Thứ 6, 22/11/2024, 10:37[GMT+7]

Xuân đã về

Thứ 2, 04/02/2013 | 16:35:05
1,388 lượt xem
Một điều không thể thiếu để tạo nên không khí, dư vị ngày xuân là hoa và chợ hoa. Trước ngày tiễn ông Công, ông Táo chầu trời (23 tháng Chạp), hoa, cây quất, cây quýt bắt đầu được bày bán khắp nơi, với đủ các loại, hấp dẫn mọi người bởi muôn màu lung linh, hương thơm ngào ngạt, như: đào, tầm xuân, lay-ơn, cúc, đồng tiền, thược dược, cẩm chướng, hồng, ly, huệ…

Ðã hàng tuần nay, cứ sáng sớm và lúc chiều tà là ông Hoàn (80 tuổi), xã Tân Lập (Vũ Thư) lại bắc ghế ra hiên ngồi hàng giờ ngắm những nụ đào đang chúm chím trên cành, chờ tiết trời vào xuân sẽ nở hoa khoe sắc thắm. Còn bà Hảo (75 tuổi), vợ ông tất bật lo thu dọn nhà cửa, bếp núc… chuẩn bị đón mùa xuân về. Hai người mong chờ Tết đến không phải để được ăn ngon, mặc đẹp như cách đây vài chục năm mà chỉ một nỗi niềm mong các con, cháu đi làm ăn xa trở về quây quần bên ông bà, cha mẹ. Lúc đó ngày Tết mới thực sự là ngày vui của mỗi gia đình.

 

Trong trí nhớ của ông Hoàn và các cụ già ở cái làng này, cứ đến khoảng 20 tháng Chạp, từ làng trên đến xóm dưới, nhà nào cũng đua nhau chẻ lạt giang, chọn lá dong, gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, thịt ngon để gói bánh chưng - món bánh không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết. Vào những ngày này, gặp nhau ở bất kể đâu, mọi người thường thay câu chào quen thuộc bằng câu hỏi “Nhà… chuẩn bị Tết đến đâu rồi?”. Sự quan tâm rất đỗi mộc mạc ấy làm ấm thêm tình làng, nghĩa xóm. Lúc này, chẳng cần nói song ai cũng biết, không khí Tết Nguyên đán đã bắt đầu lan tỏa đến mọi nhà. Muôn hoa đua nở, tỏa hương thơm khắp xóm làng.

 

Ðể đón một cái Tết trọn vẹn niềm vui sau một năm vất vả, nhà nào cũng lo chuẩn bị chu đáo. Ðàn ông quét màng nhện, quét vôi khoác áo mới cho ngôi nhà; lau dọn bàn thờ, đánh bóng lư đèn, sửa sang chậu hoa, cây cảnh, đánh cây đào hoặc cây quất trồng ngoài vườn vào chậu rồi mang đặt vào một chỗ trang trọng trong nhà. Ai không có cây trong vườn thì lo đi chợ hoa tìm chọn mua mang về, quấn quanh chậu cây vài dàn đèn nhấp nháy, trang trí thêm những chiếc đèn lồng nhỏ xinh xắn, in chữ vàng lấp lánh: phúc, lộc, thọ, “chúc mừng năm mới”, “vạn sự như ý”… Ðàn bà thì lo tổng vệ sinh chăn màn, giường chiếu, dọn gọn nhà cửa, đánh rửa bát đĩa, xoong nồi; mua quần áo đẹp cho mình và cả nhà diện đón xuân; sắm bánh kẹo, hoa quả cúng gia tiên, muối dưa, muối hành, dự trữ lương thực, ai khéo tay thì làm một số món mứt, kẹo lạc để đãi khách...

