Thứ 6, 17/05/2024, 18:34[GMT+7]

Ngày xuân bàn về Chữ Thọ - Tuổi thọ và Mừng thọ

Thứ 4, 06/02/2013 | 14:44:37
6,020 lượt xem
Thọ là một trong ngũ phúc: Khang – Ninh – Phúc – Lộc – Thọ mà con người hằng mong muốn. Người xưa thường cho rằng: Tứ thời xuân tại thủ/Ngũ phúc Thọ vi tiên (Có nghĩa là: Bốn mùa, mùa xuân trước/Năm phúc, Thọ đầu tiên)

Trong tâm thức dân gian người có tuổi và gia đình có người trường thọ thường được xem là nhà có phúc lớn, vì có phúc nên mới sống lâu, con cháu đề huề. Mừng thọ chính là mừng cái phúc lớn ấy. Một trong những bức trướng mừng thọ thường có câu: “Phúc ấm gia thanh, thiên ân thọ/Tử tôn kính chúc bách niên Xuân” (Có nghĩa là: nhà có phúc thì trời ban cho tuổi thọ/ Con cháu chúc bố mẹ, ông bà trăm mùa xuân). Nói về tuổi thọ, nhà thơ Nguyễn Khuyến thì so sánh, ví von một cách dí dỏm: Từ 90 tuổi trở lên thì tương đương với trạng nguyên, từ 80 đến 89 tuổi thì tương đương với tiến sĩ, từ 70 đến 79 tuổi thì tương đương với cử nhân, còn từ 60 đến 69 tuổi thì chỉ là tú tài mà thôi. Cũng vì lẽ đó mà ai chưa đến tuổi 60 đã qua đời chỉ được dùng hai chữ “hưởng dương” chứ không được ghi hai chữ “hưởng thọ”. Còn Chu Dung Cơ, nguyên Thủ tướng Trung Quốc, về cuối đời đã rút ra bài học: Ghế cao không bằng tuổi thọ cao – Tuổi thọ cao không bằng cuộc sống thanh cao.

Ngày nay, đời sống tinh thần vật chất của người dân ngày càng được nâng cao, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên 72,8 tuổi (năm 2011). Người già là vốn quý của xã hội, giàu kinh nghiệm, là trung tâm đoàn kết gia tộc, là gương sáng về nhiều mặt cho con cháu noi theo. Ðảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm sóc người cao tuổi, thể hiện đạo lý của dân tộc đối với người cao tuổi. Các cấp chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi thường xuyên tổ chức mừng thọ, chúc thọ người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên. Ngoài ra các tổ chức xã hội khác như: Hội Cựu giáo chức, Hội đồng môn, đồng ngũ, đồng hương… cũng tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho các hội viên của mình. Trong các gia đình, dòng tộc đều tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho bố mẹ, ông bà vào dịp đầu xuân hàng năm. Ðó là nét đẹp truyền thống, kính trọng, tôn vinh người già của dân tộc. Lễ mừng thọ cần được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí, lợi dụng việc mừng thọ để trục lợi.

Mơ ước của tuổi già là được “sống cho lâu, chết cho mau”. Tuy vậy, người Việt Namon> sống thọ nhưng yếu. Trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam có 13 năm sống với bệnh tật, 50% người cao tuổi được phỏng vấn cho rằng tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu, 40% người cao tuổi mắc các bệnh về huyết áp, 30% mắc các bệnh về xương khớp, 20% mắc các bệnh khác. Do đó, việc chăm sóc người cao tuổi cần được xã hội, gia đình quan tâm nhiều hơn nữa.

Tuổi thọ cao là mơ ước của mọi người. Muốn vậy, ngoài cuộc sống no đủ, người cao tuổi phải biết phấn đấu, rèn luyện để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Chúng ta bậc con cháu cần phải ghi nhớ lời khuyên của bậc tiền nhân là phải biết kính già yêu trẻ: “Mến trẻ, trẻ đến nhà/Kính già, già để tuổi cho”. Ðó cũng là nét đẹp truyền thống, đậm chất nhân văn của dân tộc Việt Namon>.

Đặng Văn Cao

(Hội Khuyến học tỉnh)

  • Từ khóa