Chủ nhật, 24/11/2024, 16:37[GMT+7]

“Cái ôm đầu tiên” giữa đại dịch đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới

Thứ 6, 16/04/2021 | 14:57:38
7,232 lượt xem
"Cái ôm đầu tiên", ảnh chụp cụ bà trong vòng tay của nữ y tá trong viện dưỡng lão tại Brazil sau nhiều tháng bị cách ly vì Covid-19 mang về cho nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Mads Nissen giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021. Tác phẩm này cũng đoạt giải Nhất hạng mục Tin tổng hợp - ảnh đơn

Ban Giám khảo độc lập của Cuộc thi ảnh năm 2021 đã lựa chọn "Cái ôm đầu tiên" của tác giả Mads Nissen làm Ảnh Báo chí thế giới năm 2021. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cụ bà Rosa Luzia Lunardi (85 tuổi) đang trong vòng tay của y tá Adriana Silva da Costa Souza tại viện dưỡng lão Viva Bem, TP São Paulo, Brazil, ngày 5/8/2020. Đây là cái ôm đầu tiên cụ Rosa nhận được trong vòng năm tháng. 

Nhiếp ảnh gia Nissen chia sẻ về bức ảnh của anh: "Đối với tôi, đây là câu chuyện về hy vọng và tình yêu trong lúc khó khăn nhất".

Vào tháng 3/2020, các viện dưỡng lão trên khắp Brazil phải đóng cửa để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Hàng triệu người Brazil không thể tới thăm người thân của mình đang sống trong viện dưỡng lão. Giới chức Brazil yêu cầu nhân viên chăm sóc tại viện dưỡng lão giữ khoảng cách cần thiết với những người dễ bị lây nhiễm. Trong bối cảnh đó, nhà chức trách tại viện dưỡng lão Viva Bem đã nghĩ ra ý tưởng "rèm ôm", cho phép mọi người được ôm nhau nhờ có sự bảo vệ của chiếc rèm trong suốt.

Nhiếp ảnh gia Kevin WY Lee, Giám đốc sáng tạo và cũng là thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi ảnh năm 2021 cho rằng: "Hình ảnh mang tính biểu tượng về Covid-19 ghi dấu khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc sống ở mọi nơi. Tôi nhìn thấy sự tổn thương, những người thân yêu, sự mất mát, chia ly, sự chết chóc, và cả sự sống hiện diện trong một bức ảnh. Nếu bạn nhìn vào bức ảnh đủ lâu, bạn sẽ thấy đôi cánh: biểu tượng của sự đấu tranh và hy vọng".

Đây là lần thứ hai nhiếp ảnh gia Nissen đoạt Giải Ảnh Báo chí thế giới. Anh từng giành giải thưởng này vào năm 2015.

Cuộc thi ảnh năm 2021 gồm nhiều hạng mục như: các vấn đề đương đại, môi trường, tin tổng hợp, dự án dài hạn, thiên nhiên, chân dung, tin thời sự... 

Dưới đây là một số tác phẩm đáng chú ý được tôn vinh trong cuộc thi ảnh báo chí năm nay. Giải thưởng được công bố ngày 15/4 vừa qua.

“Cái ôm đầu tiên” giữa đại dịch đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới -0

Giải Nhất, ảnh đơn, trong hạng mục Các vấn đề đương đại: "Yemen: Nạn đói, một vết thương khác do chiến tranh gây ra", tác giả: Pablo Tosco.

Fatima và con trai chuẩn bị lưới để bắt cá trên Vịnh Khor Omeira, Yemen, ngày 12/2/2020. Fatima có chín người con và cô nuôi chúng nhờ đánh bắt cá. Dù cuộc xung đột vũ trang tại Yemen đã tàn phá ngôi làng của Fatima nhưng cô vẫn quyết định trở về. Cô dùng tiền bán cá để mua một chiếc thuyền và tiếp tục trang trải cuộc sống bằng nghề bắt cá. 

