Thứ 6, 03/05/2024, 10:33[GMT+7]

Thứ trưởng Ngoại giao: 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy nguồn lực Kiều bào

Thứ 6, 08/12/2023 | 18:42:00
932 lượt xem
Theo thống kê gần đây, Kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD.

Đoàn Kiều bào từ 22 quốc gia tặng sách và quà cho trẻ em trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Thu Phương/TTXVN)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới" (Quyết định số 1334/QĐ-TTg), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài, trả lời phỏng vấn TTXVN nhằm đánh giá khái quát nguồn lực của Kiều bào; đồng thời nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy nguồn lực to lớn này để phát triển đất nước trong tình hình mới.

- Xin Thứ trưởng đánh giá khái quát vai trò của nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong phục vụ phát triển đất nước thời gian qua?

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước ta giàu, mạnh. Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 5%/năm), độ bao phủ rộng (Kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển).

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, mà ngày càng khẳng định vị thế, có đóng góp nhất định đối với nước sở tại cũng như vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước con người, văn hóa Việt Nam.

Bốn lĩnh vực chính mà ta có thể phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương.

Trước tiên, đó là nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% trong cộng đồng gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600 nghìn người. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng...

Lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước với kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài. Khi trở về, đa phần người lao động có việc làm ổn định. Một số có khả năng thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng vốn tích lũy sau nhiều năm ở nước ngoài.

Về nguồn lực kinh tế, doanh nhân người Việt đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới, hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Theo thống kê gần đây, Kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn đầu tư của Kiều bào về nước theo các hình thức gián tiếp khác hoặc theo hình thức đầu tư trong nước. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.

Theo Vietnam+