Kỷ niệm Quốc khánh 2 - 9 ĐÂU RỒI DÁNG LỤA
Trong tài liệu lưu trữ của "Cục lưu trữ Nhà nước" mà hồ sơ số R.7579 có tập tài liệu phân loại các nghề thủ công miền đồng bằng Bắc bộ, trong đó địa danh Thái Bình chỉ nhắc đến một vài lần bởi có liên quan đến nghề thủ công làm đồ trang sức (Làng Thượng Gia, Tạ Phú, Thượng Hòa - nay là Thượng Hiền huyện Kiến Xương) và nghề đan lưới đánh cá (làng Vân Đồn huyện Thụy Anh - nay là Thái Thụy), đặc biệt đáng chú ý là nghề dệt lụa ở làng Bộ La thuộc huyện Kiến Xương và dệt vải ở Vũ Tiên...Do vậy, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca:
"Dù ai chọn lượt, kén là
Không bằng mua lụa Bộ La về dùng"
(Bộ La là một làng thuộc huyện Vũ Tiên)
Rõ ràng, lụa, là...do người dân Thái Bình dệt ra có tiếng khắp nơi: "Lụa Bộ La, là Sóc, đũi Ngọc Đường" là những địa danh gắn liền với nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ngay từ thời mà "nhất ăn, nhì mặc..." cho đến tận bây giờ. Đầu thế kỷ XIX, nghề dệt lụa ở tỉnh nhà được ghi chép: "Ở Vũ Tiên đàn bà con gái các làng phần nhiều làm nghề dệt vài tơ lụa. Ở Thụy Anh, xã An Chỉ giỏi dệt vải mịn. Huyện Thanh Quan hàng năm dệt vải bán ra nhiều hơn các huyện khác: cụ thể có 6 thôn làm nghề dệt vải.
Ngày nay, máy dệt đã thay thế dần khung dệt bằng tay, trên thực tế, lụa được dệt bằng tay vẫn có vẻ óng mượt hơn nhiều.
Ảnh: Quang Viện
Huyện Thần Khê ở Nguyên Xá, đàn bà con gái có nghề dệt vải lụa". Thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất đầu thế kỷ XX trên địa bàn tỉnh, nhà lúc đó tổng số thợ thủ công dệt vải là 11.600 người với 2.250 cơ sở dệt trong 797 xã, chiếm 1/5 tổng số dệt toàn Bắc bộ. Nghề dệt tơ lụa thời điểm lúc ấy ở Bắc bộ có 7.500 thợ thì riêng tỉnh nhà có 750 nghệ nhân ở 5 huyện: Kiến Xương, Hưng Nhân, Thụy Anh, Tiên Hưng và Vũ Tiên, trung bình mỗi làng dệt tơ lụa có khoảng từ 30 - 40 nghệ nhân.
Theo các tài liệu sưu tầm được thì tơ lụa của các làng nghề tỉnh nhà lúc đó dệt ra có kích cỡ hẹp khoảng 15 - 20cm, chủ yếu dùng để may quần áo, làm thắt lưng, may yếm phụ nữ. Thời điểm những năm 1930 - 1931, giá một mảnh vải đũi dài 1,68m, rộng 0,14 mét có giá 0,20 đồng. Tìm trong vốn cổ, người Việt Nam nói chung và người Thái Bình nói riêng từ "thuở xa lắc, xa lơ" đến bây giờ vẫn lưu truyền câu: “Người đẹp vì lụa…”, bởi lụa vốn là một sản phẩm văn hóa bản địa của người Việt. Lụa đã đi vào ca dao Việt Nam:
"Lụa này là lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng".
Tương truyền, Bà tổ nghề dệt lụa là Thiều Hoa Công chúa, con gái Vua Hùng thứ 6. Ngay từ thuở đầu dựng nước, nghề dêt lụa đã được trọng dụng gắn với truyền thuyết về một nàng công chúa xinh đẹp con gái Vua Hùng, một trong những vị tổ nghề quan trọng đặt nền tảng cho giá trị văn hoá "vật thể và phi vật thể" có sức sống lâu bền đến nay. Tương truyền, "Thiều Hoa công chúa là người hiền lành, xinh đẹp nhưng lại không chịu lấy chồng. Nàng từ chối ý định gả chồng của vua cha và sang sống ở trang trại khác.
Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa". Cũng theo truyền thuyết, sau khi lấy được bí quyết của sâu bướm, Thiều Hoa Công chúa đem truyền dạy cho mọi người nông dân trồng dâu, lấy lá dâu nuôi sâu (tằm) và biết cách kéo thành sợi và dệt thành lụa.
Tấm lụa đầu tiên, thành quả lao động của chính nàng, Thiều Hoa Công chúa đem tặng Vua cha. Vua Hùng khen ngợi con gái yêu và truyền cho dân chúng làm theo, rồi từ đó xuất hiện nghề mới: dệt lụa. Lụa tơ tằm Việt Nam nói chung và lụa do các nghệ nhân trong các làng nghề ở tỉnh ta sản xuất ra từ lâu đã "có tiếng" trong trong nước và quốc tế. Sản phẩm thủ công kết hợp tự nhiên và sức người này không chỉ đưa lại giá trị kinh tế cao cho quốc gia, dòng họ và gia đình. Nhiều làng quê Thái Bình có nghề dệt lụa không những "dư dả" trong cuộc sống mà lụa còn là một nét đặc sắc riêng có của vùng quê ấy gắn với bao huyền tích, huyền thoại về truyền thống của ngôi làng.
Lịch sử ghi nhận về lụa như sau: "Lụa là một loại vải mịn, mỏng được dệt bằng tơ. Loại lụa tốt nhất được dệt từ tơ tằm. Người ta nuôi tằm lấy tơ xe sợi dệt thành lụa. Lụa đã từng là thứ đắt tiền chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Do có cấu trúc dạng lăng kính tam giác, lụa phản chiếu ánh sáng chiếu vào nó với nhiều góc độ khác nhau tạo nên vẻ óng ánh đặc trưng.
Tơ "tự nhiên" được tạo ra bởi một loài sâu bướm chứ không phải tằm dâu. Nó được gọi là "tự nhiên" vì người ta không thể nuôi loài sâu bướm này như tằm dâu được. Từ rất xa xưa, nhiều loại lụa tự nhiên đã được dùng ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu mặc dù họ không có nhiều lụa được dệt bằng chất liệu tơ do con tằm ăn lá dâu ở các làng quê của Thái Bình.
Sự phân biệt đôi khi cũng chỉ là tương đối, ta có thể nhận thấy, ngoài sự khác nhau về màu sắc và kết cấu, lụa tự nhiên còn có một đặc điểm riêng biệt trong quy trình tạo lên tấm lụa là: "bướm nở ra trước có thể làm hỏng các kén khác nên những sợi tơ dài tạo nên các kén đó sẽ bị đứt ra thành nhiều sợi ngắn hơn. Khi nuôi tằm ăn lá dâu, người ta lấy nhộng tằm khi chúng chuẩn bị nở thành bướm, rồi nhúng các nhộng vào nước sôi trước khi bướm hình thành hoặc xâu từng con một bằng kim nên cả kén còn nguyên sẽ được tháo ra thành một sơi dài liên tục, gọi là lụa tự nhiên. Cũng do đặc trưng này, mà những tấm lụa loại này sẽ đẹp, bền và chắc hơn, đồng thời cũng khó nhuộm màu hơn.
Mở rộng tầm nhìn ra một chút, chúng ta nhận thấy nghề dệt lụa xuất hiện ở Trung Quốc khá lâu đời, có thể từ khoảng năm 6000 TCN nhưng chắc chắn hơn theo các tài liệu và thư tịch cổ cho thấy vào khoảng năm 3000 TCN. Ban đầu, chỉ có các vị vua Trung Hoa mới được dùng, hoặc vua có thể ban tặng cho người khác; tuy nhiên sau đó thì lụa dần dần được các tầng lớp nhân dân ở Trung Quốc tin dùng rồi lan ra đến các vùng khác của châu Á. Lụa nhanh chóng trở thành một thứ hàng cao cấp ở những nơi mà thương nhânngười Hoa đặt chân tới, bởi nó bền và có vẻ đẹp óng ánh. Nhu cầu về lụa thì nhiều và nó trở thành một ngành thương nghiệp xuyên quốc gia.
