Thứ 6, 17/05/2024, 18:18[GMT+7]

Loay hoay như ...làm phim lịch sử

Thứ 4, 07/11/2012 | 07:46:12
1,130 lượt xem
Lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc là cảm hứng bất tận của điện ảnh, nhưng đến nay, vì sao mảng đề tài lịch sử vẫn là một lỗ hổng lớn ít người khai thác hoặc dám khai thác. Phim dở do đâu? Thiếu tư liệu, thiếu vốn hay thiếu người tài?

Đêm hội Long Trì, bộ phim lịch sử gây ấn tượng trong những năm 90.

“Tay không bắt giặc”

“Tay không bắt giặc” là tình trạng chung của các nhà làm phim lịch sử hiện nay. Thiếu thốn đủ thứ, phải tự xoay sở, tìm mọi cách để lấp đi những thiếu thốn, đó là những khó khăn lớn.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh thừa nhận, hiện nay, phim truyện lịch sử Việt Nam yếu do “thiếu một hệ thống lưu trữ tư liệu, thiếu kinh phí trong khi chi phí cho một phim lịch sử lại rất cao, thiếu hệ thống trường quay chuyên nghiệp và quan trọng hơn cả là thiếu người tài”.

Thiếu tư liệu lịch sử là rào cản lớn nhất. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn kể lại, một nhà biên kịch người Nga đã nhận xét rằng, những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam đủ chất liệu cho các nhà làm phim lịch sử “làm đến mấy đời cũng chưa hết”

Thế nhưng trên thực tế, tư liệu lịch sử của chúng ta quá thiếu, càng cách xa thời hiện tại càng thiếu. Các nhà làm phim phải tự mò mẫm, tự “chế tác” trong hoàn cảnh “trên dao dưới thớt”, với những dữ liệu vô cùng ít ỏi, nhưng lại luôn luôn phải hứng chịu búa rìu dư luận về độ chính xác của thông tin, bối cảnh, trang phục, ngôn ngữ.... Nhà biên kịch Đoàn Tuấn chia sẻ: “Khi tôi vào các phòng văn hóa của Đại sứ quán Nga hay Trung Quốc, họ có rất nhiều sách viết về lịch sử, đầy đủ đến từng chi tiết”. Càng thiếu tư liệu, thiếu một tư duy dài hơi và cách làm việc chuyên nghiệp, các nhà làm phim càng thêm vất vả.

Không chỉ khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu, tìm bối cảnh quay cũng là một rào cản. Việc thiếu một trường quay chuyên nghiệp khiến các nhà làm phim phải thực hiện trên các bối cảnh thật, dẫn đến nhiều yếu tố chênh so với ý đồ ban đầu hoặc so với yêu cầu kịch bản.

Bà Ngô Phương Lan đưa ra dẫn chứng, bộ phim dã sử tiếng tăm “Đêm hội Long Trì” của NSND Hải Ninh thực hiện năm 1989 đã lấy Hoàng thành Huế làm trường quay, trong khi thực tế, thành quách, cung điện thời vua Lê- chúa Trịnh ở phía Bắc hoàn toàn khác. Tuy nhiên, “cái khó bó cái khôn”, các nhà làm phim đã phải xoay sở, bố trí, chắp ghép thêm để bối cảnh ở mức có thể chấp nhận được.

Cũng bởi thiếu trường quay, không ít nhà làm phim lịch sử Việt Nam đã phải xoay sở bằng cách... thuê trường quay Trung Quốc, để rồi hứng chịu phản ứng của khán giả và giới chuyên môn. “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” là một thí dụ. Bộ phim thuê đạo diễn, hóa trang, phục trang Trung Quốc và lại được quay tại Trung Quốc, để đến khi hoàn thành đành xếp xó bởi khó có thể nhận ra bản sắc, văn hóa Việt Nam trong một hình hài nước ngoài từ đầu tới chân như vậy.

Quan trọng nhất là thiếu người tài

Bà Ngô Phương Lan phân tích: “Trường quay có thể dựng lại. Vốn có thể kêu gọi đầu tư. Nhưng nếu người làm phim không có tài thì không cách gì vực dậy bộ phim. Có tiền mà không có người tài cũng không thể làm được phim hay”.

Chung ý kiến này, nhà biên kịch lão thành Lê Phương chia sẻ: “Phim không hay không phải do chính bản thân bộ phim đó, mà là do người làm phim. Phải có gan và biết làm thì mới cho ra được những bộ phim hay trong tình trạng thiếu nhiều thứ”. Ông nêu ý kiến: “Phải đầu tư cho người tài năng chứ không thể đưa ra đấu thầu. Cơ chế chọn phim của chúng ta hiện nay theo phong trào quá. Với người tài, nên trân trọng, đề cao, mời họ đến làm phim, chứ không phải dàn hàng ngang đấu thầu như chợ lao động được”.

Theo nhà biên kịch Lê Phương, nhà làm phim nhiều khi cũng phải biết từ chối một dự án nếu thấy vượt quá sức mình, nếu không muốn cho ra đời một sản phẩm có khả năng trở thành “thảm họa”. Ông cho hay, sau khi Hội thảo về Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông đã được mời tham gia viết kịch bản với khoản thù lao không hề nhỏ. Nhưng ông đã từ chối vì lượng sức mình không kham nổi, nếu viết thì “sẽ tan xác pháo”, bởi dư luận thường đòi hỏi rất cao đối với phim lịch sử, mà Phật hoàng Trần Nhân Tông lại là một hình tượng quá lớn trong lòng dân chúng, cho nên nhà làm phim phải hết sức cẩn trọng.

Nhà biên kịch Lê Phương cũng nhấn mạnh, “bộ phim chất lượng không ra gì thì không cách nào cứu vãn nổi”

Theo ông, người nghệ sĩ phải biết sợ chính mình, sợ chất lượng tác phẩm của mình và chỉ với suy nghĩ đó, mới có thể cho ra đời những tác phẩm được công chúng chấp nhận.

Theo nhandan

 

 


  • Từ khóa