Chủ nhật, 28/07/2024, 19:34[GMT+7]

KỲ BỐ - TRƯỜNG YÊN NHỚ THỦA " ÂN DUNG, ĐÃI SĨ"

Thứ 5, 26/08/2010 | 15:52:31
5,090 lượt xem
Sử cũ còn bàn, Đinh Bộ Lĩnh đại thắng không chỉ do có chí khí lớn, vận hội lớn mà một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là ông sớm chọn sứ quân Trần Lãm cùng vùng đất Kỳ Bố Hải Khẩu để nương thân và nhen nhóm xây dựng lực lượng. Một căn cứ địa vững chắc đủ mạnh về quân lương giúp người anh hùng thực hiện ước vọng lớn lao thống nhất giang sơn.

Đền Vua Lê (Ninh Bình), một điểm nhấn quan trọng của Kinh đô Hoa Lư. Ảnh: Quang Viện

Ngược dòng thời gian hơn một ngàn năm về trước, mảnh đất "ven bờ cuối bãi" ( Thái Bình nay) dưới triều Ngô Vương ( 938 - 944) có tên gọi Châu Đằng. Một vùng bờ bãi trù mật, lau lách rậm rạp, sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, sử cũ chép rằng "đẩy chiếc thuyền nan từ chỗ nọ đến chỗ kia không biết đường nào mà tìm" vậy mà bỗng dưng xuất hiện một cửa biển trọng yếu để bậc Vương Triều ngỡ ngàng gọi là Kỳ Bố Hải Khẩu. Trần Lãm, một tướng quân tài giỏi của triều đình lúc đó sớm nhận ra giá trị " độc nhất vô song" của vùng Kỳ Bố, nhanh chóng chọn vùng đất trù mật này gây dựng thế lực, xưng Minh Công hào kiệt. Sau đó, triều Ngô suy tàn, không còn minh chủ, vận nước nguy nan, các thế lực địa phương nổi lên tranh giành đất đai gây loạn " thập nhị sứ quân". Đinh Bộ Lĩnh nhờ nương tựa Trần Minh Công mà dẹp yên nội loạn, thu giang sơn về một mối.

Kinh đô xưa.

Ảnh: Quang Viện

 

Sách " Việt sử thông giám cương mục" chép rằng: " Bộ Lĩnh người Hoa Lư từ bé đã có chí khí lớn. Bấy giờ trong nước rối loạn, Bộ Lĩnh cùng với con là Đinh Liễn rời bỏ Hoa Lư, tìm đường sang vùng Kỳ Bố Hải Khẩu đi theo sứ quân Trần Lãm. Trần Lãm thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô khác thường và có độ lượng nên giao cho binh quyền. Sau khi Minh Công mất, Bộ Lĩnh thống lĩnh các quân, về giữ Hoa Lư...". Tương truyền năm Tân Hợi (951) đời hậu Ngô Vương, Nam Tấn Vương, cùng Thiên Sách Vương đem quân đến đánh nhưng cả hai đều đại bại phải rút quân về. Ðến khi nhà Ngô mất, Ðinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Ðỗ Ðộng của Nguyễn Cảnh Thạc.

 

Từ đó, Ðinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương, chỉ trong một năm, Ðinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân, lập thành nghiệp đế. Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng Ðế đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ðinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Ðinh Quốc Công, Lê Hoàn là Thập Ðạo Tướng Quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con trai Ðinh Liễn là Nam Việt Vương. Tướng tài phải tìm đất dụng võ, Châu Đằng nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các thế lực cát cứ. Cư dân từ vùng núi phía bắc cùng luồng dân di cư dân ở rừng núi phía nam hiểm trở tụ hội về đây tìm đất mưu sinh đã tạo nên một quần cư cạnh tranh sinh tồn dữ dội.

Vẫn như có bóng dáng người xưa.

