Khơi dậy giá trị văn hóa qua phát triển du lịch làng nghề
Giữ làng nghề - giữ giá trị truyền thống
Làng nghề là một tổ chức cộng đồng có ý nghĩa vừa độc đáo, vừa tốt đẹp trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề, phố nghề vẫn tồn tại, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh qua mấy nghìn năm lịch sử. Đi suốt dọc chiều dài đất nước, nơi đâu cũng có làng nghề truyền thống. Bằng trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân bền bỉ giữ và phát triển làng nghề, di sản văn hóa Việt Nam. Văn hóa làng nghề luôn gắn với làng quê, các hoạt động lễ hội, phường hội mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Các làng nghề thường là làng văn hóa cổ, với kiến trúc độc đáo, một số làng nghề là làng khoa bảng, làng Việt cổ. Sản phẩm làng nghề trở thành vốn văn hóa dân tộc vô cùng quý giá cần được bảo tồn và phát huy.
Phát biểu tại hội thảo Giá trị văn hóa, du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam do Hiệp Hội làng nghề Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức ngày 16.10, Gs Vũ Khiêu cho rằng, các làng nghề đang đi vào thời đại của chính mình, thời đại thành công rực rỡ, với những tài năng vô tận. Sự phát triển kỳ lạ của trí tuệ con người cùng với phát minh ngày một nhanh chóng và phong phú của công nghệ đang vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các làng nghề truyền thống. Thuận là ở chỗ có thể khai thác những thành tựu của khoa học, rút ngắn công đoạn vất vả nhưng nếu chỉ dựa vào máy móc thì chính điều đó sẽ tiêu diệt ngành nghề truyền thống. Vì thế, sự tồn tại và phát triển của làng nghề truyền thống phụ thuộc vào tài năng, tâm huyết của các nghệ nhân, thực hiện những việc mà máy móc hiện đại mấy cũng không thay thế được. Như thế, sản phẩm của làng nghề truyền thống không chỉ mang tính thực dụng, chất lượng cao mà còn mang tính thẩm mỹ, mang bản sắc Việt Nam và dấu ấn tâm hồn nghệ nhân.
Theo Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Gs Hoàng Chương, từ trước đến nay, nói tới sản phẩm làng nghề, người ta thường chỉ chú ý tới giá trị thực dụng mà chưa phân tích kỹ những giá trị văn hóa hết sức độc đáo ẩn chứa trong nó. Có thể nói, các sản phẩm của làng nghề truyền thống đã ghi dấu ấn đặc trưng nghệ thuật của từng thời kỳ lịch sử từ đời các nhà Lý - Trần - Lê - Nguyễn cho đến ngày nay, tạo thành một dòng chảy văn hóa liên tục. Chính vì hàm chứa giá trị văn hóa, sản phẩm làng nghề truyền thống cũng có giá trị du lịch. Vì thế, việc các làng nghề kết hợp với ngành du lịch rất quan trọng, vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vừa tiêu thụ hàng hóa. Tiếc là du lịch làng nghề chưa thực sự được quan tâm đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của làng nghề truyền thống. Sản phẩm làng nghề đa số quẩn quanh trong làng xã, trong nước, chưa tạo dựng được thương hiệu trên trường quốc tế.
Chú trọng xây dựng bảo tàng làng nghề
Làng nghề truyền thống ở nước ta với sản phẩm thủ công độc đáo, kết hợp với các lễ hội, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử đã trở thành những vùng du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, du lịch làng nghề chưa thực sự phát triển, thiếu kế hoạch dài hơi, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đến triển khai thực hiện còn tùy tiện trong khi điều kiện hạ tầng, nhân lực thiếu và yếu. Để đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm...
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn gợi ý: phát triển du lịch làng nghề không chỉ phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, đem lại lợi ích kinh tế, mà thực chất du lịch làng nghề là du lịch văn hóa, khơi dậy tiềm năng văn hóa dân tộc ẩn chứa trong mỗi làng nghề. Các làng nghề truyền thống cần chú trọng xây dựng bảo tàng hoặc phòng truyền thống - nơi lưu giữ, giới thiệu quá trình phát triển và sản phẩm đặc trưng của làng nghề. “Việc xây dựng bảo tàng làng nghề truyền thống với quy mô từ thấp đến cao hoặc theo ngành nghề là cái chúng ta đang thiếu, làm giảm đi đối tượng khách du lịch mong muốn tìm hiểu quá trình phát triển của làng nghề. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, mà còn là địa chỉ tin cậy của nhà nghiên cứu, nơi thực tập, học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên; nơi gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các lớp nghệ nhân, làng nghề trong vùng và cả nước”, ông Vũ Quốc Tuấn nói.
Theo daibieunhandan
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”