Hội nghị “chấn hưng văn hóa”
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 diễn ra trong những bối cảnh hết sức đặc biệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những bối cảnh đó, hội nghị Văn hóa toàn quốc được Đảng tổ chức để thống nhất về mặt tư tưởng, khơi dậy sức mạnh văn hóa, ý chí và nghị lực của đội ngũ văn nghệ sĩ và những nhà văn hóa cùng toàn thể nhân dân nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược. Tại hội nghị đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và đọc diễn văn khai mạc. Người nhấn mạnh: Văn hóa phải gắn bó, liên hệ mật thiết với chính trị; văn hóa phải tham gia vào sửa đổi những thói lười biếng, tham nhũng; phải làm thế nào để mỗi người dân được hiểu về nghĩa vụ và quyền lợi mà họ được hưởng; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đó là những tư tưởng lớn của Người mà đến nay chúng ta vẫn luôn quán triệt và làm theo.
Tròn 75 năm sau hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Có thể nói, đây là thời kỳ chuyển đổi lớn của dân tộc. Chưa khi nào đất nước ta đứng trước thời cơ lớn nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức cần phải vượt qua như hiện nay.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh vấn đề phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Công cuộc đổi mới đất nước trải qua 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của dân tộc. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ không chỉ cho nhiệm kỳ này mà còn định hướng tầm nhìn từ nay đến năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao, có vị thế vững mạnh trên trường quốc tế. Muốn hiện thực khát vọng lớn đó phải phát huy tinh thần, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, phát huy truyền thống đại đoàn kết, truyền thống yêu nước của toàn dân tộc. Đây chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi, tạo thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của dân tộc. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, nhất là những phẩm chất, ý chí, nghị lực của con người Việt Nam, nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Chính vì vậy, hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chưa khi nào dân tộc ta đứng trước thời cơ, vận hội lớn nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua như hiện nay. Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chấn hưng văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam dựa trên nền tảng là truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường và đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy, phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc kết hợp với tiếp thu giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, biến thành nguồn lực nội sinh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong mỗi bước ngoặt của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng phát huy vai trò của văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc nhằm biến khát vọng thực hiện các mục tiêu chính trị thành hiện thực. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây, Đảng ta đã tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân để khơi dậy khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp là tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Tinh thần đó, khát vọng đó đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành được những chiến thắng mang tầm thời đại.
Trải qua 35 năm của công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành công, chúng ta thấy rằng trong lĩnh vực văn hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế phải tháo gỡ. Một lần nữa, chúng ta cần phải chấn chỉnh lại đội ngũ, khắc phục những yếu kém để tiến lên phía trước. Muốn vậy, cần tập trung huy động mọi sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết dân tộc, mọi nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm hiện thực khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là điểm nhấn mà Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ hướng tới.
Cơ hội và thách thức với văn hóa
Thách thức lớn nhất hiện nay là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa. Trước đây, văn hóa Việt Nam đề cao tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết nhưng giờ đây lại là xu hướng đề cao vai trò cá nhân. Kinh tế thị trường giải phóng năng lực của cá nhân, tạo ra những con người năng động, dám nghĩ dám làm. Nhưng kinh tế thị trường cũng tạo môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, đầu óc duy ý phi nhân tính xuất hiện. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vì thế diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến sa ngã.
Trước thực tế đó, Đảng ta chỉ rõ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Các văn kiện gần đây, từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII đến Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đều nhấn mạnh vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong nhiệm kỳ khóa XII, Đảng đã ban hành quy định về vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và người đứng đầu cấp ủy các cấp. Đảng cũng đã bổ sung, nhấn mạnh những điều đảng viên không được làm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xây dựng văn hóa trong Đảng để Đảng ta thực sự là tấm gương về đạo đức, về văn minh như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo tiền đề thuận lợi cho xây dựng môi trường văn hóa trong xã hội.
Một vấn đề rất lớn đặt ra hiện nay là tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đến xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi gia đình. Những giá trị gắn liền với nền nếp gia phong, trên dưới thuận hòa, ông bà gương mẫu, con cháu hiếu thảo trước đây đang trở nên lung lay trong bối cảnh kinh tế thị trường. Các gia đình hạt nhân ngày càng nhiều khiến cho việc trao truyền tri thức, kinh nghiệm trong tổ chức đời sống gia đình, nuôi dạy con cái giữa các thế hệ bị hạn chế. Xu hướng chạy theo đời sống vật chất nhiều khi khiến nhiều người quên đi điều thiêng liêng nhất là hạnh phúc gia đình, sự bình yên của xã hội. Nhiều giá trị truyền thống bị chao đảo, thách thức.
Trong trường học hiện nay cũng có xu hướng chạy theo bằng cấp nhiều hơn là quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo lý. Những chứng chỉ về kỹ thuật, chuyên môn được chú trọng hơn, còn chứng chỉ về đạo đức lại bị buông. Đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng với vị thế. Đây là một bài toán đặt ra, đòi hỏi phải có giải pháp để khắc phục.
Một thách thức lớn nữa là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng tác động rất mạnh vào đời sống. Công nghiệp hóa là khái niệm trung tâm của hiện đại hóa. Nhưng có hai dạng tư duy về công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa kiểu cũ khai thác sức lao động của người dân, tàn phá môi trường, tài nguyên thiên nhiên để làm giàu, hậu quả là sự tha hóa nhân cách và lối sống, biến dạng môi trường, phân hóa giàu nghèo gia tăng, tạo nên nhiều bất ổn xã hội. Công nghiệp hóa kiểu mới là công nghiệp hóa theo hướng sinh thái và nhân văn, đặc trưng cơ bản là đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển và bảo vệ môi trường. Vượt qua công nghiệp hóa kiểu cũ để đi thẳng vào công nghiệp hóa kiểu mới là xu hướng tất yếu đặt ra với nước ta hiện nay.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn tới quá trình đô thị hóa. Thế giới đã cảnh báo tình trạng đô thị hóa tập trung quá đông dân cư vào một khu vực, kéo theo hàng loạt hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều khu công nghiệp khi thiết kế chỉ chú ý tới lợi ích của doanh nghiệp mà ít quan tâm tới xây dựng chung cư cho công nhân và các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa hiện nay. Đô thị vốn là nơi phát sáng các giá trị văn hóa nhưng đồng thời cũng dễ cuốn những rác rưởi vào đô thị làm nảy sinh tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đặt nền văn hóa đối diện với nhiều thách thức. Bên cạnh những giá trị tiến bộ, tích cực từ quá trình hội nhập mang lại thì mặt trái của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tác động rất mạnh. Tác động lớn nhất là thông qua các kênh thông tin phi chính thức và các trang mạng xã hội, lối sống hưởng lạc, ích kỷ và thực dụng đã và đang tập nhiễm vào một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống, gia tăng những mâu thuẫn, xung đột xã hội.
Nhìn một cách tổng quát những vấn đề nêu trên, chúng ta thấy rằng chưa bao giờ nền văn hóa Việt Nam lại chuyển động một cách mạnh mẽ và toàn diện như hiện nay. Cũng chưa bao giờ nền văn hóa Việt Nam lại chứa chất nhiều mâu thuẫn và xung đột như thời kỳ này. Đó là những mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa bên trong và bên ngoài. Nổi lên là mâu thuẫn giữa những giá trị tích cực và tiêu cực, tuy nhiên nhiều khi lại không rạch ròi đen - trắng mà xâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau, gây nên sự phức tạp trong nhận biết và đánh giá, nhất là trong công tác cán bộ. Những mâu thuẫn, xung đột này cần được giải quyết để tạo động lực mới cho sự phát triển.
Các văn kiện từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến lần thứ XII, XIII đều nhấn mạnh phải xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Vai trò hệ giá trị rất quan trọng, xã hội muốn ổn định và phát triển thì phải dựa trên hệ giá trị ổn định, với 3 chức năng chính là định hướng, đánh giá và điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, để định vị được các hệ giá trị trong quá trình xã hội vận động mạnh như hiện nay là công việc rất khó khăn. Chúng ta cần tập trung thống nhất những định hướng của 4 hệ giá trị cơ bản gồm: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cá nhân và hệ giá trị văn hóa để làm điểm tựa cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời gian tới. Đó là vấn đề lớn mà Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh.
Đứng trước nhiều thách thức, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần đặt vấn đề chấn hưng văn hóa dân tộc, khắc phục những bất cập, yếu kém trong xây dựng văn hóa, con người trong thời gian vừa qua để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi 75 năm trước đã diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ Nhất.
Tổng hợp theo baovanhoa.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng