Thứ 6, 22/11/2024, 22:07[GMT+7]

Tết Trung thu

Thứ 3, 25/09/2012 | 10:15:39
2,197 lượt xem
Ở Việt Nam có nhiều lễ tết. Một trong những lễ tết độc đáo là Tết Trung thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch. Tết dành chủ yếu cho thiếu niên, nhi đồng, lứa tuổi được mọi người và cả cộng đồng, xã hội quan tâm chăm sóc và hy vọng.

Ảnh: Ngọc Trâm

Với sự ưu ái đặc biệt, người xưa đã biết chọn thời điểm thích hợp nhất, đẹp nhất, thuận lợi nhất trong năm để tổ chức Tết cho các cháu. Đó là ngày chính giữa mùa Thu, mùa đẹp nhất về thời tiết, là một ngày thường tạnh ráo, trong xanh, thoáng đãng, mát mẻ, nhiệt độ vừa phải, dễ chịu vì những ngày nóng mùa hè đã qua, những ngày lạnh mùa đông chưa tới. Đặc biệt, biểu hiện đẹp nhất của ngày này là mặt trăng vừa đúng độ tròn đầy, trong sáng nhất, tồn tại dài nhất suốt từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trọn vẹn 12 giờ đồng hồ.

Tết Trung thu, các bậc phụ huynh dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy cũng cố gắng hết sức mình để cho các em được vui vẻ. Trước ngày Trung thu, trẻ em được sắm sửa quần áo mới, được mặc những bộ quần áo đẹp nhất vui cùng bạn bè. Các em được người lớn mua cho nhiều đồ chơi mà chúng ưa thích nhất như: Đèn ông sao, đèn xếp, đèn lồng, đèn kéo quân, bóng bay, trống ếch, sư tử, kỳ lân, mặt nạ... và nhiều đồ chơi hấp dẫn khác.

Các cháu ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa thì được phụ huynh tự chế ra những đồ chơi bằng vật liệu có sẵn ở địa phương mình như: Tre, nứa, lá cây làm nên những chiếc mũ ông Táo, ông Công, mũ trạng nguyên bằng những chiếc lá đa, là dừa hay dùng quả bưởi xanh hơ lửa cho mềm làm quả bóng đá, dùng bẹ chuối khô và rơm khô bó thành quả bóng chuyền. Các bẹ chuối tươi cắt ra thành đoạn, lắp ghép thành những chiếc tàu thủy, chiếc thuyền nho nhỏ, ô tô, tàu hỏa và nhiều đồ chơi khác cho con trẻ. Những đồ chơi này tuy không tinh xảo và đẹp như những  đồ chơi của trẻ em thành thị nhưng vẫn vô cùng hấp dẫn đối với trẻ thơ.

Các em say sưa hàng giờ ngắm nhìn xem ông bà, bố mẹ hoặc anh chị làm nhưng đồ chơi xinh xắn. Có thể nói việc tự làm ra đồ chơi cho trẻ em đã giúp người lớn có những ngày giờ thú ví cùng đồng hành, cùng giao lưu với trẻ em. Quan hệ giữa người lớn với trẻ em vì vậy càng trở nên khăng khít, gắn bó như những người bạn thân thiết một cách tự nhiên.

Ngoài thế giới đồ chơi mà trẻ em luôn muốn khám phá, Tết Trung thu còn là dịp được thưởng thức những món ẩm thực thích thú nhất đối với trẻ em. Đó là những sản phẩm “cây nhà lá vườn” được thu hái, bày trên mâm cỗ trong Tết Trung thu như những trái bưởi vàng ươm, những quả táo, quả lê, quả chuối… Bên cạnh hoa trái thơm mát còn bao nhiêu loại bánh kẹo ngọt ngào, đủ mọi hình khối. Đó là những con lợn, những con cá, con chim làm bằng bột sắn, bột mì, nướng vàng bắt mắt. Những chiếc bánh nướng,  bánh dẻo, bánh quy, bánh ga tô đủ màu sắc. Tết Trung thu còn có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Những mâm cỗ Trung thu đầy đặn, lung linh này được như biểu  tượng cho sự cầu mong mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa và còn biết bao câu chuyện huyền diệu, ly kỳ nữa về chị Hằng và chú Cuội.

Nhờ có Tết Trung thu mà người lớn ý thức hơn về trách nhiệm, tình cảm của mình giành cho trẻ em. Sự yêu quý, chăm sóc của người lớn đối với trẻ em thật là vô hạn. Tiêu biểu hơn cả là tình cảm của Bác Hồ đối với thanh thiếu niên, nhi đồng. Hầu như Trung thu nào Bác cũng có thư thăm hỏi ân cần, chúc Tết Trung thu đến các cháu thiếu niên, nhi đồng toàn quốc bằng những lời mộc mạc, gần gũi, đầy xúc động.
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng…”
Bác không quên khích lệ, động viên chia sẻ cùng các cháu “Các cháu vui thay, Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn…”

Từ lãnh tụ tối cao đến người dân bình thường, đều có tấm lòng yêu thương con trẻ mà biểu hiện rõ nhất là trong mỗi dịp Tết Trung thu. Các đoàn thể xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Người cao tuổi… và các cộng đồng xóm phố, phường xã ở đâu cũng tổ chức cho các cháu đón Tết Trung thu thật vui vẻ. Các cháu được rước đèn ông sao, múa kỳ lân, sư tử, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa hát ca, cùng người lớn ngắm trăng và cuối cùng là phá cỗ. Tất cả những hoạt động đó đều được các cộng đồng, đơn vị chăm lo tổ chức chu đáo.

Người thân ở phương xa không trực tiếp đến với các cháu được cũng giành những phần quà nho nhỏ gửi đến cho các cháu. Những năm gần đây nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng yêu trẻ đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc, tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu khuyết tật, các cháu nghèo lang thang cơ nhỡ. Hoạt động có tính từ thiện này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã trở thành phong tục truyền thống, thành nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi mùa thu đến.

Vũ Văn Lâu

(Hội VHNT Ninh Bình)

  • Từ khóa