Thứ 6, 22/11/2024, 22:06[GMT+7]

Múa Kéo chữ - Nét đẹp nhân văn cổ truyền trong tâm thức người Thái Bình

Thứ 6, 12/10/2012 | 07:46:02
5,703 lượt xem
Múa Kéo chữ là một loại hình múa dân gian được duy trì ở nhiều hội làng nay thuộc huyện Quỳnh Phụ. Cùng tên gọi múa Kéo chữ nhưng ở mỗi hội làng được duy trì với những trình thức khác nhau, đội hình và đạo cụ khác nhau. Trong các hình thức múa Kéo chữ trên địa bàn tỉnh Thái Bình thì ở làng Phụng Công nay thuộc xã Quỳnh Hội và làng Mỹ Giá nay thuộc xã Quỳnh Hưng huyện Quỳnh Phụ là hoành tráng và công phu hơn cả.

Múa Kéo chữ là một loại hình múa dân gian được duy trì ở nhiều hội làng nay thuộc huyện Quỳnh Phụ. Cùng tên gọi múa Kéo chữ nhưng ở mỗi hội làng được duy trì với những trình thức khác nhau, đội hình và đạo cụ khác nhau. Có loại múa kéo chữ với hàng trăm, vài trăm người tham gia, đạo cụ là gươm đao giáo mác, cờ suý, cờ sai, trống, mõ, tù và, chiêng, lệnh. Các lớp múa di chuyển theo các lớp rải khung môn, bát môn, chạy sắp bổ dồn, xoáy ốc... để xếp lần lượt thành bốn chữ: THIÊN - HẠ - THÁI – BÌNH (theo tự dạng chữ Hán) đậm tính thượng võ như một cuộc luyện binh. Lại có loại múa chỉ cần 64 người chuyển từ hàng đôi sang hàng bốn rồi thành hàng tám khoan thai, uyển chuyển tay cầm đèn hoa xếp thành các chữ THÁI – BÌNH - CẢNH - SẮC  ca ngợi cảnh thái bình yên vui. Trong các hình thức múa Kéo chữ trên địa bàn tỉnh Thái Bình thì ở làng Phụng Công nay thuộc xã Quỳnh Hội và làng Mỹ Giá nay thuộc xã Quỳnh Hưng huyện Quỳnh Phụ là hoành tráng và công phu hơn cả.

Về xuất xứ của múa Kéo chữ, có thuyết cho rằng có từ thời Trần, gắn với hình thức luyện binh của các tướng lĩnh nhà Trần trên vùng đất này. Bởi trong cuộc chiến chống Nguyên – Mông vùng đất này là phòng tuyến chống giặc nay còn nhiều dấu tích. Nhưng tục múa Kéo chữ trong hội làng Phụng Công lại gắn với truyền thuyết về hai nhân vật người làng là Bùi Đá và Hoàng Sỏi dấy nghĩa hợp binh dưới cờ Nguyễn Hữu Cầu chống triều đình Lê - Trịnh vào thế kỷ XVIII.

Hàng năm, dân làng Phụng Công mở hội vào hai kỳ trung tuần tháng ba và trung tuần tháng tám tại đình làng. Ngoài nghi lễ rước tế thành hoàng làng tập trung nhiều công sức vào múa Kéo chữ với hàng trăm trai đinh tuyển chọn từ các giáp trong làng tham gia. Trước ngày khai hội từ một đến hai tháng, các chức sắc trong làng cử ra một người Tổng loa chỉ huy chung, chọn các Tổng cờ cho các thập, chọn người cầm cờ sai và phân bổ quân cho các thập để tập luyện. Đội hình múa Kéo chữ được xếp thành hai bên tả hữu, mỗi bên 8 thập. Mỗi bên có tám Tổng cờ với các chức danh tiền nhất, tiền nhị, tiền tam, tiền tứ, hậu nhất, hậu nhị, hậu tam, hậu tứ và tối thiểu 36 quân. Phục vụ cho việc chỉ huy, hiệu lệnh gồm 4 cờ sai, 1 tù và, 1 loa, 5 trống, 1 thanh la.

Tổng cờ trang phục võ quan, tay cầm cờ súy, tay phải nâng cờ, tay trái giữ đốc cờ. Cờ sai cầm cờ đuôi nheo, tay phải cầm cờ vẫy theo hình số 8 theo nhịp trống, tay trái chống vào mạng sườn. Các quân trang quân phục áo dài đỏ thắt lưng vàng, đầu đội nón dấu, chân quấn xà cạp, đi đất, một tay cầm khăn màu, chắp bên sườn, một tay cầm đồ chấp kích hoặc chiêng, lệch, tù và... Nhiệm vụ của các Tổng cờ là đi đầu các hàng quân (gọi là dây cờ), ra, vào di chuyển theo hiệu lệnh của người tổng chỉ huy. Nhiệm vụ của bốn Cờ sai là giữ đúng dây, đúng hàng điều tiết vị trí cho các Tổng cờ và quân di chuyển đứng ngồi theo nét chữ.

Khi chuẩn bị múa, đội hình chia thành hai đạo tả hữu. Mỗi đạo thành 4 hàng (bốn dây) đầu hàng là Tổng cờ tiền, cuối hàng là Tổng cờ hậu, giữa là 9 quân. Bốn Cờ sai đứng hai bên cạnh mỗi hàng. Khi có hiệu lệnh trống, các quân vác đồ chấp kích lên vai, tay trái chống mạng sườn bước theo nhịp trống lưu thủy. Khi Tổng cờ hướng về phía trước, trống cái điểm, 8 thập quân chuyển thành đội hình hình vuông, chạy theo nhịp trống. Đó là lớp múa rải khung môn. Theo hiệu trống, từ lớp rải khung môn, trống thúc dồn, Tổng cờ dẫn quân chạy sắp để chuyển sang lớp bát trình (hay còn gọi là kẻ thập) thành 8 hàng ngang dọc đều nhau, mặt quay về đình, Tổng cờ, Cờ sai và quân hội đưa cờ hoặc đồ tế khí lên ngang trán vái ba vái theo nhịp trống. Kết thúc lớp bát trình.

Theo lệnh của Tổng loa, hiệu trống nổi lên các Tổng cờ dẫn quân từ lớp bát trình (8 hàng ngang) chuyển thành đội hình bát môn thành hai hình vuông lồng vào nhau tượng trưng cho hai vòng thành nội ngoại. Bốn cửa chính phía ngoài ở giữa bốn cạnh hình vuông phía ngoài. Bốn cửa trong là các góc của hình vuông bên trong. Tạo thành mỗi cửa là hai Tổng cờ gác chéo cờ (đầu dây này đứng với cuối dây kia thành cửa). Theo hiệu lệnh, đội hình chạy sắp để lột bát môn chuyển sang hình hoa hồi. Từ bốn cánh hoa hồi, tổng cờ chạy theo nhịp trống bổ dồn, chiêng trống náo động chuyển thành bốn ốc rồi từ đó chuyển thành ốc đôi, ốc một.

Cùng với âm thanh sôi động của trống chiêng, tù và, pháo hoa và đèn trời tỏa rạng trên bầu trời, đây là cao trào của múa Kéo chữ. Qua 5 lớp múa khung môn, bát trình, bát môn, hoa hồi, vào ốc (bố dồn) đội hình lại di chuyển thành hình vuông (khung môn) để chuẩn bị kéo chữ. Theo lệnh của Tổng loa, từ khung môn các Tổng cờ dẫn quân vào các nét chữ theo thứ tự của từng chữ THIÊN - HẠ - THÁI – BÌNH. Với chữ THIÊN  thì bốn cờ sai đứng ở hai đầu nét ngang trên. Với chữ HẠ thì cờ sai đứng tạo thành nét chấm hết ở dưới. Với chữ THÁI và chữ BÌNH các cờ sai đứng ở nét chấm vừa để tạo cho nét chữ thêm sắc, thêm rõ vừa để chỉ huy, điều tiết các Tổng cờ cho liền các đầu mối hình thành nét chữ.

Khi mỗi chữ được kéo xong, theo hiệu lệnh đội hình lại lột chữ trở về khung môn chuẩn bị tư thế vào nét chữ mới theo dẫn dắt của tổng cờ và chỉ huy của Cờ sai. Khi chữ cuối cùng kết thúc, chiêng trống vang dậy xen lẫn tiếng hô: “Thiên hạ Thái Bình!” pháo bông, đèn trời toả rạng một vùng trời. Theo trình tự các lớp múa và kéo chữ phải diễn ra từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ nên thường là diễn ra 5 lớp múa là giải lao để chuẩn bị vào kéo chữ. Giờ giải lao là các trò vui xen kẽ như múa lân, múa kiếm, đấu roi và các trò chơi mang tính thượng võ.

Múa Kéo chữ là điệu múa đòi hỏi đông người với tính thống nhất cao, giàu tính cộng đồng, cộng cảm, vừa có tính nghệ thuật cao với các động tác uyển chuyển của vũ đạo dân gian vừa mang tính thể thao thượng võ. Duy trì múa kéo chữ trong các hội làng ở Thái Bình là sự thể hiện ước vọng hòa bình, giàu nét đẹp nhân văn cổ truyền trong tâm thức người Việt. Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mang sắc thái riêng của cư dân đồng bằng sông Hồng, múa kéo chữ ở Thái Bình cần sớm được kiểm kê và lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Nguyễn Thanh

(Thôn 4, Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa