Chủ nhật, 24/11/2024, 21:32[GMT+7]

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Thứ 3, 27/10/2020 | 08:15:48
8,140 lượt xem
Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Xã Nguyên Xá (Đông Hưng) chú trọng gìn giữ, phát huy nghệ thuật múa rối nước truyền thống.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Xã Nguyên Xá (Đông Hưng) xưa nay không chỉ được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam mà còn nức tiếng gần xa với đặc sản bánh cáy. Trải bao thăng trầm của lịch sử, đến nay người dân xã Nguyên Xá vẫn đang từng ngày gìn giữ nghệ thuật múa rối nước truyền thống cùng thương hiệu của làng nghề để những giá trị truyền thống này không bị mai một theo thời gian. 

Ông Nguyễn Đăng Dần, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xác định văn hóa là nền tảng và động lực phát triển, địa phương luôn chú trọng gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như cụm di tích lịch sử quốc gia về làng kháng chiến chống Pháp, cụm di tích tổ nghề bánh cáy, nghệ thuật múa rối nước...

Hiện nay, phường rối có 30 nghệ nhân hoạt động thường xuyên. Trong đó, có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, 4 nghệ nhân ưu tú. Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, múa rối nước xã Nguyên Xá đã xây dựng được hệ thống thủy đình, được nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiết mục mới. Hàng năm, phường biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Điều đặc biệt, các nghệ nhân đều nhiệt tình tham gia vào việc mở các lớp truyền nghề cho thế hệ trẻ trong xã để lưu giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông. Nhờ việc coi trọng gìn giữ nghệ thuật truyền thống mà loại hình nghệ thuật này không những không bị mai một mà đang được phục hồi và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng xét duyệt việc phong tặng nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú đối với các cá nhân có công lao trong việc lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật múa rối nước, từ đó góp phần tạo động lực gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo.

Cùng với bảo tồn nghệ thuật múa rối nước, việc duy trì làng nghề đặc sản bánh cáy cũng được chú trọng. Các cơ sở sản xuất bánh cáy tại địa phương thường xuyên quan tâm đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường. Với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân, năm 2014, cụm di tích lịch sử lăng mộ, từ đường, tổ nghề bánh cáy được công nhận là di sản văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, bánh cáy cũng là sản phẩm OCOP của địa phương.

Hướng tới thực chất các phong trào thi đua

Nhiều năm qua, huyện Quỳnh Phụ luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Có được kết quả đáng khích lệ đó, theo bà Bùi Thị Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, việc triển khai phong trào luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của huyện và các xã, thị trấn đã xây dựng chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, thực hiện lồng ghép với các phong trào thi đua khác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để mọi người dân có thể tiếp nhận thông tin các phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên qua hệ thống loa truyền thanh cũng như các buổi tuyên truyền chuyên đề. Việc đăng ký bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa diễn ra công khai, minh bạch, tạo niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, các hoạt động kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam, ngày sách Việt Nam, ngày thể thao Việt Nam, ngày quốc tế hạnh phúc... được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Trong những ngày kỷ niệm này, những cá nhân có thành tích xuất sắc trong từng phong trào cũng được khen thưởng kịp thời, từ đó tạo động lực thi đua trong các gia đình, các thôn làng, các tổ chức đoàn thể... Huyện Quỳnh Phụ cũng chú trọng việc xây dựng các mô hình điểm trong thực hiện phong trào tại cơ sở, như xây dựng các khu dân cư không có người sinh con thứ ba, không có tệ nạn xã hội, tiêu biểu như các xã Quỳnh Minh, An Thanh, An Tràng, Quỳnh Thọ, Quỳnh Hoa...

Phát huy công năng của nhà văn hóa thôn, huyện Quỳnh Phụ đang tích cực triển khai xây dựng tủ sách tại nhà văn hóa thôn, tiến tới nhân rộng mô hình cung cấp wifi miễn phí tại đây, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân nông thôn. Đồng thời, tại nhà văn hóa thôn, các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể thao đã được thành lập, huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, tạo nguồn lực từ nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua.

Qua 20 năm thực hiện, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Tú Anh