Thứ 6, 17/05/2024, 17:03[GMT+7]

Hội làng mùa xuân ở Thái Bình

Thứ 2, 04/02/2013 | 08:36:16
4,761 lượt xem
Trong khu vực đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình là tỉnh còn duy trì nhiều hội làng về mùa xuân nhất, có tới hơn 30 tục thi mang đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp. Ngoài các tục thi trình nghề như dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm go, làm bánh, làm bún... còn có các trò đua tài giải trí như vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt chạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm...

Lễ Hội Đồng Bằng. Ảnh: Ngọc Trâm

Lễ hội thuộc phạm trù sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã. Không có địa phương nào, dân tộc nào lại không có những ngày lễ, ngày hội riêng cho cộng đồng làng của mình. Ở mỗi vùng văn hóa khác nhau, những phong tục tập quán, những lễ nghi, diễn xướng được thể hiện trong ngày hội cũng khác nhau. Đó là nét quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa riêng.

Lễ hội truyền thống ở Thái Bình được phân bố với mật độ cao vào những tháng nông nhàn “xuân thu nhị kỳ” theo chu trình sản xuất của hai vụ lúa chiêm, mùa. Với những làng cổ, có quy mô lớn, hàng năm có hai kỳ hội thì thường mở hội vui xuân thu hút khách xa, gần về trảy  hội. Trước Cách mạng Tháng 8-1945 Thái Bình có hơn 800 làng. Hầu hết các làng đều có hội theo tâm thức “Thánh làng nào làng ấy thờ”. Có làng một năm có ba bốn kỳ hội với sự lệ khác nhau nhưng  hội xuân thường được xem là hội đua tài, giải trí với nhiều trò chơi, trò diễn. Đến thời điểm cuối năm 2010, toàn tỉnh Thái Bình có hơn 400 hội làng, trong đó có tới gần 300 làng mở hội xuân từ 3 ngày trở lên, có khai hội, chính hội, giã hội, có những trò đua tài, giải trí thu hút cả người ngoài làng đến tham gia.

Trong khu vực đồng bằng sông Hồng  thì Thái Bình là tỉnh còn duy trì nhiều hội làng về mùa xuân nhất, có tới hơn 30 tục thi mang đậm sắc thái văn hoá nông nghiệp. Ngoài các tục thi trình nghề như dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm go, làm bánh, làm bún còn có các trò đua tài giải trí như vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt chạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm. Mỗi hội lại có những tục thi riêng gắn với huyền thoại về sự tích, hành trạng của vị thần được thờ và những điệu múa dân gian gắn với nghi thức tín ngưỡng. Vào những năm gần đây, hội làng mùa xuân ở Thái Bình có tới gần 20 điệu múa dân gian được duy trì. Có những điệu múa mang tính phổ biến trong nhiều hội như múa trống trắc, múa sênh tiền mõ lộn, múa lân, múa phượng, múa tứ linh, múa cờ, múa rồng... còn có những điệu múa chỉ trong nghi thức tế thánh ở một số hội như múa quạt, múa đèn, múa dâng hương dâng hoa, múa chèo đò, múa kéo chữ. Có những điệu múa cổ chỉ gắn với nghi lễ trong một hội, gắn với truyền thuyết về vị thần của làng thờ. Ví dụ múa ông Đùng bà Đà ở hội làng Quang Lang (Thái Thụy); múa bệt ở hội làng Vọng Lỗ (Quỳnh Phụ); múa ếnh vồ, chèo chải cạn ở hội chùa Keo (Vũ Thư); múa bát dật ở hội làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ); múa giáo cờ giáo quạt ở hội làng Thượng Liệt (Đông Hưng)...

Thi bơi chải ở Lễ hội đền Ðồng Bằng xã An Lễ (Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Trâm

Thuở trước, có những làng  khai hội vui xuân ngay từ sáng ngày mồng một Tết Nguyên đán và đến hết ngày mồng ba, mồng bốn. Xin nêu một số hội làng tiêu biểu ở Thái Bình được khai hội vào những ngày đầu xuân: Ngày mồng 2 Tết: hội xuân làng Tống Vũ nay thuộc xã Vũ Chính, Thành phố Thái Bình với nhiều trò đua tài cổ truyền mà sôi động nhất là các trò chơi đu và thi nấu cơm. Ngày mồng 4 Tết:  hội chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư có các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là ba trò thi: bắt vịt, nấu cơm và ném pháo. Từ ngày mồng 5 đến mồng 10 tháng giêng có thể đến với hội làng Dương Xá (Tiến Đức, Hưng Hà); hội Lạng (Song Lãng, Vũ Thư), hội làng Hới (Tân Lễ, Hưng Hà), hội làng Tài Giá (Quỳnh Hưng, Quỳnh Phụ), hội đền Hét (Thái Thượng, Thái Thụy), hội chùa Múa (Minh Khai, Vũ Thư), hội làng Thượng Liệt (Đông Tân, Đông Hưng)...

Rước kiệu lễ hội Chùa Keo xã Duy Nhất (Vũ Thư). Ảnh: Thành Tâm

Sang tháng hai âm lịch, số lượng hội xuân trong tỉnh cũng không kém tháng giêng nhưng lại có một số hội rất đặc sắc, đáng được xếp vào danh mục trong từ điển lễ hội của Việt Nam như: hội làng An Cố (Thụy An, Thái Thụy), hội làng Đông Linh (An Bài, Quỳnh Phụ), hội Đình Các Đông hay còn gọi là Tử Đường Trang (Thái Thượng, Thái Thụy). Còn đến tháng 3 âm lịch, hội của các làng thường là hội lớn thu hút khách xa gần. Điển hình như hội làng Lộng Khê (An Khê, Quỳnh Phụ). Điển hình như hội đền Hệ (Thụy Ninh, Thái Thụy), hội đền Cửa Lân (Đông Minh, Tiền Hải), hội làng Phụng Công (Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ), hội đền Tân Lan (Đoan Hùng, Hưng Hà), hội làng An Lão (Song An, Vũ Thư), hội làng Vọng Lỗ (An Vũ, Quỳnh Phụ), hội đền Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương)...

Cho đến nay, nhiều người vẫn quan niệm thế mạnh của du lịch Thái Bình là du lịch văn hóa. Hội mùa xuân của các làng trong tỉnh là một điểm nhấn của du lịch văn hóa. Việc giới thiệu và quảng bá nét đẹp, nét hay trong từng lễ hội theo niên lịch, theo tua, tuyến là cần thiết để phát triển ngành du lịch vốn đang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng ở Thái Bình.

Nguyễn Thanh

(Thôn 4, Vũ Quý, Kiến Xương)

 

  • Từ khóa