Thứ 7, 18/05/2024, 14:34[GMT+7]

2012 - năm được mùa di tích, di sản

Thứ 2, 31/12/2012 | 18:26:38
1,047 lượt xem
Có thể nói năm 2012 là một năm được mùa Di tích quốc gia với tổng số 34 di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng. Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương sở hữu 04 di tích quốc gia đặc biệt, tiếp đó là các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam và An Giang đều có ít nhất 02 di tích quốc gia đặc biệt.

Khu du lịch Tràng An - Ninh Bình một trong những địa danh được tôn vinh.

Tự hào đất nước ngàn năm văn hiến

Tại nhiều địa phương trong cả nước, năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ký quyết định xếp hạng cho nhiều Di tích quốc gia đặc biệt.

Đợt I và II bao gồm: An toàn  khu Định Hóa, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Cố đô Hoa Lư, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Côn Đảo, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Pác Bó, Quần thể kiến trúc Cố đô Huế, Tân Trào, Thành nhà Hồ, Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Đợt III gồm: Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh, Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, Di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo- Ba Thê, Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp, Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa, Danh lam thắng cảnh Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Có thể một di tích nào đấy vừa là danh lam thắng cảnh, vừa là di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích khảo cổ. Việc phân loại các di tích thành từng nhóm phải tuân thủ các tiêu chí khoa học chặt chẽ của UNESCO, trước hết để tránh nhầm lẫn, nhất là trong khi khai thác du lịch góp phần quảng bá truyền thống văn hóa- lịch sử của quốc gia, cũng như của từng địa phương, đồng thời góp phần bảo trì, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản.  Theo đó, nước ta hiện nay có 4 di tích danh lam thắng cảnh gồm Vịnh Hạ Long, Hồ Ba Bể, Vườn quốc gia Cát Tiên và Quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Đông; 1 di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật: Óc Eo- Ba Thê; 2 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Yên Tử; 2 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ: Thành Nhà Hồ và Cổ Loa; 2 di tích lịch sử và khảo cổ: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và di tích Gò Tháp; 3 di tích kiến trúc nghệ thuật: Chùa Keo, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; 6 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật: Cố đô Hoa Lư, Quần thể kiến trúc Cố đô Huế; Côn Sơn - Kiếp Bạc; Đền Trần - Chùa Phổ Minh; Lam Kinh và Văn Miếu - Quốc Tử. Giám 14 di tích còn lại là các di tích lịch sử đơn thuần.

Mặt khác phân loại di sản còn để tìm ra phương án tối ưu nhất trong quá trình tu bổ, trùng tu tránh gây tổn hại không đáng có đối với di sản. Luật Di sản Văn hóa cũng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001 theo Nghị quyết Số: 28/2001/QH10 do Chủ tịch Nguyễn Văn An ký, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Trong quá trình thực thi, một số điều khoản của Luật này không còn phù hợp và có những vấn đề mới phát sinh do thực tiễn đời sống đặt ra, đến năm 2009 Luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII và thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009, do Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ký. 

Theo quy định, quyền quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thuộc Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đồng thời cũng là người quyết định việc đề nghị Tổ chức Giáo dục- Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem xét đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục di sản thế giới.  

Còn đó những vấn đề “hậu di sản, di tích”

Theo quy định của UNESCO, một di sản nào đấy đã được xếp hạng thế giới, nhưng nếu trong quá trình bảo tồn, trùng tu không tuân thủ các công ước quốc tế về di sản thì có thể bị tước danh hiệu. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với các quốc gia và các địa phương có di sản thế giới. Nếu một di sản nào đấy bị tước danh hiệu, thì cơ hội nhận lại được danh hiệu là vô cùng hiếm hoi. Bị tước danh hiệu di sản đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội để quảng bá truyền thống văn hóa- lịch sử của quốc gia, địa phương mình trong mắt du khách và bạn bè quốc tế. Mặt khác di sản bị tước danh hiệu cũng làm giảm đi nguồn thu đáng kể từ khách du lịch, các đoàn thám hiểm, các nhà khoa học đến nghiên cứu,...để bù đắp cho nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo. Trong trường hợp này, nguy cơ một di sản, di tích biến thành một phế tích là điều khó tránh khỏi.

Chẳng hạn như trong ngày họp thứ tư tại thành phố Seville, miền Nam Tây Ban Nha, ngày 25/6/2009, UNESCO đã đưa ra Quyết định tước danh hiệu Di sản thế giới đối với Thung lũng Elbe của Đức. Bởi việc xây dựng cây cầu sẽ gây tác động nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của di sản, khiến Thung lũng Elbe không còn đủ tiêu chuẩn để trở thành di sản thế giới.

Thung lũng Elbe được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2004, là một trong hai cảnh quan văn hóa nổi tiếng dọc sông Elbe ở Trung Âu với các vẻ đẹp phong phú tự nhiên. Thung lũng dài 20 km, bao gồm quần thể các cung điện, nhà thờ, nhà hát kiến trúc Barok ở trung tâm thành phố Dresden. Mặc dù năm 2006, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã đặt di sản này vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa, đồng thời cảnh báo sẽ đưa thung lũng này khỏi Danh sách di sản thế giới nếu kế hoạch xây cầu của chính quyền thành phố Dresden tiếp tục được thực hiện.

Mỗi di sản thường bao gồm hai phần, tạm gọi là “phần xác” và “phần hồn”. Phần xác hiện hữu như là các cấu kiện đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm, cồng chiêng, trống, phách, đàn nhị, sáo, quần áo, những cảnh quan thiên nhiên, hang động,... Còn phần hồn chính là “cái cách” mà thiên nhiên và các bậc tiền nhân đã “thổi hồn” vào những vật thể đó làm cho nó không chỉ sống động, mà còn trở thành “vật biết nói” theo một cách riêng nào đấy khiến nó trường tồn, bất tử. Đã là di sản chắc chắn sẽ là cái đơn lẻ, duy nhất, là “cái này” chứ không bao giờ là “cái khác”. Giá trị của di sản chính là tính độc đáo, độc nhất vô nhị, xét về khía cạnh văn hóa. Cũng cần nhận thức thấu đáo rằng di sản có giá trị trường tồn, nhưng lại không phải là cái bất biến, nếu như con người không còn trân trọng và không biết cách ứng xử với nó trong quá trình trùng tu, bảo tồn và khai thác, thì di sản hoàn toàn có thể bị loại ra khỏi danh sách của UNESCO.

Như vậy có thể thấy, càng có nhiều di tích quốc gia đặc biệt và di sản  thế giới bao nhiêu, mỗi người dân đất Việt Nam chúng ta càng cảm thấy rất tự hào là đã được sinh ra, lớn lên và sống trong một đất nước giàu truyền thống văn hóa và lịch sử do cho ông ta để lại. Những di sản, di tích ấy đã, đang và sẽ thôi thúc mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đem hết sức mình ra cống hiến, dựng xây non sông Việt Nam ta ngày càng tươi đẹp hơn. Đấy chính là cách bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của các di sản, di tích.

Nhưng mặt khác, càng có nhiều di sản, di tích bao nhiêu thì trách nhiệm của mỗi chúng ta càng nặng nề và lớn lao bấy nhiêu. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích theo đúng cách và hiệu quả chính là quà tặng vô giá của tiền nhân và thế hệ hôm nay đối với các thế hệ tương lai của dân tộc.

Theo giaoduc&thoidai

  • Từ khóa