời gian tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ bệnh tật. Vận động vừa sức không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, thúc đẩy tuần hoàn máu, sự dẻo dai của các khớp, nhóm cơ mà còn tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Song, nếu luyện tập không đúng lại dễ gặp các chấn thương về cơ, rách cơ, căng cơ; giãn dây chằng, rách bán phần, rách hoàn toàn; rạn xương, gãy xương, trật khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp...

Bác sĩ Trần Quốc Văn, Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao tỉnh chia sẻ: Qua thực tế, 4 nhóm chấn thương hay gặp trong thể dục thể thao mà chúng tôi thấy gồm: căng cơ, bong gân, chấn thương khớp gối, chấn thương khớp vai, cánh tay. Để phòng ngừa các chấn thương thể thao, người dân cần chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng, thực hiện khởi động, làm nóng cơ thể trước khi luyện tập; lựa chọn trang phục, giày phù hợp với môn tập. Sau khi tập phải dành thời gian thả lỏng cơ thể, hồi phục, tuyệt đối không tắm ngay. Nếu cơ thể có dấu hiệu chấn thương phải ngừng tập, đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời. Với mỗi độ tuổi, thể lực khác nhau, chúng tôi khuyến cáo người dân nên lựa chọn môn thể thao phù hợp. Khi tập thể dục thể thao theo phong trào cần tập luyện thời gian, cường độ vừa phải và nên duy trì thường xuyên; không tập dồn, tập quá sức dễ gây nên tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, hạ đường huyết hay tụt huyết áp. Cùng với việc tập luyện, người tập cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; theo dõi kết quả tập để có những điều chỉnh phù hợp.

Cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia thi đấu thể thao. 

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày