Thứ 7, 23/11/2024, 15:34[GMT+7]

Con đường làng

Thứ 6, 27/08/2010 | 14:35:31
2,230 lượt xem
Tuổi đầu đời được khoác vai chúng bạn bước khỏi ngõ làm quen với con đường làng. Con đường dài tít tắp được những lùm tre tỏa bóng mát rười rượi. Khác xa khúc ngõ chật hẹp gập ghềnh suốt ngày chí chóe tiếng trẻ đánh khăng, đánh đáo, con đường làng rộng ơi là rộng, dài ơi là dài.

Chuyện đi lại người xưa chưa kịp viết thành văn.

Vào những buổi sáng màn sương chưa tan, vạn vật còn mờ mờ ảo ảo đã thấy thợ cày, thợ cấy lục tục kéo nhau ra đồng. Vai vác cày, tay giong trâu hàng hai hàng ba vậy mà con đường làng vẫn còn chỗ để các bà các chị gánh mạ vượt lên phía trước. Lại thấy nói nhiều nơi người ta dùng gạch ghép kín cả quãng đường làng. Nếu được thế thì gặp ngày mưa chẳng phải bì bõm lội bùn, sướng thật đấy. Nhưng mà chả ước làm gì! Bước đi trên con đường đất thênh thang thế này được hòa vào nhịp sống ấm cúng nơi làng quê, trong ánh mắt trẻ thơ thế là mãn nguyện lắm rồi.

Bỗng một ngày nọ thấy người người nhào ra mặt đường đào đào gánh gánh, ai cũng ráng sức cố làm biến dạng mặt đường càng nhanh càng tốt. Chỉ mấy hôm sau một bức lũy đất vững chãi cao lút đầu hiện hình ngay giữa mặt đường rồi bò tít tắp tận cuối làng. Nghe người ta kháo nhau, các làng đều làm như ta, cả đường huyện, đường tỉnh cũng tất thế. Tò mò hỏi bố mẹ mới biết được, quân Pháp sắp đánh đến đây rồi. Phải dựng chướng ngại vật trên các ngả đường nhằm chặn đứng bước tiến của mọi loại xe cơ giới. Dựng chiến lũy ngăn giặc, con đường làng không còn thênh thang như xưa.

Bức chiến lũy chiếm gọn phần giữa đường chỉ chừa lại lối đi hai bên mép cỏ. Con đường kháng chiến chật hẹp vậy nhưng kẻ qua người lại luôn nhường nhau thành ra lúc nào cũng tràn ngập tiếng nói tiếng cười. Quần vo tận gối vừa chống gậy dò dẫm vừa đánh vật với bùn đất nhầy nhụa hơn cả ruộng cày. Lại có chỗ đàn ông đàn bà xúm xít dắt tay các cụ già, xốc nách trẻ con giúp vượt qua những đoạn lầy lội như đổ mỡ. Ây là cảnh tượng quen lắm trên quãng đường làng vào những ngày mưa...

Hình ảnh con đường làng nhọc nhằn thân thương thấp thoáng nét hoang sơ thuở nào cứ hằn in mãi trong ký ức. Bây giờ ngắm con đường làng dẫu cố vắt óc cũng khó hình dung lối cũ dấu xưa. Mặt đường lát bê tông phẳng lì rộng thênh thang tha hồ cho xe lớn xe bé qua lại như mắc cửi. Bóng tre bóng trúc đã nhường hẳn chỗ cho nhà ngói nhà bằng chen vai thích cánh đua nhau phô trương dáng dấp phố xóm, phố làng. Ngày nắng ngày mưa, ban ngày ban đêm cứ ra đến đường là tha hồ bước chẳng còn lo bùn đất gập ghềnh. Đâu phải nhắc lại chuyện ăn chuyện mặc, chỉ đặt chân lên quãng đường làng đã thấy cuộc sống bây giờ khác ngày xưa một trời một vực. Giờ đây đi xa về gần không thấy ai chịu nhấc chân cuốc bộ. Một bước dùng xe hai bước dùng xe khiến con đường làng tự nhiên giống hệt như “xa lộ”.

Thời kháng chiến gian khổ là thế nhưng cứ ra đến đường làng là thấy ngay người người tay bắt mặt mừng hồ hởi giúp nhau qua lại. Bây giờ “xa lộ làng” suốt ngày đêm ầm ào xe lớn xe bé xe mẹ xe con. Gấp gáp đến độ không kịp chào hỏi nói chi đến chuyện nhường trẻ giúp già. Dựa vào uy thế của mọi mốt phương tiện phân khối lớn phân khối nhỏ, người ta được dịp thi thố trình độ “tay lái lụa” một cách quá ư tự nhiên.

So với ngày xưa, cuộc sống vật chất hôm nay đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Trên con đường làng đã được kiên cố hóa như thế này lẽ ra những chủ nhân của nó phải ứng xử mỗi ngày một văn minh hơn xem ra mới phải đạo. Con đường làng là tài sản chung là công trình công cộng mang lại lợi ích cho cả dân làng. Xin đừng ai vô tình hay hữu ý biến nó thành vương quốc của riêng mình.

Ngày nay chúng ta đã có sẵn văn bản hướng dẫn mang tên: Luật giao thông. Luật là kỷ cương nhưng trước hết là kết tinh văn hóa. Một khi ai cũng tôn thờ văn hóa giao thông thì đường làng cho dù “ngựa xe như nước” vẫn có thể tránh được mọi rủi ro va quệt.Văn hóa là cái đẹp. Con đường làng đã đẹp càng đẹp hơn nếu như mỗi khi “thượng lộ” ai cũng đã sẵn Văn hóa giao thông!

                                                                                 Hoàng ngọc Khuyến

  • Từ khóa