 

Mừng năm mới, điều mọi nhà chú ý nhất là trang trí bàn thờ gia tiên. Thông thường, bàn thờ được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất. Trên mâm ngũ quả, mọi người thường bày 5 loại quả tượng trưng cho 5 màu sắc, ứng với 4 mùa. Chuối xanh - ứng với mùa xuân, nải chuối như bàn tay ngửa hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa xuân để đọng thành quả ngọt, nó còn có ý nghĩa che chở, bao bọc. Bưởi chín vàng được đặt ở giữa, trong lòng nải chuối, với mong muốn trời phật ban phúc lộc. Ớt sừng hay quả trứng gà, hồng, đu đủ có màu đỏ - ứng với mùa hạ. Mận hoặc hồng xiêm - ứng với mùa đông. Quả roi hoặc đào - ứng với mùa thu. Ngày nay, tùy theo khả năng thẩm mỹ, mâm ngũ quả còn được mọi người chọn bày nhiều loại quả khác cho đẹp mắt, như: dưa hấu, táo, nho…

 

Một điều không thể thiếu để tạo nên không khí, dư vị ngày xuân là hoa và chợ hoa. Trước ngày tiễn ông Công, ông Táo chầu trời (23 tháng Chạp), hoa, cây quất, cây quýt bắt đầu được bày bán khắp nơi, với đủ các loại, hấp dẫn mọi người bởi muôn màu lung linh, hương thơm ngào ngạt, như: đào, tầm xuân, lay-ơn,  cúc, đồng tiền, thược dược, cẩm chướng, hồng, ly, huệ… cùng hàng hàng, lớp lớp các loại chậu cảnh… Ðiểm vào sắc hoa rực rỡ, các cây quất với đủ loại kiểu dáng cũng đua nhau khoe những chùm quả xanh thẫm, chín vàng, e ấp dưới những chồi non mơn mởn là vô số chùm hoa trắng muốt, mang ý nghĩa của sự sung túc. Phố xá những ngày giáp Tết thật nhộn nhịp, đông đúc, nam thanh, nữ tú thích thú tay trong tay dạo quanh chợ ngắm hoa, lòng rạo rực, đôi chân muốn nhún nhẩy theo những bản nhạc rộn ràng chào đón năm mới mà nhà ai đang mở. Người ta hay đi chợ hoa kết hợp với mua sắm. Người giàu cũng như người nghèo đều có thể lựa chọn những thứ cần thiết, phù hợp với túi tiền và sở thích của gia đình mình. Nhiều người đến với chợ hoa chỉ là để đi dạo phố phường, hưởng không khí ngày xuân, được “mãn nhãn” trước hàng trăm loài hoa đẹp tụ họp nơi đây.

 

Mua hoa ngày Tết không dễ chút nào, bởi chợ hoa có rất nhiều loại hoa, hoa nào cũng đẹp, màu sắc rực rỡ, mỗi loại, mỗi màu có ý nghĩa khác nhau, giá thành cũng khác. Hơn nữa, việc bài trí bàn thờ ngày Tết rất quan trọng nên hoa phải tươi, đẹp và phù hợp với thuần phong mỹ tục. Cũng theo ông Hoàn, không như miền Namon> có tục nấu bánh tét, người miền Bắc thường thích quây quần bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng xanh. Nhà nào rỗi thì gói và luộc bánh chưng từ 28, 29 Tết, còn đa phần vào tối 30 Tết, xong đem ra ép vài tiếng, rồi đặt bánh lên ban thờ cúng tổ tiên suốt mấy ngày Tết. Có nhiều nhà còn làm cả bánh giày. Ngày cúng Tất niên cả gia đình vui vầy bên mâm cỗ tiễn năm cũ và chuẩn bị đón chào một năm mới an khang, hạnh phúc. Không khí gia đình dường như ấm cúng hơn hẳn ngày thường. Sau bữa cơm sáng mồng một Tết, ai cũng xúng xính trong những bộ quần áo đẹp đi chúc Tết ông bà, bố mẹ, họ hàng, người thân, hàng xóm. Ðó là đạo lý và truyền thống tốt đẹp của người Việt, luôn được các thế hệ trân trọng, giữ gìn và phát huy. Trong ngày Tết, trẻ con thường được người lớn lì xì – mừng tuổi đầu năm với ý chúc sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.

 

Xuân đã về, giao thừa đã sang. Chúc mọi người, mọi nhà một năm mới an khang, thịnh vượng.

Đỗ Hiền

 

 

  • Từ khóa