Thứ 6, 22/11/2024, 16:50[GMT+7]

Đình Vược Đình đá độc đáo

Thứ 6, 30/11/2012 | 10:01:07
5,995 lượt xem
Cùng với “cây đa, giếng nước” thì “mái đình” là những hình ảnh biểu trưng của miền quê Việt từ bao đời. Ở Xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ có một ngôi đình đá rất đặc biệt. Ðó là đình làng Nguyên Xá (tên nôm là đình Vược).

Toàn cảnh ngôi đình đá làng Vược

Ðình Vược độc đáo và đặc biệt ở chỗ nó được dựng hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, vì vậy dân làng vẫn quen gọi là đình Ðá. Ðây là một công trình kiến trúc bằng đá có quy mô lớn hiếm có còn tồn tại ở Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

 

Theo ông  Phạm Minh Vũ, nguyên Trưởng ban tư vấn văn hóa làng thì “Ðình cũ làng Vược đã có từ lâu đời. Năm Cảnh Trị Bính Ngọ (1971) đình đã có năm gian, 2 giải võ tả hữu mỗi bên 4 gian, đến năm Chính Hòa thứ 4 (1684) tái tạo lại hình chữ công có 7 gian. Tới năm 1936 do ngôi đình cũ đã dột nát, các cụ và nhân dân đi mua đá về ở Ninh Bình về dựng đình mới. Ngôi đình Ðá hiện nay được khởi dựng từ năm 1942 và khánh thành năm 1945 trên nền ngôi đình cũ.  Tọa lạc trên khu đất cao và  rộng, mặt đình quay về hướng Tây Bắc. Trước mặt là sân đình, tiếp giáp với sân là ao đình rộng chừng 9 sào Bắc bộ. Ðầu  đình hướng Ðông Bắc có giếng Ngọc, tục truyền rằng giếng có mạch nước thông ra sông cái (Sông Luộc). Ðình thờ tự 3 vị nhân thần đã có công giúp vua Lý đánh thắng giặc Tống là: Thái Thường Thúy Ðại Vương, Thái Thường Kỷ Ðại Vương và Thái Thường Vĩ Ðại Vương”

 

Hệ thống xà, cột trong đình hoàn toàn bằng đá

 

Ðình Vược  xây theo kiểu chữ đinh, gồm có 7 gian, 5 vỉ kèo, 20 cột và 14 đầu dư. Từ cổ bổng đến tận nóc hàng ngang hoàn toàn xây dựng bằng đá, cửa võng gian giữa cũng bằng đá, chạm trổ hoa văn nổi đường nét rất tinh xảo. Hệ thống xà liên kết các vỉ cột cũng đều bằng đá, được trạm trổ rất đẹp. Các cột đá tứ trụ (cột cái)  trạm rồng leo quanh thân, đầu rồng nối với đầu dư cách điệu ngậm ngọc; các cột quân (cột nhỏ) đều trạm tứ quý tứ linh, túi thư  bầu diệu (bầu đàn thư kiếm); các khung câu đối khắc trực tiếp trên cột, các cột quân tiền hậu đều có câu đối.

 

Các vỉ đá là những tảng đá lớn, kết cấu hình tam giác, để dàn đều trọng lượng vỉ và tạo vẻ đẹp. Phía trên vỉ có chạm khắc hình hổ phù, hai bên là những hình mây cuộn. Ðặc biệt là cửa võng nối với hậu cung thuộc gian chính cung rất sống động kiểu chân quỳ dạ cá, trạm hổ phù, sư tử chầu cửa thánh, nét trạm mềm mại, tinh tế như vẽ trên vải lụa. Hiện nay trong đình ngoài những câu đối, đại tự cổ được khắc trên cột cái và cột quân của đình, thì trong đình còn nhiều đồ tế khí cổ thời Nguyễn còn được bảo lưu như: long đình, ngai thờ, bài vị, cỗ hậu bành, đòn bát cống, bộ bát bửu...

 

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì quá trình xây dựng ngôi đình rất gian nan, vất vả và công phu. Toàn bộ đá cũng như vật liệu để xây dựng ngôi đình đều được đặt mua từ  Ninh Bình và vận chuyển về địa phương bằng đường sông. Khi xây dựng đình, các chức sắc trong làng huy động nhân dân vận chuyển bằng  ròng rọc, con lăn (một ngày vận chuyển được 2 cột). Sau khi tập kết xong vật liệu, thợ đá tiến hành chạm trổ, trau chuốt, tô vẽ, làm mộng. Khi dựng hệ thống cột trong đình dân làng dùng dây chão kéo lăn cột vào nền đình, xoay ngang cột tới chân tảng, giữa cột và chân tảng có ngõng sâu 20 cm. Khi cột được dựng kéo đứng trên chân tảng, người ta dựng 2 vỉ giữa trước, chủ yếu là dùng kỹ thuật thủ công, dùng ròng rọc, bắc giáo, quay tay. Sau khi cột đã yên vị, tiếp tục đưa các vỉ lắp vào các ngõng của xà. Sau hai năm làm việc miệt mài, cần mẫn ngôi đình đá mới hoàn thành vào năm 1945.

Vũ Viết Tuân - Vương Nguyễn  

(Sinh viên thực tập)

 

  • Từ khóa