Ảnh: Quang Viện

 

Đồng thời đất đai được các sông lớn bồi đắp phù sa đã tạo nên một vùng canh tác màu mỡ, sản vật dồi dào khiến nhiều bậc hào kiệt cũng muốn xưng hùng, độc chiếm nơi đây nhưng duy nhất chỉ có Trần Lãm vùng vẫy xưng hùng một phương. Bởi lẽ, theo sử cũ ghi lại thì thân phụ Trần Lãm húy gọi là Trần Đức vốn là một hào trưởng giàu có được nhiều người nể trọng. Bản thân Trần Lãm cũng là một tướng quân dưới trướng Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền. Tuy vậy, anh hùng tìm đất dung thân mưu việc lớn đã không nhầm khi chọn Kỳ Bố Hải Khẩu, nơi có long chìm, long nổi  tụ khí thì ắt lên việc lớn. Được sở hữu một vùng đất đông cư dân "ngang đầu, cứng cổ" nhưng Trần Lãm không tự bằng lòng, vẫn ra sức chiêu tập thêm dân, khai hoang mở cõi xây dựng lực lượng hùng hậu. Căn cứ vào thần phả ở đình làng Kỳ Bá ghi: " Trần Lãm đã xuất tiền vàng để mua ruộng đất" ban phát cho dân với mục đích thu hút thêm nhiều người đến mở mang sinh sống.

 

Chẳng bao lâu " gia tư tích lũy có tới hàng vạn, dưới trướng có tới mấy nghìn người vào ra" đủ sức chiêu mộ binh sĩ, tích trữ lương thảo và dựng thành đắp lũy. Thành Kỳ Bố của Trần Minh Công ( tên xưng cát cứ của Trần Lãm) được xây dựng thành một "đạo", sau này dời chuyển mở rộng, chỗ thành cũ lập thành làng Kỳ Bố. Lịch sử ghi rằng khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thế lực cát cứ mười phương đồng loạt nổi dậy, Trần Lãm trở thành một trong những sứ quân hùng mạnh nhất thời ấy cát cứ vùng Kỳ Bố Hải Khẩu. Nương nhờ thế lực của Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh đã biết dụng binh, liền trở về vùng rừng núi Hoa Lư củng cố sức mạnh, gây thanh thế và dần dẹp yên, thu phục các thế lực địa phương, bình ổn cuộc nội chiến tương tàn. Ấy cũng là cơ duyên của Bộ Lĩnh, bởi "thủ lĩnh cờ lau" đã có một thời đằm mình trong vận khí đất trời vùng Kỳ Bố, được Trần Lãm truyền dạy cho những chiêu dụ binh, vạch kế sách bình trị thiên hạ ngay trên mảnh đất " cuối bãi ven bờ" dâu xanh, mật ngọt.

 

Theo kinh sử ghi lại thì: " Khi Minh Công mất, Bộ Lĩnh sẵn quân cơ giữ luôn Hoa Lư, chiêu mộ thu dung hào kiệt, thủ hiểm một nơi. Hai vua Nam Tấn và Thiên Sách nhà Ngô đánh mãi không được, kịp khi Ngô Vương Quyền mất, Bộ Lĩnh hàng phục được Phạm Phong Át, phá được Đỗ Động, hạ thành, đánh ấp, dẹp đến đâu yên đến đấy". Tướng hùng lại có hậu phương Kỳ Bố cung cấp quân lương hào phóng đã thành nghiệp đế. Thế mới hay, Kỳ Bố Hải Khẩu vùng đất hoang sơ đầy hoa thơm quả ngọt đã thực sự đóng vai trò trọng yếu trong các cuộc binh đao khói lửa dẹp tan đạo tặc, giữ yên bờ cõi. Sử cũ nhắc lại: năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế đóng đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, ông không quên tháng ngày đáo giang tá túc vùng Kỳ Bố cùng cha nuôi Trần Lãm, bèn chia nước thành 10 đạo, mỗi đạo lại chia thành quận, huyện, xã tương đương với các đơn vị quân sự.

Đình Bo, nay thuộc Phường Kỳ Bá (Thành phố Thái Bình) nơi nuôi dưỡng ý chí anh hùng của Đinh bộ Lĩnh.

Ảnh: Quang Viện

 

Kỳ Bố Hải Khẩu chính thức được chia là một đạo. Năm 971, tại Kỳ Bố, Ngô Văn Kháng - một binh tướng cũ dưới triều Ngô Vương nổi lên chống lại triều đình nhà Đinh. Sử ghi rằng: Ngô Văn Kháng là con trai Ngô Văn Chấn vốn là trướng hạ của Trần Minh Công. Cũng dựa vào Minh Công mà binh thế của Ngô Văn Kháng rất mạnh, nhiều lần quan quân triều Đinh đến nghênh chiến đều bị thất bại thảm hại. Lúc đó, trong triều xuất hiện một tướng quân tài giỏi có tên Bùi Quang Dũng, đã được phong Anh Dực tướng quân, ngay lập tức được Đinh Tiên Hoàng xung chức Điện Tiền đô chỉ huy sứ tin cẩn giao cho cầm quân dẹp loạn. Bùi Quang Dũng vốn quê Phong Châu giỏi binh lược, là người nhân đức nặng lòng thương dân.

 

Đem quân đến vùng Kỳ Bố, Điện tiền đô chỉ huy sứ không vội giao chiến mà cho quân sĩ nghỉ ngơi ở Lương Lai ( nay là xã Phú Xuân - Tp Thái Bình) sau khi bí mật dò la tin tức mới hay Ngô Văn Kháng nặng lòng chúa cũ và bất bình với triều Đinh nên nổi loạn. Ông đã bình tĩnh cho người tới thuyết phục Ngô Văn, một mặt đứng ra tổ chức lễ yết bái tướng quân Trần Lãm ở đền thờ ông tại Kỳ Bố. Thấy nghĩa tình lớn lao, sâu nặng của Điện Tiền Đô chỉ huy sứ với tướng công, Ngô Văn Kháng cảm phục xin hàng. Dẹp yên Kháng, Bùi Quang Dũng được vua Đinh hết lời khen ngợi và phong chức " Trấn đông Tiết độ sứ" trị sở đóng tại Kỳ Bố kiêm thống lý ba đạo. Ông tổ chức cho dân chúng không ngừng lao động khẩn hoang, lập làng ấp, phục hồi phong tục, lễ nghi.

 

Các cánh đồng ( tên gọi cổ là Hương Bài, Lương Lai, Nhân Khê của trang Trí Lai, trại Linh Sa thuộc hai xã Tiền Phong và Phú Xuân - Thành phố Thái Bình nay) được khai khẩn và nhập làm một có tên gọi là ấp Hàm Châu. Vùng đất trù mật này nhà Đinh phong cho Trấn Đông tiết độ sứ Bùi Quang Dũng hưởng lộc. Trong "Bùi gia lịch thế sự trạng" ghi: " Đại phàm những đồng đất cụ khai khẩn được, các nơi hoang phí miền đông đạo chiêu dân đến ở là 5 nơi đều gọi là Bùi Xá. Đương thời ấy, người bản ấp, bản hương với các dân thông đông đạo đều được ân nhờ công trạch, cảm phục đức hóa cả".

 

Thủa sơ khai, dưới bàn tay và sức lao động của tướng công Trần Lãm cùng dân chúng vùng Kỳ Bố, đã bắt đất đai hoang vu, lau lách um tùm, thú dữ, thuồng luồng, rắn rết ngập tràn gây họa tác oai, tác quái... phải cúi đầu khuất phục. Đất tỏa hương thơm, dâng hiến quả ngọt, giúp Minh Công tích trữ lương thảo thành hào kiệt. Vùng trời phóng khoáng nơi đây tạo cho Bộ Lĩnh cơ hội thành đế vương. Với lịch sử, họ là những người tiên phong khai khẩn vùng đất trọng yếu cho công cuộc dẹp yên các thế lực nổi dậy, cát cứ mười phương, thống nhất giang sơn.

 

Với dân chúng họ là những bậc hào kiệt hào phóng, thương dân, là thủ lĩnh "nhất hô, bá ứng". Và, lịch sử không quên  Trấn Đông tiết độ sứ Bùi Quang Dũng, một đại quan triều đình, là người kế thừa và phát huy tiềm năng, thế mạnh của con người và vùng đất trù mật này trong việc giữ gìn, xây dựng và phát triển sự nghiệp dựng nước, giữ nước mà bao đời ông cha ta đổ xương máu gây dựng. Từ Kỳ Bố - Hải Khẩu đến Trường Yên - kinh đô Hoa Lư thủa trước, là cái nối dài lịch sử của một vùng địa linh nhân kiệt và cũng là "nỗi nhớ" để đời về nghĩa tình nặng sâu giữa đất và người ở nơi được các bậc Vương triều sắc phong " ân dung, đãi sĩ", tương tự như câu đối trong đình Kỳ Bố thờ Thành Hoàng, tướng công Trần Lãm: "Thái Bình vô địa, Kỳ Bố hữu thiên".

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

  • Từ khóa