Chủ nhật, 24/11/2024, 23:22[GMT+7]

Nét đẹp truyền thống thờ Bác Hồ

Thứ 4, 02/09/2020 | 09:12:38
14,823 lượt xem
Lập bàn thờ Bác Hồ là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Hàng chục năm qua, nhiều gia đình, tập thể ở Vũ Thư đã gìn giữ truyền thống thờ Bác Hồ, vừa thể hiện tình yêu, tấm lòng hiếu kính với Bác vừa răn mình và dạy con cháu học tập và làm theo tấm gương sáng ngời của Người.

Gia đình ông Thiệu Văn Đề ở xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) giữ truyền thống thờ Bác Hồ hơn 30 năm qua

Trong ngôi nhà nhỏ của cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Thiệu Văn Đề, thôn Dũng Thúy Hạ, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư), bàn thờ Bác Hồ được đặt trang trọng trên cao trong phòng khách. Ở tuổi 92, ông Đề chuyện nhớ, chuyện quên nhưng khi được hỏi về bàn thờ Bác Hồ của gia đình, ông vẫn nhớ từng chi tiết. Ông kể, năm 1988 - 1989, cô con gái út của ông Đề đang học cấp 2. Một hôm, cô bé hồ hởi mang về 1 tấm hình chân dung Bác Hồ khổ nhỏ tương đương quyển vở ô ly, cô bé khoe mua tấm hình bằng toàn bộ số tiền tiết kiệm được và nhờ bố đóng khung giúp để treo hình Bác Hồ ở nhà. Ông Đề rất vui vì con gái có tấm lòng tôn kính Bác. Ông bảo con: “Để bố mua hẳn bức hình Bác to đẹp hơn rồi làm khung cho đẹp!”. Sau đó, ông Đề đạp xe đi tận thị xã tìm mua được bức hình to hơn, đẹp hơn của Bác. Về nhà, ông Đề thiết kế, đóng khung gỗ cho bức hình chân dung Bác. Thay vì chỉ treo hình Bác, ông Đề quyết định lập một bàn thờ trang trọng ở phòng khách để thờ Bác. Kể từ đó, tấm chân dung Bác Hồ được gia đình ông Đề gìn giữ đến ngày nay và việc thờ Bác duy trì nền nếp, trang nghiêm như thờ gia tiên trong gia đình hơn 30 năm qua. Chị Thiệu Thị Út, con gái ông Đề chia sẻ: Những dịp lễ tết, mùng một, ngày rằm, gia đình tôi đều dâng lễ, thắp hương lên bàn thờ Bác như thờ gia tiên vậy. Đặc biệt, ngày Quốc khánh là ngày giỗ Bác, gia đình tôi làm mâm cỗ cúng Bác. Các con, cháu trong gia đình, hễ ai đi xa về gần, chuẩn bị làm những công việc quan trọng đều thắp hương bàn thờ Bác, cầu mong Bác phù hộ được bình an. Đối với mỗi thành viên trong gia đình, bàn thờ Bác luôn có ý nghĩa thiêng liêng. Hình ảnh Bác mỉm cười dường như nhắc nhở mọi người cố gắng sống tốt hơn, học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác mỗi ngày. 

Đường giao thông nông thôn xã Vũ Đoài (Vũ Thư). 

Trụ sở làm việc của HTXNN Hồng Xuân, xã Hồng Lý (Vũ Thư) đã khá cũ kỹ, chật chội nhưng trong phòng khách vẫn dành riêng một khoảng không gian trang trọng để treo cờ Tổ quốc và đặt bàn thờ, tượng Bác Hồ. Ông Trần Văn Khiêm, Giám đốc HTXNN Hồng Xuân cho biết: Bàn thờ Bác Hồ tại đây được thế hệ cán bộ HTX, xã viên trước kia lập từ khi Bác mất. Qua rất nhiều thăng trầm đổi thay, thậm chí tên gọi, hình thức của HTX cũng đã khác xưa nhưng truyền thống treo cờ Tổ quốc và thờ Bác thì vẫn được các thế hệ cán bộ HTX, xã viên Hồng Xuân gìn giữ, duy trì. Trong mỗi dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một, đặc biệt ngày giỗ Bác 2/9 và ngày tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, chúng tôi đều sắm sửa, dâng lễ với tinh thần tiết kiệm nhưng tươm tất, chu đáo bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình dâng lên Bác. Treo cờ Tổ quốc và thờ Bác nhằm thể hiện tình yêu Tổ quốc và kính yêu, biết ơn vô hạn với Bác của cán bộ, xã viên Hồng Xuân chúng tôi. Bác chính là động lực giúp cán bộ, nhân dân chúng tôi ra sức thi đua, cần cù, sáng tạo trong sản xuất, lao động để nâng cao đời sống, đáp lại mong mỏi của Bác lúc sinh thời… Ông Trần Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Hồng Lý (Vũ Thư) cho biết: Đến nay, hầu hết các ngành, đoàn thể, trường học, cơ sở thôn trên địa bàn xã Hồng Lý vẫn duy trì truyền thống thờ Bác Hồ. Trước những sự kiện quan trọng của thôn, xã, chúng tôi đều thắp hương cầu mong Bác phù hộ, cũng là thầm hứa trước Bác sẽ nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Bác. Bàn thờ Bác có ý nghĩa thiêng liêng giáo dục, nhắc nhở truyền thống đạo lý, tinh thần cách mạng cho cán bộ, nhân dân Hồng Lý những năm qua. 

Không riêng gia đình ông Đề hay các tập thể ở xã Hồng Lý, đến nay, nhiều người dân và các cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, doanh nghiệp đều giữ truyền thống thờ Bác Hồ tại gia đình và trụ sở nơi làm việc. Đồng chí Cao Tất Thắng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vũ Thư cho biết: Tùy điều kiện, hoàn cảnh mỗi hộ gia đình lập bàn thờ Bác quy mô khác nhau nhưng tất cả bàn thờ Bác đều giản dị, trang nghiêm, được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà và được nhang khói ấm cúng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhiều năm qua vẫn giữ truyền thống thờ Bác. Đặc biệt, nhiều đình, chùa, nhà thờ Công giáo, gia đình Công giáo cũng lập bàn thờ Bác tôn nghiêm. Việc làm này không chỉ thể hiện lòng biết ơn vô hạn, sự tôn kính với Bác Hồ kính yêu của mỗi người dân, mỗi tập thể mà còn góp phần giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ và khuyến khích việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quỳnh Lưu