Thứ 4, 22/01/2025, 15:00[GMT+7]

Giữ điệu chèo quê hương Năm Tấn

Thứ 6, 23/11/2012 | 14:56:29
2,424 lượt xem
Không phải là những nghệ nhân xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, họ là những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vì yêu mến làn điệu chèo quê hương mà tìm đến nhau và dựng lên câu lạc bộ (CLB) Unesco bảo tồn nghệ thuật sân khấu chèo Ðông Hà.

Những hội viên của CLB Unesco bảo tồn nghệ thuật chèo Ðông-Hà. Ảnh: Thanh Phúc (Lô Giang - Ðông Hưng)

CLB Unesco bảo tồn nghệ thuật sân khấu chèo Ðông - Hà do bác Ðỗ Thanh Phúc (xã Lô Giang, huyện Ðông Hưng) làm chủ nhiệm được thành lập từ  năm 2009 đến nay đã tròn 3 năm. Những ngày đầu, CLB vẻn vẹn chỉ khoảng chục người, không có kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Có những lúc CLB tưởng chừng như không duy trì được nhưng với lòng yêu mến chèo cùng quyết tâm của các anh chị em, CLB dần phát triển cả về con người cũng như cơ sở vật chất, chương trình biểu diễn ngày càng phong phú và chất lượng tốt hơn.

 

Từ những cái tên ban đầu là Thanh Phúc -  Nét Duy - Việt Mỹ - Cao Thắng - Minh Khính - Hồng Sim… chủ yếu sống ở hai huyện Ðông Hưng và Hưng Hà, đến nay anh chị em từ khắp các nơi trên quê hương đã hội tụ về ngày một đông hơn. Quân số của CLB tới nay là gần 40 hội viên, họ là những người nông dân hăng hái lao động sản xuất, là những công nhân viên chức hiện còn đang công tác tại các đoàn chuyên nghiệp, các cơ quan như Xuân Lựu (Nhà hát chèo Thái Bình), Ðoàn Kim San (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình),… Ở họ có chung niềm đam mê và lòng yêu mến đối với những làn điệu chèo trữ tình, sâu lắng. Trong CLB, mỗi một cá nhân đều gánh vác một trọng trách. Và một điều đáng ghi nhận là còn có nhiều cặp vợ chồng đều sinh hoạt trong CLB, nếu như ở nhà họ là những cặp vợ chồng hạnh phúc, luôn chăm lo cho nhau thì về với CLB họ là những kép diễn ăn ý.

 

Bác Nguyễn Thanh Phúc - hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình là người có tình yêu sâu sắc đối với nghệ thuật chèo. Với vai trò là chủ nhiệm của CLB, bác luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chăm lo phát triển CLB và có ý thức gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc này cho đời sau. Căn nhà đơn sơ nhưng rộng mở của bác Phúc chính là nơi các hội viên của CLB thường xuyên sum họp vào các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần để cùng giao lưu, tập các tiết mục, vở chèo, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

 

Tự hào về làn điệu chèo quê lúa, vinh dự được là hội viên của chiếu chèo Ðông-Hà, Bác Phúc vui vẻ cho chúng tôi xem những bức ảnh, những vở chèo do bác tự tay chụp, quay trong mỗi lần CLB đi diễn ở các địa phương. Ở người nghệ sỹ nhiếp ảnh này ngời sáng lên niềm tin, tình yêu với sân khấu chèo của quê hương 5 tấn. Bác cho biết: Trong 3 năm qua, CLB đã dàn dựng được 7 vở chèo, trong đó có 3 vở dài như Lưu Bình Dương Lễ, Quan âm thị Kính, Sử thi Người cha dựng nghiệp. Ngoài ra, CLB còn dàn dựng được nhiều trích đoạn, tiết mục song ca, đơn ca, sáng tác được nhiều kịch bản hay, những bài hát hay… ca ngợi cuộc sống ấm no hạnh phúc nhằm phục vụ cho không chỉ những thành viên CLB mà còn đông đảo người yêu mến chèo trong và ngoài tỉnh.

 

Nhờ có sự quan tâm, ưu ái của cán bộ và nhân dân các địa phương, CLB đã được mời đi lưu diễn phục vụ ở nhiều nơi như Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh và hầu hết các địa phương trong tỉnh, đi đến đâu CLB cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả. Ðó chính là niềm vui của những hội viên trong CLB và cũng là động lực để chiếu chèo Ðông-Hà ngày một phát triển góp phần gìn giữ và đưa sân khấu chèo đến với đông đảo nhân dân ở nhiều địa phương trên cả nước.

 

CLB đã nhận được nhiều bằng khen và giấy khen cho tập thể và cá nhân, nhận cờ đơn vị xuất sắc nhất năm 2011 do Ủy ban liên hiệp Các hội Unesco Việt Namon> trao tặng. Những kết quả này tuy chưa thể nói hết những đóng góp của các hội viên nhưng là niềm cổ vũ, động viên CLB Unesco bảo tồn nghệ thuật sân khấu chèo Ðông-Hà tiếp tục phát triển và có những đóng góp quan trọng trong việc đưa sân khấu chèo Việt Nam trở thành di sản văn hóa nhân loại trong tương lai.

 

Phùng Nga

(Sinh viên thực tập)

 

 

 

  • Từ khóa