“Cái ôm đầu tiên” giữa đại dịch đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới -0

Giải Nhất, ảnh phóng sự, trong hạng mục Môi trường: "Thiêu đốt Pantanal", tác giả: Lalo de Almeida.

Lực lượng cứu hỏa vật lộn với một đám cháy tại nông trường São Francisco de Perigara, nơi sinh sống của một trong những quần thể vẹt đuôi dài lam tía lớn nhất trên thế giới. Khoảng 95% khu vực nông trường, với phần lớn diện tích được bảo tồn, đã bị hỏa hoạn tàn phá. Năm 2020, lửa đã thiêu đốt Pantanal, vùng đầm lầy nhiệt đới lớn nhất thế giới, trên quy mô kỷ lục. Từ tháng 1 đến 10/2020, lửa đã thiêu rụi 4,2 triệu ha của Pantanal.

“Cái ôm đầu tiên” giữa đại dịch đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới -0

Giải Nhì, ảnh đơn, trong hạng mục Các vấn đề đương đại: "Bác sĩ Peyo và ông Hassen", tác giả: Jeremy Lempin.

Chị Marion (24 tuổi, người bệnh ung thư di căn) ôm con trai Ethan (7 tuổi) vào lòng trước sự hiện diện của "bác sĩ ngựa" Peyo trong một bệnh viện tại Pháp, ngày 30/11/2020. "Với Peyo, chúng tôi cố gắng tái tạo cuộc sống ở chặng cuối cuộc đời để chiến đấu và tạo ra nguồn năng lượng đồng hành cùng với các gia đình và người chăm sóc", chủ nhân của ngựa Peyo, ông Hassen Bouchakour chia sẻ. 

Liệu pháp điều trị với sự hỗ trợ của động vật đang được sử dụng trong các môi trường lâm sàng, đặc biệt là liệu pháp tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ đau đớn. Động vật dường như có thể làm giảm lo lắng, căng thẳng, có tác dụng về thể chất như làm giảm huyết áp, cải thiện nhịp tim và giúp kiểm soát cơn đau.

“Cái ôm đầu tiên” giữa đại dịch đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới -0

Giải Nhất, ảnh đơn, trong hạng mục Môi trường: "Sư tử biển tại California với chiếc khẩu trang", tác giả: Ralph Pace. 

Một cá thể sư tử biển hiếu kỳ tại California, Mỹ, bơi về phía chiếc khẩu trang tại khu lặn Breakwater, ngày 19/11/2020. Khi lệnh phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 có hiệu lực tại bang California, những cảnh đẹp ngoài trời và tự nhiên với sự tồn tại của nhiều loài động vật hoang dã đã trở thành tâm điểm của du dịch địa phương. 

“Cái ôm đầu tiên” giữa đại dịch đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới -0

Giải Ba, ảnh đơn, trong hạng mục Tin thời sự: "Cháy rừng", tác giả: Nuno Andre Ferreira. 

Em bé đang ngồi bên trong chiếc xe gần đám cháy rừng tại Oliveira de Frades, Bồ Đào Nha, ngày 7/9/2020. Ít nhất 300 nhân viên cứu hỏa, 100 phương tiện trên mặt đất và 10 máy bay cứu hỏa đã tham gia dập đám cháy này.

“Cái ôm đầu tiên” giữa đại dịch đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới -0

Giải Nhất, ảnh đơn, trong hạng mục Thiên nhiên: "Cứu hươu cao cổ ra khỏi hòn đảo ngập", tác giả: Ami Vitale. 

Bức ảnh ghi lại một cá thể hươu cao cổ Rothschild được chuyển từ hòn đảo Longicharo bị ngập tới nơi an toàn, vào ngày 3/12/2020. Hươu cao cổ Rothschild là phân loài của hươu cao cổ phía bắc và được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng. 

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa