Thứ 6, 22/11/2024, 21:52[GMT+7]

Bollywood: Một thế kỷ điện ảnh Ấn Độ

Thứ 4, 10/10/2012 | 08:45:46
1,578 lượt xem
Trong năm 2012 và 2013, hai nền điện ảnh lớn trên thế giới là Hollywood và Bollywood cùng nhau kỷ niệm một thế kỷ ra đời. Nếu như ở Hollywood là những sự kiện riêng rẽ của từng hãng phim, thì ở Bollywood, đây lại là cơ hội tổ chức một sự kiện lớn để tạo cú hích lấy lại hình ảnh và vị thế của mình đối với điện ảnh thế giới.

Bộ phim Worship, năm 1969 của điện ảnh Ấn Độ.

Hollywood đang hân hoan kỷ niệm 100 năm ra đời, và ở cách đó hàng chục nghìn km, Bollywood cũng chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập và phát triển rực rỡ.

Hiện tại, các nhà làm phim của cả hai nền điện ảnh đình đám này đều đang băn khoăn chưa biết chọn ra bộ phim nào xứng đáng nhất để đánh dấu 100 năm hình hành, phát triển và để lại những dấu ấn đối với điện ảnh toàn cầu.

Đối với Bollywood, khó có thể tổ chức một bữa tiệc hoành tráng và xa xỉ để đọ với Hollywood, nhưng nếu kỷ niệm 100 năm trong không khí trầm lặng và yên ắng quá cũng không ổn.

Ở Hollywood, Universal Pictures là hãng phim đầu tiên bước qua tuổi 100, hãng này do nhà làm phim Đức Jew Carl Laemmle thành lập ngày 30-4-1912 ở New York. Tuy nhiên bộ phim The House of Horror của hãng sản xuất ra mắt sau đó hai năm lại không được chú ý đến nhiều. Trong năm tới, Warner Brothers là hãng tiếp theo kỷ niệm 100 năm thành lập, Fox là 2014, còn MGM phải tới năm 2024 mới tròn 100 tuổi. Các hãng phim khác có thể tham gia dịp kỷ niệm, nhưng bóng mây mờ của khủng hoảng kinh tế và doanh thu giảm và cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng cũng phần nào khiến cho những niềm hân hoan này chìm trong lặng lẽ.

Tuy nhiên, Bollywood có vẻ như không rơi vào tình trạng tương tự như vậy. Điện ảnh Ấn Độ đã xác định rõ ràng ngày tổ chức lễ kỷ niệm là ngày 3-5-2013, với hoạt động đầu tiên ở Mumbai là triển lãm về Raja Harischandra, bộ phim đen trắng đầu tiên của điện ảnh Ấn Độ, của đạo diễn huyền thoại DG Phalke.

Tương tự như vậy, Hollywood cũng ấn định năm 2014 cho dịp kỷ niệm, với thời điểm ra mắt The Squaw Man, một trong những phim câm thời kỳ đầu của điện ảnh Mỹ.

Ngoài ra, bộ phim Shree Pundalik, phát hành hồi năm 1912 cũng được chiếu trở lại tại cụm rạp Coronation Cinematograph ở Mumbai, cũng là nơi chiếu phim Raja Harischandra. Shree Pundalik được chuyển thể từ vở kịch cùng tên về một vị thánh của đạo Hindu. Bộ phim do đạo diễn Ấn Độ Dadasaheb Torne thực hiện, nhưng lại quay phim lại là người Anh. Phim sau đó cũng được gửi sang Anh làm hậu kỳ.

Hai đạo diễn DG Phalke và Dadasaheb Torne là những người đóng góp lớn lao vào sự nghiệp phát triển điện ảnh của đất nước châu Á này. Bollywood phát triển mạnh mẽ, tạo dựng tên tuổi, sản xuất phim với số lượng lớn, có lịch sử lâu đời, thậm chí nếu so với một số nền điện ảnh kỳ cựu trên thế giới, Bollywood cũng có phần hơn. Anh, Pháp hay Nga cũng đều phải chờ đến năm 2020 mới có thể kỷ niệm tròn 100 năm điện ảnh của mình, trong khi Bollywood có tuổi thọ sánh ngang với Hollywood và cũng gây dựng được một thời kỳ phát triển rực rỡ.

Là người thực hiện bộ phim truyện Ấn Độ đầu tiên và tạo nên thành công của Bollywood, thế nhưng phải rất lâu sau Dadasaheb Torne mới thành lập hãng phim riêng của mình, với tên gọi Saraswati Cinetone. Giống như hai anh em nhà làm phim huyền thoại người Pháp Lumiere, ông là người tạo nên kỷ nguyên hình ảnh đầu tiên ở Ấn Độ, cũng như tạo dựng thời kỳ huy hoàng của phim câm. Tuy nhiên, phim có tiếng nói sau đó đã giết chết sự nghiệp của Torne.

Những cống hiến đó của hai vị đạo diễn huyền thoại này đủ để Bollywood nên làm một lễ kỷ niệm hoành tráng và trang trọng, cũng là dịp để thế giới biết đến và nhìn nhận một thế kỷ điện ảnh của Ấn Độ. Hiện nay, một số nền điện ảnh châu Á khác đang vụt tỏa sáng như Hàn Quốc, Trung Quốc, còn Bollywood dường như đang chậm bước trên con đường của mình và mất dần ánh hào quang trong thị trường điện ảnh toàn cầu. Nhất là ngay cả với thị trường trong nước, Bollywood cũng đang dần đánh mất vị trí đầu tàu của mình đối với công chúng Ấn Độ, mà dần bị lấn át bởi phim ảnh nhập khẩu.

Tuy nhiên, cũng phải kể đến thành công gần đây của Bollywood, khi thâm nhập và làm ăn rất thành công tại thị trường Trung Đông và khu vực lân cận. Mặc dù chưa lấy lại được vị trí trên thị trường toàn cầu như trước kia, nhưng dịp kỷ niệm 100 năm này thực sự là cơ hội để Bollywood “vượt đèo” và trở lại đỉnh cao như trước.

Theo nhandan

  • Từ khóa