Về sông Đuống tìm tranh Đông Hồ
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...”
Nhớ lại những câu thơ đẹp của thi sỹ Hoàng Cầm, một ngày, chúng tôi về bên sông Đuống, tìm đến làng tranh Đông Hồ.
Từ Hà Nội, qua cầu Long Biên, xuôi theo Quốc lộ số 5, sang đất Thuận Thành, Bắc Ninh, trên triền đê sông Đuống lộng gió, rẽ xuống làng Đông Hồ. Đã đọc nhiều, nghe nhiều về một “làng tranh nay đã thành làng vàng mã”, song khi đến, cảnh làng không khỏi làm lòng người ngỡ ngàng. Đường vào làng là đường nhựa trải rộng, hai bên nhà cao tầng san sát như nhà ở phố. Xe tải, từng chuyến, từng chuyến đến bốc hàng mã lăn bánh rời khỏi làng. Một dãy phố dài vài kilômét, hầu hết các gia đình đều kinh doanh vàng mã.
Qua dãy phố kinh doanh, đi sâu vào làng, những người bạn đồng nghiệp Báo Bắc Ninh dẫn chúng tôi đến “Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ” của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Được biết gia đình ông là một trong hai gia đình còn lại của làng vẫn theo đuổi và giữ nghề làm tranh Đông Hồ nổi tiếng một thời.
Bên những bức tranh Đông Hồ cổ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết cùng với dòng họ Nguyễn Đăng, ngày trước cả làng, hơn 10 dòng họ đều làm tranh. Song song với nghề nông, người làng Đông Hồ làm tranh khi nông nhàn, thời gian kéo dài khoảng từ giữa tháng 7 đến tháng 12 âm lịch. Tranh Đông Hồ mang đậm hồn cốt dân tộc. Vật liệu làm tranh 100% của Việt Nam, toàn từ cây nhà, lá vườn mà ra. Giấy dó phủ điệp làm từ vỏ sò tán nhuyễn, màu vẽ từ than trong bếp, hoa hòe trong vườn và son sỏi trên núi... Với nhiều thể loại: tranh lịch sử, tranh tín ngưỡng, tranh phê phán, tranh phong tục..., dù chỉ là sản phẩm của một làng, song các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ như những người thư ký trung thành của thời đại, phản ánh trung thực cuộc sống, ước vọng của nhân dân qua các bức tranh. Có lẽ chính vì vậy mà dòng tranh Đông Hồ không chỉ thuộc về xứ Kinh Bắc mà còn đến với nhân dân khắp các vùng miền, trở thành nét văn hóa đặc trưng.
Là một trong những thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết đến, cũng giống như “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, tranh Đông Hồ đã đi vào thơ ca, vào tiềm thức của người Việt qua nhiều thế hệ. “Đì đoẹt trước sân tràng pháo chuột. Loè loẹt trên vách bức tranh gà” (Ngày Tết - Tú Xương). “Áo cu tí bị người chen sấn kéo. Khăn trên đầu đương chít cũng bung ra. Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà. Quên cả chị bên đường đang đứng đợi” (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ).
Trải qua những thăng trầm lịch sử, vào thời kỳ kháng chiến, người làng Đông Hồ gác lại nghề làm tranh để đi kháng chiến, tản cư. Hòa bình lập lại, nghề làm tranh hồi sinh. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, đó cũng là thời kỳ làng tranh Đông Hồ phát triển mạnh. Tranh Đông Hồ đã được xuất khẩu sang nhiều nước xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô cũ. Song sau khi Liên Xô tan rã, thị trường xuất khẩu tranh không còn, cùng lúc với thời kỳ cơ chế thị trường bung ra, các dòng tranh ngoại nhập ồ ạt xâm lấn, thị hiếu thay đổi, tranh Đông Hồ dần vắng bóng. Hầu hết các gia đình làng Đông Hồ đã bỏ hẳn nghề làm tranh và xoay sang nghề làm vàng mã như hiện nay.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết những năm 80-90, nhìn các gia đình trong làng gác khuôn tranh lên giá bếp chuyển sang làm vàng mã, ông đã quyết tâm giữ nghề để bảo tồn dòng tranh Đông Hồ. Năm 1990, sau khi nghỉ hưu ở Hà Nội về làng sinh sống, ông bắt đầu tìm mua lại những bức tranh, những bản khắc cổ đang nằm rải rác tại các gia đình trong làng để giữ nghề. Hiện tại, cùng với gia đình ông còn có một gia đình nữa cũng đang bảo tồn và giữ nghề làm tranh. Hàng trăm bức tranh cổ, bản khắc tranh cổ có tuổi đời mấy trăm năm đều do hai gia đình lưu giữ. Cùng với số lượng tranh, bản khắc cổ, hai gia đình cũng đang lưu giữ hàng nghìn bản khắc tranh với hàng nghìn bức tranh đã trở nên quen thuộc với những người biết đến tranh Đông Hồ. Ngoài hai gia đình làm tranh, dấu vết của một làng nghề làm tranh hầu như không còn vương ở làng.
Ngay cả tục treo tranh mỗi dịp Tết đến tại các gia đình trong làng cũng mất. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng các con cháu trong gia đình đều làm tranh. Để theo kịp thời đại, nhiều tranh mới cũng được ông sáng tác thêm. Các công đoạn và vật liệu làm tranh cũng được áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại. Mỗi năm, gia đình ông sản xuất vài nghìn tờ tranh. Một số khách hàng đặt tranh để trang trí trong các không gian như quán ăn, quán cafe. Số còn lại bán cho du khách thập phương và du khách nước ngoài, những người còn nhớ đến tranh Đông Hồ như nhớ về những kỷ niệm đẹp của một thời.
Chúng tôi rời làng Đông Hồ với quà kỷ niệm là những bức tranh Đông Hồ đặc sắc: “Đám cưới chuột”, “Đàn lợn âm dương”, “Vinh hoa phú quý”, “Đánh ghen”, “Hứng dừa”. Qua phố làng, tự ngẫm nếu không có hai gia đình làm tranh còn sót lại, làng tranh Đông Hồ đã hoàn toàn là làng vàng mã. Cũng như rất nhiều làng quê Việt Nam khác, làng Đông Hồ đang ngày càng giàu mạnh, hiện đại. Nhưng, bóng dáng của bến nước, gốc đa, mái đình đang đi dần vào ký ức. Vẫn biết sự mất còn, đổi thay là quy luật mà sao khi nghĩ về những ngày xưa không khỏi thấy lòng bùi ngùi.
Sông Đuống vẫn trôi, một dòng lấp lánh. Ngắm những bức tranh Đông Hồ mộc mạc như thấy hiện về những hội hè đình đám, những nếp váy buông chùng cửa võng, những khuôn mặt búp sen cười như mùa thu tỏa nắng... Lòng rưng rưng, muốn ngâm lên mãi câu thơ cũ:
“Bao giờ về bên kia sông Đuống
anh lại tìm em...”.
Trần Thu Hương
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng