Thứ 2, 29/07/2024, 07:19[GMT+7]

Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 7, 02/01/2021 | 16:32:13
9,034 lượt xem
Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành Văn hóa đã để lại những dấu ấn đáng tự hào như lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam; khánh thành Thư viện tỉnh - công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền...

Phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động văn hóa, các sân khấu tạm dừng hoạt động trong thời điểm giãn cách xã hội. Song với phương châm sân khấu luôn sẵn sàng phục vụ khán giả, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Nhà hát Chèo Thái Bình đã công diễn nhiều chương trình đặc sắc. Mỗi đêm diễn đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng yêu nghệ thuật trong tỉnh. Họ đến khi sân khấu chưa sáng đèn và ra về khi các nghệ sĩ đã thu dọn đồ đạc biểu diễn. Nghệ sĩ nhân dân Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ: Khán giả chính là nguồn động lực lớn góp phần nuôi dưỡng “ngọn lửa đam mê” của các nghệ sĩ trong một năm nhiều khó khăn. Cũng bởi niềm tin yêu của khán giả mà năm qua các nghệ sĩ của Nhà hát đã gặt hái rất nhiều thành công, trong đó có giải nhất độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, giải nhất tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc, đồng thời đã phục dựng thành công nhiều vở diễn, trích đoạn chèo cổ...

Song song với hoạt động của sân khấu chuyên nghiệp, sân khấu không chuyên cũng sôi động qua hoạt động của các câu lạc bộ chèo truyền thống tại các địa phương. Thường ngày họ là những người dân quê “chân lấm tay bùn” nhưng trên chiếu chèo họ trở thành những “nghệ sĩ” say sưa trong những điệu chèo mượt mà, tha thiết, ca ngợi nông thôn mới, ca ngợi cuộc sống đang đổi thay. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng những làn điệu chèo quê hương qua sự thể hiện của các em học sinh đã kịp thời đến với người dân mọi miền Tổ quốc, góp phần cùng cả nước chung tay chống dịch.

Các nghi thức tín ngưỡng dân gian tiếp tục được bảo lưu qua các lễ hội truyền thống.

Chung sức xây dựng đời sống văn hóa

Năm 2020 là tròn 20 năm Thái Bình thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường sạch đẹp, an toàn, nâng cao hiệu quả các thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao.

Góp phần không nhỏ vào việc thực hiện phong trào là các hạt nhân văn hóa ở cơ sở. Từ năm 2017, tại xã Phú Lương (Đông Hưng) người dân quen dần với bộ môn khiêu vũ. Hai năm sau, phong trào khiêu vũ phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn, tạo khí thế mới cho các vùng quê. Để đạt được hiệu quả của phong trào này có những đóng góp tích cực của ông Phan Thế Nông, công chức văn hóa xã Phú Lương. Những tháng cuối năm, thời tiết giá rét nhưng tối nào cũng vậy, câu lạc bộ khiêu vũ xã Phú Lương với gần 150 thành viên vẫn hoạt động sôi nổi, chuẩn bị những tiết mục đặc sắc nhất phục vụ các ngày lễ lớn của địa phương. Không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho người dân trong xã, ông Nông còn nhiệt tình hướng dẫn các câu lạc bộ khiêu vũ tại nhiều xã ở các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ… Bền bỉ với các điệu nhảy, ông Nông được biết đến là “người đưa khiêu vũ về làng”.

Tháng 11/2020, mô hình điểm nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên trong tỉnh chính thức được ra mắt tại thôn Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy). Nhiều hoạt động cụ thể đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai ở đây: thành lập các câu lạc bộ thể thao cơ sở; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện để tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng tại địa phương; hướng dẫn các câu lạc bộ về các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; hướng dẫn xây dựng, khai thác tủ sách cộng đồng, tổ chức xe thư viện lưu động phục vụ nhân dân với mục tiêu xây dựng và hình thành thói quen, phong trào đọc sách trong nhân dân... Cùng với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong thôn Bích Du, mô hình này đã nhận được sự đồng thuận, tâm huyết của lãnh đạo huyện Thái Thụy thông qua việc ban hành nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu. Trong đó, huyện đã đề ra mục tiêu, lộ trình, phương hướng, giải pháp thực hiện ngay trong năm 2021, trong đó mục tiêu cụ thể là tại mỗi xã, thị trấn sẽ có một nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu như thôn Bích Du. Từ năm 2022, mỗi năm hoàn thành từ 10 - 15% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu.

Cùng với xã Thanh Tân (Kiến Xương), xã Thái Thượng (Thái Thụy), ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng có những tín hiệu đáng mừng từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đánh giá về hiệu quả của phong trào, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau 20 năm thực hiện, Thái Bình là một trong những tỉnh tiêu biểu trong cả nước về thành tích thực hiện xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, nhiều truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy, lối sống mới từng bước được hình thành; nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị; các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển; việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện theo đúng quy định; diện mạo cảnh quan, môi trường nông thôn khởi sắc, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi. Những kết quả của phong trào đã góp phần tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khép lại một năm nhiều biến động, bằng nỗ lực không ngừng, ngành Văn hóa đang dần khẳng định và chứng minh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tú Anh