Thứ 2, 25/11/2024, 00:29[GMT+7]

Bộ sưu tập đồng hồ cổ “độc nhất vô nhị”

Thứ 2, 21/09/2020 | 08:32:02
13,781 lượt xem
Đang sở hữu hàng trăm chiếc đồng hồ cổ được sưu tầm từ mọi nơi trên thế giới, anh Phạm Văn Thuộc, xã Thụy Bình (Thái Thụy) chia sẻ: Tôi đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người có bộ sưu tập đồng hồ công cộng nhiều nhất Việt Nam. Quả thực hiện nay, để tìm được một nơi trưng bày hàng trăm chiếc đồng hồ cổ, trong đó có 13 chiếc đồng hồ công cộng với những chiếc sản xuất từ những năm đầu thế kỷ XIX, thường được sử dụng tại quảng trường ở các nước châu Âu, không phải điều đơn giản.

Cỗ máy được sản xuất tại Pháp vào khoảng năm 1870, còn nguyên bản, được anh Thuộc mua lại của một bảo tàng.

Trong không gian ồn ã của phiên chợ chiều ở làng quê, chúng tôi hỏi đường đến thăm nhà anh Phạm Văn Thuộc. Chộn rộn là vậy, nhưng bước qua cánh cổng nhà, cảm tưởng như đã bước vào một không gian hoàn toàn khác, trầm lắng, tĩnh lặng với căn nhà gỗ ba gian, khơi gợi sự hoài niệm với bao điều xưa cũ. Trong không gian làng quê với cây xanh, hồ cá, có thể nghe được tiếng tích tắc chậm rãi và những bản nhạc du dương đặc trưng từ những chiếc đồng hồ đã có niên đại tới vài trăm năm. Thời gian ở nơi đây như đã ngừng trôi, chỉ còn lại những câu chuyện kể như những “điều kỳ diệu” đã đưa những chiếc đồng hồ vượt qua bao đại dương xa xôi để về tới quê lúa Thái Bình.

Anh Thuộc chia sẻ đam mê là vậy, nhưng quả thực bản thân anh cũng không nắm được chính xác trong nhà đang có bao nhiêu chiếc đồng hồ cổ các loại, chỉ biết rằng con số ấy phải lên tới vài trăm chiếc. Trong đó, độc đáo nhất là 13 chiếc đồng hồ công cộng hay còn được gọi là đồng hồ nhà thờ châu Âu, có chiếc nặng tới 1 tấn và được sản xuất từ năm 1910, cũng có chiếc được sản xuất từ năm 1820 và nặng 300kg. Có cơ duyên tìm gặp và thuyết phục để có thể mua được những “cỗ máy thời gian” khổng lồ này đã khó, nhưng để có thể mang chúng về Việt Nam lại càng là điều khó khăn nếu không vì sự đam mê thì chắc chắn không thể hiện thực được ước mơ ấy.

Những chiếc đồng hồ cổ có nguồn gốc từ châu Âu trong bộ sưu tập của anh Thuộc được chế tác rất tinh xảo.

Năm 2000, do có người nhà sang định cư ở châu Âu nên anh Thuộc có cơ hội được tham quan và chiêm ngưỡng tháp đồng hồ ở những quảng trường lớn. Ấp ủ niềm đam mê từ đó, năm 2003 - 2004, anh bắt đầu sưu tầm đồng hồ cổ thông qua những người bạn ở các nước như Đức, Pháp, Anh, Bỉ và Ý. Trong đó, nhiều kỷ niệm nhất là những chiếc đồng hồ do anh Thuộc phải trực tiếp bay sang châu Âu tới 2, 3 lần mới có thể mua được. Sau gần 20 năm nghiên cứu, sưu tầm với niềm đam mê bất tận, giờ đây, anh Thuộc đã sở hữu một “bảo tàng” đồng hồ nhà thờ châu Âu vào loại hiếm có trên thế giới. Từ một người đam mê đồng hồ cổ, sau quá trình tự mày mò, sửa chữa những “cỗ máy thời gian” bị hỏng hóc, thiếu linh kiện do đã được sản xuất từ quá lâu, anh Thuộc tự hào bởi bản thân anh cũng đã có thể tự sửa chữa đồng hồ, hay thậm chí là trở thành cả thợ hàn, thợ sơn để có thể góp phần hoàn thiện những cỗ máy của riêng mình. 

Anh Thuộc chia sẻ: Có những con máy để có thể vận chuyển về Việt Nam phải mất từ 2 - 3 năm. Ở Việt Nam, đâu có mấy người đam mê loại đồng hồ này, người hiểu biết và có thể sửa chữa chúng thì lại càng hiếm nên mỗi ngày, mình đều tự mày mò thêm một chút. Có những con máy về tới Việt Nam rồi nhưng cũng chưa vội mừng vì mình phải dày công nghiên cứu tới vài tháng trời mới có thể chạy ổn định được. Quá trình sửa chữa rất công phu, nhiều khi bản thân mình cũng không thể làm được việc gì khác do toàn bộ tâm trí đã dành trọn vào những con máy ấy. Lại có những con máy gần như nguyên bản hoàn toàn, không cần gia công gì thêm, mang về là đã có thể vận hành luôn dù đã có tuổi đời hàng trăm năm. Hiện nay, tất cả 13 chiếc đồng hồ công cộng của tôi, dù đều là những “cỗ máy khổng lồ” nhưng đều chạy rất tốt, đánh chuông rất hay. Đây là thành quả của cả quá trình đam mê nghiên cứu và sáng tạo.

Trong 13 chiếc đồng hồ công cộng của anh Thuộc, dù chiếc nào cũng có những điểm độc đáo riêng nhưng thu hút nhiều sự quan tâm nhất là chiếc đồng hồ nặng tới 1 tấn, có bộ chuông điện có thể cài 1.000 bản nhạc. Nếu mỗi ngày chiếc đồng hồ này đánh một bản nhạc thì tới 3 năm sau mới cần phải cài lại, đồng thời các bản nhạc đều rất độc đáo. Cỗ máy của chiếc đồng hồ công cộng ấy được sản xuất tại Đức từ năm 1910, tới nay các chi tiết vẫn còn nguyên bản. Khi mang từ châu Âu về chỉ có bộ máy, anh Thuộc đã đặt mặt đồng hồ hình vuông với kích thước 1,85m làm bằng đồng thau, do các nghệ nhân của làng chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương) chế tác. Còn những con số trên mặt đồng hồ lại do các nghệ nhân ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) thực hiện. Công phu là vậy nhưng điểm nhấn của “cỗ máy thời gian” này là bộ chuông điện gồm 9 quả sản xuất năm 1966 tại Hà Lan.

Chia sẻ về niềm đam mê của mình, anh Thuộc cho biết: Hiện tại, các quảng trường ở châu Âu thường lắp đồng hồ điện tử chứ không phải đồng hồ cơ nên khi người châu Âu nhớ về quá khứ, họ sẽ tìm đến những chiếc đồng hồ cơ này. Với niềm đam mê những “cỗ máy thời gian”, tôi vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm, tìm hiểu. Và biết đâu, sẽ gặp được những bộ đồng hồ đặc biệt hơn những bộ đồng hồ đang có.

Tú Anh