Thứ 6, 22/11/2024, 16:43[GMT+7]

Hội chùa Keo và tục múa Ếch vồ - chèo Chải cạn

Chủ nhật, 21/10/2012 | 17:37:19
3,662 lượt xem
Trong truyền thống, Thái Bình là một trong những địa phương có khá nhiều hình thức múa dân gian gắn với nghi thức của lễ hội truyền thống của các làng. Theo định lệ, hàng năm chùa Keo có hai lần mở hội: Hội vui xuân mở vào ngày mồng 4 tết và chính hội tháng 9 âm lịch (mở vào các ngày 13, 14, 15). Hai hội này có nội dung và hình thức khác nhau, mang tính chất khác nhau.

Lễ rước kiệu. Ảnh: Ngọc Linh

Trong truyền thống, Thái Bình là một trong những địa phương có khá nhiều hình thức múa dân gian gắn với nghi thức của lễ hội truyền thống của các làng. Có điệu múa mang tính phổ biến ở nhiều làng, dùng trong các đám rước như múa cờ, múa tứ linh, múa sênh tiền mõ lộn, múa trống trắc, múa côn, múa kiếm, múa hoa đăng…nhưng cũng có điệu múa theo tục lệ chỉ có trong một làng gắn với nghi thức thờ cúng vị Thánh được làng thờ như múa Bệt ở hội làng Vọng Lỗ (Quỳnh Phụ), múa Ông Đùng Bà Đà ở hội làng Quang Lang (Thái Thuỵ), múa Bát Dật ở hội làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ), múa Ếch vồ, chèo Chải cạn ở hội chùa Keo (Vũ Thư), múa Giáo cờ, giáo quạt ở hội làng Thượng Liệt (Đông Hưng). Theo định lệ, hàng năm chùa Keo có hai lần mở hội: Hội vui xuân mở vào ngày mồng 4 tết và chính hội tháng 9 âm lịch (mở vào các ngày 13, 14, 15). Hai hội này có nội dung và hình thức khác nhau, mang tính chất khác nhau.

Hội vui xuân với ba trò vui chính gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước là thi bắt vịt, thi ném pháo và nấu cơm thi. Trong đó, ném pháo và nấu cơm thi được xem là trung tâm của ngày hội.

Hội tháng 9 được xem là hội chính của làng Keo và cũng là hội lớn ở vùng hạ lưu sông Hồng, xưa và nay thường thu hút hàng vạn lượt người từ nhiều vùng miền     về dự.

Nếu Hội xuân làng Keo mang tính chất hội lễ nông nghiệp, thi tài, thì hội tháng 9, ngoài tính chất thi tài còn mang đậm tính lịch sử, tính văn nghệ. Ở hội này, phần chủ yếu cuộc đời của vị thánh được thờ ở đâylà Thiền sư Dương Không Lộ được biểu hiện như một diễn xướng lịch sử. Nhiều lễ tiết mang tính tôn giáo lại đậm đà sắc thái của những sinh hoạt văn hoá dân gian, trong đó có múa Ếch vồ và Chèo chải cạn.

Ngày 14 có thi bơi chải trên sông Hồng và đám rước lớn với nhiều nghi trượng, có hàng trăm người tham gia.

Chiều tối, khi bài vị thánh tổ hồi cung xong thì cuộc rước coi như kết thúc. Ở toà Giá roi, một nghi thức độc đáo lạ lùng diễn ra bằng một điệu múa cổ mà người dân gọi là múa Ếch vồ.

Sang ngày 15, mọi nghi lễ được tiến hành tương tự như ngày 14 và được kết thúc bằng lễ bơi chải cạn chầu thánh, tục gọi là múa chải cạn. Đây cũng là một cuộc lễ để kết thúc ba ngày hội chính của hội chùa Keo.

Múa Ếch vồ
- Diễn viên: Gồm 14 trai kiệu khoẻ mạnh, đều nhau về hình thể và một người đánh mõ, một người đánh trống khẩu (còn gọi là tiểu cổ), một người phất cờ (thay cho người lái ở chải thực dưới nước). Như vậy tổng cộng có 17 người.

- Y phục: 14 trai kiệu, mình trần, đóng khố. Đầu đội mũ võ. Hai ông thủ hiệu (một cầm trống, một cầm mõ) mặc áo vàng, chít khăn nhiễu điều bỏ mối ở bên phải. Ông cầm cờ mặc áo đỏ, đầu chít khăn đỏ, ngang lưng chít khăn vàng, bỏ mối ở bên phải.

- Đạo cụ: Trai kiệu tay không. Một trống khẩu, một mõ, một cờ nhỏ

- Động tác múa: Đội bơi đứng thành 2 hàng trước ban thờ. Ông cầm cờ, ông cầm mõ, ông đánh trống đứng giữa 2 hàng như đội hình đứng dưới thuyền.

Sau hồi trống dạo, ông chủ lễ gõ tiếng trống thứ nhất 14 trai kiệu để tay vắt chéo trước ngực rồi đồng loạt quỳ xuống, hai bàn tay để ngửa chồng lên nhau khi chạm đất thì lật bàn tay chống xuống đất bằng các đầu ngón tay. Bàn chân mở rộng thành một đường thẳng ngang, mông ngồi trên gót chân. Tiêng trống thứ 2 vừa dứt, hai hàng trai kiệu đồng loạt chụm tay hất qua vai ra phía ngoài. Làm xong động tác này (chỉ một lần) thì bật dậy đứng lên như tư thế ban đầu. Các động tác kể trên được lặp đi lặp lại 5 lần. Mọi động tác đều khoẻ mạnh, dứt khoát.
Nghi thức này mang ý nghĩa gì ngày nay không ai giải thích được rõ ràng.

Tư thế trai kiệu rất giống con Ếch chuẩn bị nhẩy đi nên phải chăng dân nôm na gọi là múa Ếch vồ. Như con ếch chuẩn bị tư thế vồ mồi.

Múa chèo Chải cạn
- Diễn viên: Gồm 17 người (trong đó có 14 trai kiệu) ăn mặc y như ở múa Ếch vồ.

- Đạo cụ: Mỗi trai kiệu mang một bơi chèo dài khoảng 0,8m, bề rộng 10cm, thót dần về phía cán.

- Động tác múa: Đội bơi đứng thành 2 hàng (mỗi hàng 7 người trước ban thờ. Hai ông thủ hiệu và ông cầm cờ đứng giữa.

Sau hồi trống dạo, 14 trai kiệu chắp chéo 2 tay trước ngực, đứng nghiêm, dưới chân để bơi chèo nằm ở đất. Ông chủ lễ gõ tiếng trống thứ nhất trai kiệu cúi xuống cầm bơi chèo trên tay bắt đầu múa đứng (khi cúi, 2 tay để ngửa đặt ở lườn bụng từ từ quỵ xuống, tay cầm chèo đứng lên).

+ Múa đứng: Hai hàng tay chân đối xứng nhau. Một hàng chân phải dậm, một hàng chân trái dậm miệng hô: “dô”, “dô”, khi ông chủ lễ hô “ơi này anh em ta” tất cả xướng theo “dô, dô”. Miệng hô, chân dậm, tay chèo tất cả kết hợp lại trông vừa đẹp, vừa khoẻ. Mọi động tác lặp đi lặp lại nhiều lần mới thôi.
 Tay cầm bơi chèo: Tay trên (ở chuôi) úp, tay dưới khi dậm mở ngón tay ra rồi nắm vào, cánh tay dưới ghì gần sát với nách (thay cho mối buộc bơi chèo ở dưới thuyền).

+ Múa ngồi: Trai kiệu xếp hai hàng, đứng nghiêm hay tay chắp chéo trước ngực. Bơi chèo để dưới chân. Khi nghe lệnh, từ từ quỳ xuống (một chân chống, một chân quỳ), tay cầm bơi chèo, múa chèo như ở động tác múa đứng. Chân dậm, miệng hô “dô, dô” khi ông chủ lễ hô ới này anh em ơi”. Múa đứng cũng như múa ngồi đều khoẻ đẹp.
Cho đến nay, tục bơi chải trên sông Hồng ở hội chùa Keo chưa khôi phục được nhưng tục rước kiệu Thánh khi hồi cung có múa Ếch vồ và múa Chèo chải cạn vẫn được dân làng Keo duy trì nghiêm cẩn như lệ cũ.

Được biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang triển khai cho các địa phương kiểm kê và lập hồ sơ khoa học các loại hình di sản văn hoá phi vật thể. Thiết nghĩ, tục múa Ếch vồ và Chèo chải cạn trong lễ hội Chùa Keo ở Thái Bình cần sớm được kiểm kê và lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia.

Nguyễn Thanh

(Thôn 4, Vũ Quý, Kiến Xương)

 


  • Từ khóa