Thứ 6, 17/05/2024, 18:17[GMT+7]

Làng quê vui đón giao thừa

Thứ 4, 06/02/2013 | 14:50:00
1,079 lượt xem
Ðêm cuối cùng của một năm, dân gian gọi là đêm trừ tịch, đêm giao thừa (trừ có nghĩa là thay đổi, còn tịch là đêm, cả hai có ý tống tiễn màn đêm hoặc tiễn đưa cái cũ đi đón rước cái mới đến, biểu thị giao thời). Giao thừa là thời khắc cuối cùng của năm cũ tiếp sang năm mới từ 23 giờ của ngày 30 Tết hoặc ngày 29 Tết (nếu năm đó không có ngày 30 Tết) đến 1 giờ mồng 1 Tết Nguyên đán).

Tại thời điểm này, có rất nhiều điều thú vị. Thời tiết chuyển từ đông sang xuân - một khởi đầu ấm áp cho vạn vật. Vì ý nghĩa biểu trưng tổng hòa cho sự sống trái đất và vũ trụ, tự nhiên và xã hội nên đón giao thừa mọi người đều ra ngoài vườn hoặc kế sát nhà và đường phố để giao hòa giữa người và vật. Vào thời khắc giao thừa, tâm hồn ai cũng rộng mở, gạt bỏ mọi toan tính, phiền bận chỉ còn những ước nguyện và ngưỡng vọng.

Mặc dù bận rộn nhưng đến ngày áp Tết, ở đâu làm gì, người dân đều lũ lượt tìm về gia đình, hoặc nếu xa quá chưa về kịp thì cũng gọi điện, gửi thư để người thân biết họ vẫn bình ổn và qua dòng lưu bút, giọng nói như có hơi ấm tình thân ở bên. Ai có xích mích thì giảng hòa, cùng chia xẻ những buồn vui và sửa soạn đón giao thừa thật rôm rả. Từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết, mọi nơi đã hoàn tất việc sửa sang, trang trí và mua sắm cho nhà cửa sang năm mới được sạch sẽ và đầy đủ. Trước đêm trừ tịch, mọi thứ đã đặt ở nơi quy định, đến giao thừa chỉ việc mang ra. Nhiều nhà còn mở đài phát những bài dân ca nhằm tăng thêm không khí an lạc.

Trước đây, với quan niệm thiên tai, dịch họa đều do ma quỷ tác hại, phải xua tan tà khí để năm mới mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, các làng đều dựng trước sân đình hoặc chùa những cây nêu treo chuông, khánh, ống sáo - những vật có thể phát ra âm thanh náo nức hay giỏ, lưới, cành gai, lông gà và vải đỏ... là biểu tượng của ánh sáng rực rỡ, sự sắc nhọn và trói buộc làm ma quỷ hoảng sợ. Từng nhà cũng bôi trước thềm những cung nỏ bằng vôi chĩa về phía biển nhằm đẩy lùi ma quỷ ra đó hoặc treo, dán tranh Hộ pháp, Tứ linh, Thái cực, Bát quái có tác dụng trấn trạch;  dán ở chuồng gà, chuồng lợn những linh phù bảo an vật nuôi trong dịp Tết. Chưa đủ, người dân còn cho rằng ma phường thường nán lại, chưa muốn đi trước Tết Nguyên đán nên từ chiều 30 Tết đến đêm trừ tịch làng đã cử một đội trẻ con chín đến mười tuổi mặc áo đỏ, thắt lưng vàng chạy nhảy khắp nơi, vừa đi vừa gõ chiêng, gõ trống, múa hát vang lừng để trấn áp ma tà. Tại nhà dân, đốt những đống lửa lớn bằng tre, củi cho quầng sáng và tiếng nổ ròn rã nhằm xua nốt những tà khí còn sót. Khi trống điểm đúng 12 giờ thì mọi người đồng loạt đốt pháo, khua chiêng, trống để tống tiễn bằng hết ma quái và đánh dấu thời khắc năm mới. Việc này còn có ý nghĩa át đi những tiếng oán hờn và toan tính nhỏ nhen của con người để sang xuân chỉ còn niềm vui. Ngoài trừ tà, người dân còn có nhiều hoạt động cúng tế nhằm tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, phúc thần cũng như cầu mong anh linh tiếp tục phù hộ. Ngay từ 23 tháng Chạp, nhiều người đã đi tảo mộ, vun đắp âm phần sau đó làm mâm cỗ cúng mời các cụ tiên tổ về ăn Tết và lễ tiễn ông Táo lên trời cảm ơn thần đã phù hộ cho gia đình suốt năm qua. Ðến 30 Tết một lần nữa lại cúng lễ, đón các vị về chung vui. Còn ở các đền chùa trong làng đều cúng lễ cầu mong quốc thái dân an và mở rộng cửa cho du khách đến cầu tài, cầu lộc. Theo lệ làng, đêm 30 Tết ông chủ nhà hoặc con trai trưởng sẽ theo các phụ lão ra đình làm lễ tế thánh, còn bà chủ, con gái, con dâu trưởng cũng đi chùa lễ Phật, sau đó trở về hạ mâm cỗ cúng xuống thụ lộc, thưởng thức một năm mới no đủ, đầy hương sắc... Bữa cơm đầu năm này, mỗi người chỉ cần ăn một chút nhưng có ý nghĩa mang lại sự no ấm cho cả 12 tháng. Ai nấy gắp thức ăn cho nhau thật nhiều cùng những lời chúc tình cảm.

 Ðêm giao thừa, ai cũng háo hức chờ đón với bao điều ấp ủ. Trẻ con dù buồn ngủ vẫn cố gắng thức cùng cha mẹ; lỡ ngủ thì sát tới thời điểm giao thừa người lớn cũng đánh thức dậy để cả nhà cùng được chứng kiến sự đổi thay, tiến triển. Ngay đêm 30 Tết, trẻ con đã được ông bà, cha mẹ mừng tuổi, cho chút tiền mua những đồ yêu thích, được diện những bộ áo mới, ấm áp. Khắc giao thời, với mong muốn đem cả trời đất, sự sinh sôi và tươi trẻ về với gia đình, nhiều người thường hái lộc trưng trong nhà. Người ta hái bất kỳ loại lá, hoa, quả nào, miễn có hương thơm, vị ngọt.. Cũng có người không hái lộc mà bưng nguyên những chậu hoa cảnh vào nhà, cho hương sắc tràn ngập không gian. Theo lệ làng, sau giao thừa con cháu sẽ về nhà tổ, hoặc sang nhà trưởng họ chúc thọ, phúc, lộc. Tục này từ lâu gọi là tục xông nhà, xông đất. Ngoài ý nghĩa chúc Tết một cách đông vui thì còn để những điều mới lạ cùng sinh khí lan tỏa khắp gia tộc. Nhằm bảo an mọi sự trong năm mới được thuận lợi như ý, trước khi trừ tịch dân quê đã chọn một giờ đẹp nhất sau giao thừa và mời những người có tuổi hợp với mệnh tuổi và công việc của mình đến xông nhà. Người đó cũng thường là người có ngoại hình đẹp, tính cách niềm nở, nhân hậu, ngoài ra có cái tên đẹp. Ðể tránh rủi ro, lỡ chưa có khách quý mà đã gặp sự cố không hay khiến mất vui ở nhiều nơi đêm giao thừa, người ta tự xông nhà. Họ thường chọn một cao niên đại diện cho gia đình, cũng có thể là người ít tuổi như con trai hoặc con gái nhưng hợp với cha mẹ, nhất là những đứa ngoan, hiền, giỏi giang cho ra ngoài đi chơi và đến phút giao thừa thì về nhà, mang theo cả mùa xuân. Ở những gia đình buôn bán hay làm nghệ thuật, ngoài cành lộc, khách quý nhiều người còn xông nhà bằng tượng phúc thần. Chủ nhà cung kính bưng tượng Hỷ thần, Tài thần, Tam tinh, Quan Vũ, Cá chép, Thiềm thừ... từ ngoài sân hoặc vườn vào nhà, rồi đặt tượng trên tủ hoặc bên mâm cỗ, hộp quà, bình hoa cùng những tờ thiệp đỏ, những dải duy băng vàng và những câu chúc khiến không gian tràn ngập niềm vui tài, lộc.

Bài, ảnh: Chu Mạnh Cường

(Phường Trung Phụng, Ðống Ða, Hà Nội)

  • Từ khóa