Thứ 6, 22/11/2024, 21:54[GMT+7]

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Vũ Thư Hướng tới chiều sâu và chất lượng

Thứ 6, 13/07/2012 | 14:42:44
1,468 lượt xem
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được người dân Vũ Thư hưởng ứng tích cực. Qua hơn mười năm triển khai thực hiện, hiệu quả của phong trào đã được khẳng định, góp phần quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Các gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Vũ Thư được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch biểu dương, khen thưởng.

Vũ Thư là huyện sớm có phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, điển hình là phong trào toàn dân thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; phong trào nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế để xây dựng gia đình văn hóa mới..., vì vậy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được người dân hưởng ứng tích cực. Qua hơn mười năm triển khai thực hiện, hiệu quả của phong trào đã được khẳng định, góp phần quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Xác định nền tảng, hạt nhân của phong trào chính là “gia đình văn hóa”, ban chỉ đạo các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đồng thời triển khai thực hiện phong trào có nền nếp, dân chủ, công khai. Vũ Thư cũng là huyện sớm triển khai tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Qua đó, các chính sách về gia đình đã đi vào cuộc sống, tạo điều kiện để thực hiện hôn nhân bình đẳng và tiến bộ, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm hẳn.

Từ năm 2008, Sở VHTT và DL chọn xã Tân Phong làm điểm thực hiện mô hình câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình. Đến nay mô hình đã được nhân rộng ra các xã trong toàn huyện. Vũ Thư cũng là huyện đi đầu thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình. Huyện đã chỉ đạo các xã kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình, tạo nên sự điều hành hoạt động một cách thống nhất, hiệu quả ở cơ sở. Từ những nỗ lực trên, tỷ lệ gia đình văn hóa ở Vũ Thư đạt khá cao. Hàng năm, huyện có 90% số hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì có trên 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu. Ngày hội đại đoàn kết hàng năm (18-11) không chỉ là ngày hội của toàn dân mà còn là ngày hội của các gia đình văn hóa bởi đây là dịp tôn vinh, trao thưởng ghi nhận nỗ lực phấn đấu của các gia đình.

Song song với việc xây dựng gia đình văn hóa, công tác xây dựng thôn, tổ dân phố, dòng họ, cơ quan văn hóa cũng được Vũ Thư chú trọng. Năm 2011, UBND huyện đã công nhận 67 thôn làng, 14 cơ quan đơn vị văn hóa, tăng nhiều so với những năm trước đây. Nhiều thôn, làng cơ quan có diện mạo mới về môi trường, cảnh quan, nếp sống văn minh, tiến bộ; đời sống của bà con trong thôn được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Xây dựng gia đình, thôn làng văn hóa nói riêng, đời sống văn hóa nói chung ở Vũ Thư đã tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của nhân dân địa phương, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, khơi gợi và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế, các gia đình đã tích cực mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, đưa giống lúa ngắn ngày vào sản xuất và vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Hàng năm Vũ Thư có từ 20 đến 30% hộ gia đình có kinh tế khá và giàu với trên 3.000 gia trại, trang trại phát triển ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trung bình mỗi năm đã có 70% đám cưới được các gia đình thực hiện nếp sống văn hóa mới, chỉ tổ chức liên hoan trong họ tộc, xóm giềng lân cận. Có 10 xã thực hiện tốt việc tổ chức đám cưới không mời thuốc lá. 50% số xã thực hiện làm lễ trao giấy chứng nhận kết hôn trang trọng tại UBND xã. Về việc tang, đã có 90% đám tang thực hiện tốt quy định của địa phương, bỏ hẳn các hủ tục lạc hậu như lăn đường, rải vàng mã, tiền. Việc tổ chức tang lễ bảo đảm trang trọng, ngắn gọn, không mời cỗ linh đình như trước kia.

Phong trào “Toàn dân tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” cũng được triển khai sâu rộng ở Vũ Thư thu hút đông đảo người dân tham gia, đưa số người và số hộ gia đình thường xuyên luyện tập TDTT lên 27% và 25%, tạo nếp sống lành mạnh ở từng cơ quan, thôn làng. Để góp sức thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Bá Cấn – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin cho biết: Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có hai tiêu chí về văn hóa. Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, ngành Văn hóa - Thông tin Vũ Thư đã chủ động xây dựng chương trình hành động, đồng thời chủ động tham mưu, tổ chức lễ ký kết thực hiện phong trào xây dựng “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” vào đầu năm 2012. 100% các xã và các ngành của huyện đã hưởng ứng.

Với những nỗ lực và đổi mới, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Vũ Thư không chỉ dừng ở bề nổi, diện rộng mà hướng vào chiều sâu, chất lượng với mục tiêu tạo nền tảng văn hóa vững chắc, góp sức xây dựng thành công nông thôn mới ở địa phương.

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa