Chủ nhật, 19/05/2024, 04:56[GMT+7]

Quá khứ vẻ vang của dân tộc trong âm nhạc

Thứ 5, 08/11/2012 | 08:42:22
1,335 lượt xem
Trong suốt chặng đường lịch sử từ những ngày đầu ấy cho đến khi đất nước thanh bình, mặc dù cũng có lúc chủ đề ấy chìm xuống do tính thời sự được đưa lên hàng đầu, nhưng những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ và hậu chiến đã để lại một kho di sản quý cho nền âm nhạc Việt Nam.

Cảnh trong vở Thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long của tác giả Doãn Nho.

Âm nhạc là cuốn biên niên sử của dân tộc

Âm nhạc với thiên chức tôn vinh và đề cao các thành quả cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc nên đã trở thành cuốn biên niên sử, song hành cùng lịch sử của đất nước. Chủ đề lịch sử xuất hiện rất sớm trong các ca khúc. Những truyền thuyết, sự kiện, địa danh, tên tuổi nhân vật lịch sử đã đi vào lời ca ngay từ thời kỳ đầu tân nhạc và ca khúc Cùng nhau đi hồng binh viết về đội quân hồng binh của khởi nghĩa Xô viết (tác giả Đinh Nhu) là ca khúc đầu tiên. Tiếp sau đó là cả một dòng sử ca chảy cuồn cuộn trong dòng sông nhạc Việt. Trong suốt chặng đường lịch sử từ những ngày đầu ấy cho đến khi đất nước thanh bình, mặc dù cũng có lúc chủ đề ấy chìm xuống do tính thời sự được đưa lên hàng đầu, nhưng những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ và hậu chiến đã để lại một kho di sản quý cho nền âm nhạc Việt Nam.

Chỉ tiếc rằng, đến thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay, những ca khúc của họ lại nghiêng nhiều về tình ca lứa đôi, dường như lãng quên với dòng sử ca cả trên bình diện sáng tác lẫn biểu diễn khiến cho những sự kiện lịch sử đã qua, những sự kiện lịch sử đang diễn ra, những sự kiện lịch sử trong tương lai có nguy cơ bị mất chỗ đứng trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại.

Sự nhập nhằng giữa hình tượng và sự hư cấu dẫn đến phản tác dụng giáo dục

Khi âm nhạc được coi là phương tiện tuyên truyền thì chủ đề, nội dung tác phẩm phải phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn. Với số lượng hàng trăm, hàng nghìn ca khúc, giao hưởng, khí nhạc, thanh xướng kịch… gắn với lịch sử đương đại cho thấy rõ tính định hướng của việc sáng tác âm nhạc. Thế nhưng bên cạnh những sáng tác kịp thời khích lệ tinh thần công chúng, nhận được sự cộng hưởng khiến tác phẩm vươn tới được giá trị nghệ thuật cao thì cũng có những tác phẩm chỉ có tính cổ động tại thời điểm đó và nhanh chóng bị quên lãng. Thậm chí lại có tác phẩm hư cấu một hình tượng thành nhân vật lịch sử đã gây tác dụng ngược và làm mất ý nghĩa cao quý của việc sáng tạo nghệ thuật.

Có một thời, hình tượng Lê Văn Tám được các thế hệ thiếu nhi Việt Nam coi như một biểu tượng về lòng quả cảm, anh dũng hy sinh thân mình qua bản giao hưởng Cây đuốc sống của tác giả Nguyễn Đình Tấn với lời tựa được tác giả ghi trân trọng: Ngọn đuốc Lê Văn Tám được đốt lên từ chính thân mình đã soi sáng cho toàn thể thế hệ thiếu nhi Việt Nam mãi mãi về sau. Thế nhưng bỗng một ngày kia, công chúng mới vỡ lẽ ra người anh hùng liệt sĩ ấy chưa từng hiện hữu trên đời này và hành động quả cảm ấy hoàn toàn không có thật!

Những năm gần đây, xã hội đã nhiều lần gióng lên hồi chuông báo động về việc dạy và học lịch sử trong nhà trường phổ thông, về sự thiếu hiểu biết lịch sử dân tộc của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên. Thật đau lòng và cười ra nước mắt khi trong những lần thi tốt nghiệp phổ thông trung học và cả thi đại học, có thí sinh từng trả lời trong bài thi môn lịch sử rằng: ông Trần Hưng Đạo đánh trận Điện Biên, ông Lê Lợi đuổi quân Nguyên – Mông, trận Bạch Đằng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy… Hơn lúc nào hết, âm nhạc với ưu thế nổi trội trong việc giáo dục lịch sử cho thế hệ thanh thiếu niên cần phải có nhiều sáng tạo mới, đồng thời phải làm mới những tác phẩm cũ về đề tài lịch sử, góp tiếng nói mạnh mẽ tác động đến công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

Món nợ của giới nhạc sĩ là chưa phát huy được tài sản quý của cha ông

Ca khúc mới, ca khúc cách mạng Việt Nam từ thời đầu tân nhạc (những năm 30 – Toàn quốc kháng chiến năm 1946), thời kỳ kháng chiến chống Pháp – hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), giai đoạn vừa chiến tranh vừa hòa bình trên hai miền đất nước cho đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1954 – 1975) và thời kỳ từ thống nhất đất nước đến nay đã góp phần ghi chép trung thực bằng âm thanh cùng lời ca những sự kiện lịch sử của đất nước. Thế nhưng có nhiều ca khúc hay, nhiều bản giao hưởng mang tính giáo dục cao về truyền thống cách mạng của dân tộc không được phổ biến hoặc đã bị quên lãng.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu thì, đề tài lịch sử phù hợp với quy mô hoành tráng, với các thể loại thanh nhạc lớn như oratoria, cantate, opéra và các thể loại thính phòng - giao hưởng. Hình thức lớn đương nhiên kéo theo kinh phí lớn, nếu không có tài trợ hoặc sự đỡ đầu của cơ quan Nhà nước thì đa số các nhà soạn nhạc ở ta không có khả năng tự đảm đương công đoạn dàn dựng. Vì thế, đề tài lịch sử thường là đơn đặt hàng vào dịp lễ lớn. Vấn đề ở đây là đặt hàng thế nào, nhắm mục tiêu tác phẩm lâu bền hoặc chỉ cốt nhiều tác phẩm “thời vụ” rộ lên trong mùa lễ hội rồi chết luôn hoặc xếp kho chờ đến đợt kỷ niệm sau may ra được tân trang lại.

Hiện nay có nhiều tác phẩm mới tìm thấy nhưng hầu như không được vang lên, thậm chí có những ca khúc, những tác phẩm giao hưởng chưa từng được vang lên lần nào. Vấn đề bảo tồn thế nào, khai thác ra sao những di sản của cha ông để lại cần được đưa vào chiến lược phát triển của nền âm nhạc Việt Nam.

Theo suckhoe&thoidai

 

  • Từ khóa