Chủ nhật, 24/11/2024, 19:15[GMT+7]

Người dân đồng thuận việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Thứ 3, 19/12/2023 | 21:47:21
2,719 lượt xem
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Luật số 14) được thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Qua thời gian thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Vũ khí, công cụ hỗ trợ được lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thu hồi, quản lý.

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật số 14, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên toàn quốc, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, loại tội phạm này tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022 xảy ra trên 1.100 vụ, với gần 1.800 đối tượng, so với năm 2019 tăng 128 vụ với 350 đối tượng.

Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện bắt giữ 21 vụ, 96 đối tượng vi phạm liên quan đến Luật số 14, thu 2 súng quân dụng, 1 súng thể thao, 9 súng tự chế, 5 viên đạn, 3 công cụ hỗ trợ, 18 vũ khí thô sơ. Đã khởi tố 3 vụ, 12 đối tượng, xử lý hành chính 2 vụ, 2 đối tượng, phạt tiền 45 triệu đồng, hiện đang củng cố hồ sơ xử lý 16 vụ, 77 đối tượng. Qua vận động thu hồi, người dân đã giao nộp 2 súng quân dụng, 1 súng hơi, 27 súng tự chế, 269 viên đạn quân dụng, 121 viên đạn khác, 33 lựu đạn bom, mìn, đầu đạn, 16 kíp nổ, 11 công cụ hỗ trợ, 188 vũ khí thô sơ...

Điển hình, hồi 21 giờ 50 phút ngày 22/9/2023, tại tổ 5, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ), trong quá trình xác minh tin báo của người dân, Trung úy Đỗ Văn Tú, cán bộ Công an thị trấn bất ngờ bị đối tượng Võ Tiến Mạnh, sinh năm 2002, trú xã Quang Bình (Kiến Xương) rút dao thủ sẵn trong người đâm liên tiếp vào người đồng chí Tú khiến đồng chí hy sinh. Trước đó, vào tối ngày 22/7/2023, khu vực nút giao tỉnh lộ 396B thuộc địa phận xã Đông Sơn (Đông Hưng), do có mâu thuẫn từ trước, 2 nhóm thanh niên do các đối tượng sinh từ năm 2005 - 2008 trú tại huyện Kiến Xương và huyện Đông Hưng đã điều khiển xe máy với tốc độ cao, dùng nhiều vũ khí thô sơ đâm, chém nhau. Vụ hỗn chiến đã khiến 3 người bị thương phải nhập viện, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn. Các vụ việc trên đã được lực lượng công an khẩn trương điều tra và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Trung tá Vũ Đình Nuôi, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Luật số 14 quy định các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác, do đó các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, các loại vũ khí thô sơ và linh kiện để lắp ráp vũ khí. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất 4 chính sách lớn trong Luật số 14 sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024. Theo đó, sẽ hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, khái niệm và biện pháp quản lý dao có tính sát thương cao. Cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Những nội dung sửa đổi, bổ sung có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới. Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị và người dân vào việc sửa đổi Luật. 

Bà Nguyễn Thị Hà, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Chúng tôi rất ủng hộ cơ quan chức năng sửa đổi Luật số 14 để mang tính răn đe và đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới. Bởi thực tế hiện nay nổi lên tình trạng thanh thiếu niên rất manh động, sử dụng dao, kiếm và nhiều loại vũ khí thô sơ giải quyết mâu thuẫn, gây ra nhiều vụ việc đau lòng ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. 

Ông Phạm Công Đính, xã Bình Minh (Kiến Xương) cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Luật số 14 rất cần thiết, mở ra hành lang pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ. Điều này rất quan trọng giúp tăng cường khả năng phòng thủ, bảo đảm an ninh quốc gia trước những tác động của tình hình thế giới và khu vực.

Các đơn vị, địa phương và người dân tích cực hưởng ứng, đóng góp ý kiến để sửa đổi Luật số 14 nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Cơ quan chức năng tiếp nhận vũ khí tự chế do người dân giao nộp. 

Trịnh Cường