Tháng 7 năm 2007, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những mẫu vải lụa được dệt và nhuộm một cách tinh xảo trong một ngôi mộ ở tỉnh Giang Tây có từ đời nhà Đông Chu, cách đây khoảng 2500 năm. Bằng chứng đầu tiên về việc mua bán tơ lụa là việc phát hiện sợi tơ trong tóc của một xác ướp Ai Cập. Lụa đã được đưa tới tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu và Bắc Phi thông qua con đường tơ lụa nổi tiếng. Các vị vua Trung Hoa đã cố gắng giữ bí mật nghề nuôi tằm nhằm giữ thế độc quyền của người Trung Hoa. Tuy nhiên người Triều Tiên đã học được nghề này vào khoảng năm 200 T.C.N, sau đó là người Khotan cổ vào khoảng nửa đầu thế kỷ I (T.C.N) và người Ấn Độ khoảng năm 300 T.C.N và ở Việt Nam như trong tương truyền về Thiều Hoa Công chúa.
Nơi tỉnh lẻ Thái Bình trong tài liệu lưu trữ của Pasquier (Pháp) về vấn đề "Nông dân ở các tỉnh Bắc bộ" cho thấy: "đầu thế kỷ XX, Thái Bình hàng năm có khoảng 500 mẫu để trồng dâu, những huyện Thư Trì và Vũ Tiên trồng nhiều dâu nhất. Dâu mỗi năm thu hái 4 lần. Đến năm 1941, diện tích trồng dâu ở Thái Bình tăng lên 900 ha, thu hoạch trung bình là 606 tấn/năm". Cũng theo các tài liệu còn lưu trữ được, thời thuộc Pháp, nhiều học giả kinh tế nước ngoài đã đến Thái Bình nghiên cứu cách thức trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa ở: Đông Nhuế, Động Trung, Niềm Hạ thuộc huyện Kiến Xương ngày nay và Cổ Khúc thuộc huyện Đông Hưng.
Thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ XXI, tin vui từ các làng nghề ở Thái Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 219 làng nghề được công nhận đạt chuẩn, tăng 46 làng nghề so với 5 năm trước (2005), giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho 175 nghìn lao động; một số nghề được đầu tư máy móc thiết bị đã nâng cao được chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường...Tuy nhiên, vẫn có một nỗi buồn mơn man bởi các làng nghề dệt lụa truyền thống nổi tiếng thời đầu thế kỷ XX bây giờ đã trở thành dĩ vãng hoặc chỉ còn là ký ức "vang bóng một thời".
Khi cơ chế thị trường tác động mạnh vào các làng nghề thủ công truyền thống, để tăng năng suất và thu nhập, các khung dệt cổ xưa đã được thay thế bởi các máy dệt hiện đại. Các làng nghề xưa cũng chuyển sang dệt vải khổ rộng mà sản phẩm chủ yếu lại là vải sợi bông, hầu như rất hiếm lụa tơ tằm, một thế mạnh và cũng là đặc trưng văn hóa sâu đậm của người Thái Bình. Nếu như trước kia, ở "thời xa vắng", vải làng Mẹo (Hưng Nhân), Bơn, Tàu Đọ (nay thuộc xã Đông Sơn - Đông Hưng), Bộ La, Bái...được người tiêu dùng ưa chuộng bởi lẽ chất liệu lụa được dệt bằng khung cửi chuyển động bằng sức người với đôi bàn tay dệt khéo léo, nối dập đều đặn, go đều, mép thẳng do được dệt bằng sợi tơ nhỏ, ngâm nháo kỹ nên vải rất mịn và óng đẹp.
Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh