Thứ 5, 23/05/2024, 09:48[GMT+7]

Nghệ thuật thứ 7: Ai còn gắn bó?

Thứ 6, 21/12/2012 | 15:07:15
2,899 lượt xem
Rạp chiếu phim của Thành phố Thái Bình mang tên gọi Thống Nhất từng biểu thị khát vọng của cả một thế hệ, cả dân tộc khi đất nước bị chia cắt 2 miền, là công trình rất cần được quan tâm đầu tư, hiện đại hóa. Ðó là sự đầu tư thiết chế văn hóa cần thiết để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực nâng tầm vóc của Thành phố trẻ trở thành đô thị loại 2.

Ðiều thú vị, hào hứng của con gái tôi, mỗi khi được nghỉ học lên Hà Nội chơi, đó là được xem phim ở rạp MegaStar Cineplex. Mở Internet, con gái chỉ cho tôi sự hoành tráng, hiện đại của MegaStar Cineplex để khẳng định 300.000 đồng một vé xem phim không hề “ném tiền qua cửa sổ”.

Thế hệ chúng tôi lạc hậu với hệ thống phòng chiếu phim lớn, hiện đại và đẳng cấp như MegaStar Cineplex, đã có mặt tại các thành phố lớn từ năm 2005 là điều dễ hiểu, song ngay tại Thành phố Thái Bình, mặc dù giá vé xem phim chỉ 30 ngàn đồng nhưng hầu như mọi người đều rất thờ ơ, nhiều năm không đi xem phim ở rạp Thống Nhất. Có lẽ nhiều bạn trẻ cũng không biết, rạp chiếu phim Thống Nhất nhiều hơn tuổi của chúng, hơn 40 năm qua (1960 - 2012), đã hiện diện ở trung tâm Thị xã, rồi Thành phố Thái Bình. Có người bảo rằng: rạp nhộn nhịp và sống được là nhờ cho thuê dãy hàng vải, quầy vé máy bay, quầy quần áo thời trang chứ những hàng ghế bên trong đã phủ bụi, rạp ngắc ngoải từ lâu, chẳng khác hồn Trương Ba, da hàng thịt...

Tôi giải tỏa sự hoài nghi đó bằng đôi vé xem bộ phim Mật lệnh cuối cùng. Ðúng 8 giờ, máy chiếu khởi động mặc dù trong rạp thêm 2 chúng tôi là chẵn 6 người, sở hữu 350 chỗ ngồi. Ðến cuối buổi thêm 2 người nữa. Tuy nhiên, 3 đôi nam nữ kia quan tâm đến màn ảnh thì ít mà mượn địa điểm an toàn, ấm cúng này để tình tứ thì nhiều. Anh đội phó rạp Thống Nhất cho tôi biết: Dù có 5,6 khách rạp vẫn phục vụ bình thường. Nếu khách hàng là sinh viên, giá vé vào cửa giảm 50%, chỉ còn 15 ngàn đồng. Ðông khách nhất là mỗi dịp lễ tết, sinh viên các trường về nghỉ, rạp cũng bán được vài chục vé. Anh bảo: So với những tỉnh bạn, rạp của tỉnh mình, ghế ngồi không đẹp, không có hệ thống điều hòa nhiệt độ, đa số chiếu phim cũ, chiếu sau các thành phố lớn, đến vài tháng, thậm chí 1- 2 năm phim mới về đến tỉnh do không có kinh phí mua, còn thuê thì giá cao.

Trả lời câu hỏi: Vậy các anh sống thế nào? Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Phạm Xuân Chuyển cười, bảo:

- Chiều nay, chúng tôi chiếu phim Mùi cỏ cháy phục vụ trường dạy nghề cho người khuyết tật bên Ðông Hòa, mời chị sang bên đó gặp gỡ “quân” của tôi.

Tiếp chuyện tôi, anh Nguyễn Ðình Sửu, đội trưởng đội chiếu phim lưu động, cho biết: Những buổi chiếu phim lưu động thường thu hút người đến xem đông, chật kín hội trường. Ưu thế nghiêng về phía đội chiếu phim lưu động bởi đội hoạt động trên tinh thần phục vụ nhiệm vụ chính trị là chính, phục vụ món ăn tinh thần cán bộ, nhân dân cần. Ðược Ban Tuyên giáo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ, Trung tâm cử cán bộ liên hệ với các sở, trường học, công đoàn viên chức tỉnh và các huyện, Thành phố nắm bắt nhu cầu chiếu những phim được ưa chuộng. Dòng phim về Bác Hồ như: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải, phim về đề tài chiến tranh như Mùi cỏ cháy, Cánh đồng hoang, Ðường thư, Bản luận văn nộp chậm, phim về đề tài xây dựng nông thôn mới như phim video Khi dân vào cuộc của Ðài PTTH tỉnh, phim tài liệu Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới...

30 năm gắn bó với nghề chiếu phim, nếm trải bao thăng trầm, anh Sửu cho rằng: Ðời sống người dân không ngừng nâng cao, điện sáng về từng nhà, theo đó là các phương tiện nghe nhìn phát triển nên lượng khách đi xem phim giảm mạnh. Tuy thời hoàng kim của điện ảnh đã qua nhưng không phải ai cũng quay lưng với điện ảnh mà vẫn có những bộ phim mấy ngàn người đến xem. Ðó là ngày 27/11/2012, đội lưu động chiếu phim Nhà Trần và Thái sư Trần Thủ Ðộ tại sân đền Trần, xã Tiến Ðức (Hưng Hà). Cuốn phim Những giờ phút cuối cùng của Hồ Chủ Tịch, các anh đã đi chiếu nhiều nơi trong tỉnh, lần nào cũng có rất nhiều cụ già, em nhỏ khóc. Tan buổi chiếu, có cụ đến bắt tay các anh rất chặt: “Cảm ơn các chú, nếu không đem phim về chiếu, đến khi chết tôi cũng không được biết những giờ phút Bác ra đi, thật là nghẹn ngào, xúc động vô cùng”.  Sau 4 năm đội lưu động đem phim vào chiếu trong các trường học, ban giám hiệu, đoàn thanh niên các trường: Ðại học Y, Ðại học Thái Bình, Trường THPT Nguyễn Ðức Cảnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên... đều khẳng định hiệu quả rất lớn của các bộ phim về Bác Hồ, phim Ðừng đốt dựng từ cuốn Nhật ký Ðặng Thùy Trâm... tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức của thế hệ trẻ, nhất là giáo dục truyền thống lịch sử và phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bữa cơm tối của những người đi chiếu lưu động hiếm khi sớm hơn 12 giờ đêm, mức phụ cấp lưu động chiếu phim nhựa 30.000đồng/người, phim video 15.000 đồng/người. Ðể đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ kế cận, Trung tâm tổ chức lớp đào tạo trong suốt 4 tháng theo lối truyền nghề, lớp già truyền kinh nghiệm, thao tác kỹ thuật, sửa chữa máy chiếu cho lớp trẻ.

Văn học, nhạc họa, kiến trúc, điêu khắc, kịch và điện ảnh là sự sáng tạo, thăng hoa của loài người, là món ăn tinh thần không thể thiếu. Rạp chiếu phim của Thành phố Thái Bình mang tên gọi Thống Nhất từng biểu thị khát vọng của cả một thế hệ, cả dân tộc khi đất nước bị chia cắt 2 miền, là công trình rất cần được quan tâm đầu tư, hiện đại hóa. Ðó là sự đầu tư thiết chế văn hóa cần thiết để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực nâng tầm vóc của Thành phố trẻ trở thành đô thị loại 2.

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa