KHÁT VỌNG TIỀN CHÂU
Câu thơ "để đời" của Nguyễn Công Trứ như một gợi ý đưa tôi đến vùng đất Tiền Châu xưa ( nay là Tiền Hải), sau 180 năm khi doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đem gia nô đến khai khẩn vùng đất cửa biển, lập lên một miền đất mới đặt tên gọi Tiền Châu.
Bãi biển Cồn Vành ngày càng thu hút du khách đến nghĩ dưỡng.
Ảnh: Quang Viện
Bây giờ cảnh vật đã khác xưa, vùng đất Tiền Châu nay đã tiến xa ra biển, để lại sau lưng những làng mạc trù phú, dân cư đông đúc. Biển liên tục được phù sa các con sông bồi đắp, cửa Ba Lạt cũng lùi dần, đẩy bờ bãi dềnh lên thành những Cồn Vành, Cồn Thủ... Cách bãi biển Đồng Châu khoảng 7 km về hướng Đông - Nam, khoảng chục năm trở lại đây, biển nhô lên doi đất, người dân đặt tên gọi Cồn Vành.
Những nhà hoạch định kinh tế gọi Cồn Vành là "một điểm" có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái lý tưởng và hấp dẫn. Theo khảo sát, đây là bãi sa bồi rộng gần 2 nghìn hecta, với địa hình tương đối bằng phẳng, nằm ở phía đông xã Nam Phú (huyện Tiền Hải), phía Bắc giáp Cồn Thủ, phía Nam giáp cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng), phía Đông giáp biển Đông. Sự xuất hiện của Cồn Vành nhanh chóng được các tổ chức bảo vệ môi trường thiên nhiên thế gới xếp vào khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2004), nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn ven biển trải dài từ Ninh Bình- Nam Định- Thái Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh.
Cồn Vành được đánh giá có hệ sinh thái rừng ngập mặn khá phong phú với nhiều loài thực vật như sú, vẹt, bần, thông. Có trên 200 loài hải sản có giá trị và nhiều loài chim quý hiếm. Mới đây, sở Thương mại du lịch Thái Bình và đại diện Viện kiến trúc nhiệt đới - ĐH Kiến trúc Hà Nội đã trình bày đồ án quy hoạch chung khu du lịch sinh thái Cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải). Theo đồ án, ranh giới quy hoạch chung có quy mô 1.721 ha; được phân thành nhiều khu chức năng như: trung tâm quản lý 22,9 ha, khu du lịch nghỉ dưỡng 147,37 ha, khu ở kết hợp dịch vụ 38, 4 ha, khu vui chơi giải trí 109,8 ha, khu thể thao – sân golf 181,2 ha, khu văn hóa tổng hợp 87,8 ha, khu bãi tắm 53,7 ha, khu rừng trồng kết hợp nuôi thủy sản 489,7 ha; diện tích còn lại là cảng du lịch, đất cây xanh công cộng, đất giao thông, đất đường bộ và mặt nước.
Không ngờ gần 200 năm sau khi khai khẩn vùng đất hoang sơ, tạo dựng lên Tiền Châu, mảnh đất trước biển, đến bây giờ hậu sinh lại được chứng kiến đất ấy cứ ngày ngày vươn ra biển, mang lại cho đời vị thơm của biển. Chúng ta có quyền hy vọng về cơ sở ý tưởng tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc gắn với việc khai thác du lịch hiệu quả, khu du lịch Cồn Vành để cung cấp các sản phẩm du lịch độc đáo như: dịch vụ du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ăn uống ẩm thực, văn hóa nghệ thuật, thể thao, hội nghị, hội thảo, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái biển… đồng thời kết hợp các tuyến du lịch từ Cồn Vành đi các điểm du lịch làng nghề, di tích lịch sử khác trong toàn tỉnh bằng cả đường bộ và đường thủy.
Chúng ta không thể quên được người tiên phong dâng sớ lên triều đình nhà Nguyễn và lặn lội đến khai hóa một vùng đất hoang sơ, thành một miền trù mật. Ông là Nguyễn Công Trứ. Tương truyền, Ông sinh vào giờ Dần, ngày mồng một, tháng mười một, năm Mậu Tý, đời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 38 (1778) tại huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Khi đó, thân phụ của ông là Giải nguyên Nguyễn Tần đang làm tri huyện tại đây. Cho đến khi Nguyễn Công Trứ tuổi thiếu thời, thân phụ ông xin từ quan, đưa vợ con về quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mở trường dạy học.
Dân gian kể lại rằng: Nguyễn Công Trứ càng lớn lên càng bộc lộ một thiên tư đặc biệt thông minh, mẫn tiệp, thơ phú giỏi giang, nổi tiếng khắp vùng. Ông cũng là con người có tính cách ngang tàng, phóng khoáng cả trong cuộc sống lẫn văn chương, đa tình, đa mộng. Vất vả 3 khoa thi, mãi đến năm 1819 ông mới đỗ Giải nguyên. "Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật, đến nay hãy còn truyền tụng, Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi lại được cất nhắc lên ngay: tỏ sức ở chiến trường, nhiều lần lập công được chiến trận. Buổi đầu Trứ lãnh chức Doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn.
Bãi biển Cồn Vành bây giờ đẹp như "mơ".
