Thứ 4, 24/07/2024, 10:27[GMT+7]

Để văn hóa trở thành động lực, sức mạnh nội sinh, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thứ 3, 23/11/2021 | 09:44:51
640 lượt xem
Do đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình và cư dân nên Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ, vốn được coi là đất chèo, là quê hương của múa rối nước với nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa; hàng trăm làng nghề truyền thống; có hệ thống di tích lịch sử văn hóa (đình, chùa, miếu, từ đường...) dày đặc; di sản Hán Nôm (hương ước, quy ước, tục lệ, thần tích, thần phả, sắc phong...) đa dạng là nét đẹp truyền thống quý báu trong văn hóa Thái Bình xưa và nay.

Cảnh trong vở chèo “Trọn nghĩa non sông” của Nhà hát Chèo Thái Bình đạt huy chương vàng Liên hoan chèo toàn quốc năm 2019.

Các giá trị truyền thống đó đã, đang và sẽ là nhân tố quan trọng tạo nên động lực tinh thần to lớn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kế thừa và phát huy những tinh hoa truyền thống của các thế hệ cha ông, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã năng động, sáng tạo tìm ra sức bật mới với những bước đi, cách làm mới và đạt được nhiều kết quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là thế hệ trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, kỹ; nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới.

Các cấp, các ngành thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền thông qua việc sưu tầm, nghiên cứu, biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu giáo dục truyền thống; tập huấn, phổ biến các quy định về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.  Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện nhằm tích cực đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu,   chống các quan điểm sai trái, tiêu cực. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm đầu tư, huy động xã hội hóa trong tu bổ di tích và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Hiện toàn tỉnh có 2.969 di tích đã được kiểm kê (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 117 di tích quốc gia và 577 di tích cấp tỉnh) và 493 lễ hội.

Thái Bình có 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành việc kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; xây dựng hồ sơ đề nghị, được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cỗ ngai thờ sơn son thếp vàng thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII. Đang xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia “hương án gỗ sơn son thếp vàng” thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII trong Đền Thánh (tòa Phụ Quốc) tại di tích đặc biệt chùa Keo. Tỉnh Thái Bình cũng đã tiến hành lập hồ sơ nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực; các thiết chế văn hóa, thể thao như nhà văn hóa, sân thể thao được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu các địa phương quan tâm, chú trọng việc xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp. Việc cưới, việc tang và lễ hội cơ bản được thực hiện đúng quy định, các nghi lễ bảo đảm trang trọng, giữ gìn và phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, để văn hóa trở thành động lực, sức mạnh nội sinh đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung vào các trọng tâm, đó là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử nhằm vun đắp và phát huy niềm tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hướng đến với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc - cội nguồn tạo nên bản sắc văn hóa, cốt cách và sức mạnh của con người Việt Nam nói chung, con người Thái Bình nói riêng. Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình. Quy hoạch các di sản văn hóa trọng điểm và di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch. Tiếp tục triển khai việc điều tra, sưu tầm toàn diện các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh về các loại hình: ngữ văn dân gian, chữ Hán Nôm, nghệ thuật trình diễn dân gian, các tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian... Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định cụ thể về thực hiện nếp sống văn hóa; các hương ước, quy ước thôn làng, dòng họ phù hợp với truyền thống tốt đẹp của địa phương và đúng với quy định của pháp luật. Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam và các phong trào thi đua yêu nước, nhân đạo từ thiện nhằm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vinh dự 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Sự quan tâm của Bác không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt lời căn dặn của Người: “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt” mà còn là di sản vô cùng quý giá của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong nhiều năm qua.

Vũ Thị Ngọc Hoa
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)