Thứ 6, 22/11/2024, 21:50[GMT+7]

Điều còn đọng lại

Thứ 6, 24/08/2012 | 08:47:56
1,781 lượt xem
Điều còn lại trong tâm khảm người dân Thái Bình đối với các công trình kiến trúc cổ dân gian mà ông cha bao đời khổ công gìn giữ không phải ở quy mô lớn hay nhỏ mà ở tính mỹ thuật kiến trúc và độ bền vững.

“Nghê ngậm đại bờ” - một trong những nét kiến trúc thường gặp ở các đình, đền trên địa bàn Thái Bình.

Thái Bình - vùng đất được các Vương triều phong kiến xếp đặt vào hạng “ven bờ cuối bãi” nằm ở hạ lưu các con sông lớn thuộc vùng duyên hải Bắc bộ. Đây là vùng đất được mở mang do khai khẩn, nhưng lại sớm có đạo Phật, đạo Nho và sau đó là Thiên chúa giáo xâm nhập. Thời  Đinh – Lê, đạo Phật đã được truyền vào Thái Bình khá sâu rộng, cho đến triều Lý - Trần đạo Phật đã trở lên thịnh hành, tầm quốc gia được coi như quốc giáo và chiếm địa vị độc tôn trong tín ngưỡng của nhân dân. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khái quát diện mạo nước ta thời đó: “nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Tự nhiên đã trao cho con người Thái Bình bản lĩnh phi thường, sống giàu tình cảm. Trải qua nghìn năm, những thế hệ tiền bối ở Thái Bình đã để lại cho con cháu hậu thế những di sản văn hóa quý giá, lưu giữ nguồn sử liệu vô giá.

Vào triều đại nhà Trần, vấn đề “tông miếu - xã tắc” luôn được coi trọng. Thái Đường - Tiến Đức (Hưng Hà) là nơi được chọn để xây tông miếu nhà Trần, địa linh nơi đây phát tích đã hun đúc lên nguyên khí nhà Trần - một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ trong lịch sử, ba lần phá tan đội quân Nguyên Mông tàn bạo, giữ yên bờ cõi. Người dân và vương triều thời đó cũng dồn nhiều tiền bạc xây dựng chùa chiền, tạo dựng những kiến trúc độc đáo, hành cung, lăng tẩm tầng tầng lớp lớp, lầu son, gác tía dãy ngang, dãy dọc... thể hiện ý thức tự chủ, tự cường, chống lại thế lực phương Bắc. Dẫu còn sót lại ít ỏi, nhưng những tác phẩm điêu khắc mang đủ phong cách mềm mại, dẻo dai của thời Lý, cứng rắn và vững chãi của thời Trần, hòa quyện với màu xanh cây lá, sông nước... đã thể hiện sức mạnh quật khởi của vương triều đương đại, đồng thời thể hiện sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Thái Bình. Những ngôi đình, chùa, đền, miếu ở Thái Bình hầu hết đều được xây dựng theo những công thức nhất định, theo các chữ: “nhất”, “nhị”, “tam”, “vương”, “đinh”, “công”, hoặc “nội công ngoại quốc”.

Hiện tại những kiến trúc theo lối “nội công ngoại quốc” thường đã bị đổ nát hoặc bị thu hẹp qua các lần trùng tu. Tiêu biểu trong kiến trúc đình ở Thái Bình được xây dựng vào thời Lê là: Đình Phất Lộc (Thái Giang); Hậu Trữ (Thụy Duyên - Thái Thụy); Duyên Lãng (Minh Hòa - Hưng Hà); đình Đông (Quang Bình - Kiến Xương)...Vào thời Lê, do chính sách ưu đãi với Phật giáo mà hàng loạt chùa chiền ở Thái Bình được trùng tu, phục dựng.

Có một ngôi chùa được xây dựng khá độc đáo đã từng bị lũ cuốn trôi, nhưng ngay sau đó lại được xây dựng lại vào thế kỷ XVI, đó là chùa Keo thuộc xã Duy Nhất (Vũ Thư). Năm 1630, theo lời kêu gọi quyên góp của tín nữ Lại Thị Ngọc Lễ (vợ viên Tuấn Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng) cùng tín chủ vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ, nhân dân cả nước quyên góp được hàng trăm lạng vàng, 442 quan tiền cổ, trên 100 mẫu ruộng, hàng nghìn khối gỗ quý để xây dựng lại chùa chỉ trong vòng 3 năm. Quy mô chùa gồm 21 dãy với 154 gian có đủ tam quan, nhà am, nhà bia, chùa hộ, chùa Phật, tòa giá roi, thiên hương, phục quốc... Trong chùa có tượng Quan thế âm Bồ tát quá hải 12 tay, có sập chân quỳ dạ cá, có quỷ đội tòa sen. Tượng Tuyết Sơn với vầng trán rộng, đôi môi mỏng chứng tỏ tài thuyết pháp, mắt sáng rực như nhìn thấu vạn vật, tai to dài phúc hậu... Tỷ lệ chính xác đúng như nhân chủng, ngồi trên một đỉnh núi có mây vờn, có băng tan, nước chảy thể hiện bước đường tu luyện khổ hạnh để được giải thoát cõi bụi trần tu hành đắc đạo. Chùa Keo tọa lạc trên diện tích 57.000m2, kéo dài hơn 300m, rộng 125m, bố trí theo kiểu “tiền Phật, hậu Thần”. Gác chuông chùa Keo là một tác phẩm kiến trúc độc đáo, gồm 3 tầng, mái cong hoàn toàn làm bằng gỗ, mái lợp ngói, cao tới 11,5 mét, nhìn xa lại, gác chuông như một đài hoa trong màu xanh mướt mắt của cây xanh cổ thụ và đồng lúa mênh mang...

Điều còn lại trong tâm khảm người dân Thái Bình đối với các công trình kiến trúc cổ dân gian mà ông cha bao đời khổ công gìn giữ không phải ở quy mô lớn hay nhỏ mà ở tính mỹ thuật kiến trúc và độ bền vững.  Bí quyết làm cho các kiến trúc cổ xưa riêng có ở Thái Bình vừa đẹp lại vừa khỏe, không chỉ là vật liệu gỗ to, gỗ tốt, đá cứng hay gạch già mà chính là sự tính toán xây dựng (theo cách tính dân gian của các nghệ nhân đời xưa) cả về hình học, vật lý, cả về mỹ thuật và kỹ thuật thi công xây dựng.

Bài, ảnh: Lê Quang Viện 
 

  • Từ khóa