Ảnh: Quang Viện
Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thủy, trải hơn mười năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật...". ( Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Văn học, 2004, trang 526 ). Ông được triều đình bổ nhiệm nhiều chức vụ như: Hành Tấu Quốc Sứ Quán, Tri huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên), Biên Tu Hàn Lâm Viện, Lang Trung Bộ Lại, Tham Hiệp trấn Thánh Hoá, Tham Tri Bộ Hình, Tả Đô Ngự Sử, Tổng đốc Hải An, Tuần Phủ An Giang… Sử ghi rằng: năm 1832, lúc Nguyễn Công Trứ làm Bố chánh rồi Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương, Quảng Yên), ông chỉ huy dân chúng khẩn hoang được 3.500 ha đất ven biển. Sau đó, năm 1838 - 1839, Nguyễn Công Trứ còn chiêu dụ được người Hoa để khai khẩn trên 700 ha, lập thành làng Hưng Hóa.
Năm 1833, Nguyễn Công Trứ làm Tham tán quân vụ đi trấn áp cuộc nổi dậy của Nông Văn Vận suốt 2 năm mới xong và được phong Binh bộ thượng thư và vẫn ở Hải Yên làm Tổng đốc. Nhưng, vận xấu đến với ông, vì để xổng một trọng tù, Nguyễn Công Trứ bị giáng bốn cấp, điều về kinh. Đến năm 1840 ông được cử làm Đô ngự sử, chủ khảo trường thi Hà Nội. Sau đó lại cùng Nguyễn Tri Phương, Phạm Văn Điễn dẹp tan cuộc xâm nhập lãnh thổ của quân Xiêm, rồi lại cùng Doãn Uẩn đánh tan liên quân Xiêm - Chân Lạp. Năm 1843 vừa được thăng Binh bộ Tham tri thì ngay lập tức ông bị vu oan nên triều đình cách hết chức tước, phát đi làm lính biên thùy ở Quảng Ngãi. Đến năm 1845, Nguyễn Công Trứ mới được bổ làm Chủ sự Bộ Hình ở kinh đô, rồi quyền án sát Quảng Ngãi.
Ở đâu, cương vị nào ông cũng thể hiện khí chất anh hùng, cố công phụng sự, dần dần triều đình cũng nhận thấy công lao của ông đối với giang sơn nên triệu về làm Phủ Thừa - Thừa Thiên và 1847 làm Phủ Doãn Thừa Thiên. Vào tháng 3 năm Mậu Tý đời vua Minh Mạng khi đang là Tả Thị lang bộ hình, Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ trình bày nhiều việc trong đó có việc: “Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo”. Ông tâu rõ: “Hiện ở Nam Định các huyện Giao Thủy, Chân Định, ruộng bỏ hoang mênh mông bát ngát không biết mấy ngàn mẫu, nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn. Thêm nữa bãi Tiền Châu hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay cho khai hoang lập làng, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác”.
Ông tấu trình thiết tha với triều đình rằng: Những đất hoang có thể khai khẩn được thì cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi cùng làm... 3 năm thành ruộng chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc đề phòng năm mất mùa cho dân vay...”. Tờ sớ của Nguyễn Công Trứ được nhà vua cho các đình thần bàn, cuối cùng triều đình đồng ý, giao cho ông chức Doanh điền sứ để tổ chức việc khai hoang. Để tiến hành khai hoang bãi biển Tiền Châu (huyện Tiền Hải, Thái Bình ngày nay), doanh điền Nguyễn Công Trứ đã tổ chức lực lượng tham gia thành các lý, ấp, trại, giáp. Nhằm mộ được đông người, khai khẩn được nhiều ruộng đất, Nguyễn Công Trứ quy định: Người nào mộ được 50 đinh, khai khẩn được 600 mẫu, được phong chức lý trưởng; mộ được 30 đinh, khẩn hoang được 400 mẫu, phong chức ấp trưởng; mộ được 15 đinh, khẩn hoang được 200 mẫu, phong chức trại trưởng; mộ được 10 đinh trở lên và khẩn hoang được 120 mẫu, phong chức giáp trưởng.
Cách làm của ông đã nhận được sự đồng tình của nhân dân và thành công rực rỡ. Khi công cuộc khẩn hoang cơ bản hoàn thành ông chia Tiền Châu thành 14 lý, 27 ấp, 20 trại và 10 giáp; tổng số đinh là 2.350 người; khai khẩn được 18.970 mẫu ruộng đất. Ông tâu với triều đình thành lập huyện mới lấy tên là Tiền Hải (có nghĩa là trước biển).
Công cuộc khẩn hoang do Nguyễn Công Trứ khởi xướng và tiến hành đã được dư luận ngợi ca, sử sách chép lại, triều đình coi là quốc sách thời bấy giờ và được tiến hành rộng rãi trong cả nước dưới ba hình thức: Đồn điền, doanh điền và xã thôn khai khẩn ruộng bỏ hoang. Chính sử ghi: dưới thời thống trị của nhà Nguyễn, diện tích canh tác của nhà nước tăng lên rõ rệt. Ông tâu với triều đình rằng: Những người theo Ba Vành nổi lên chống lại triều đình đều là cùng dân, không ruộng đất, không cơm ăn áo mặc, tuyệt sinh lộ rồi. Muốn trừ tận gốc mầm loạn thì phải lo cho dân. Dân lấy ăn làm trời (dân dĩ thực vi thiên). Ngẫm lại, càng thấy khát vọng Tiền Châu có sức sống dài lâu.
Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh