Múa rối nước: Đặc sản văn hóa Thái Bình
Vùng ven sông Tiên Hưng gần trung tâm huyện lỵ Đông Hưng, trước đây có 7 phường rối cổ truyền: Bắc Lạng, Tây Trong, Tây Ngoài (xã Nguyên Xá); Tăng (xã Phú Châu); Tuộc (xã Phú Lương); Đống (xã Đông Các); Kỳ Trọng (xã Đông Hà). Điều đáng chú ý là những làng có các phường rối này đều là những làng chèo với những gánh chèo, phường chèo có danh tiếng trong chiếng chèo xứ
Thuở trước, múa rối nước là một nghề bí truyền. Mỗi phường rối đều tìm được những thế mạnh riêng trong từng tiết mục để chinh phục người xem. Phường rối nước làng Nguyễn vẫn từng tự hào có chú Tễu lớn nhất trong các phường (cao 0,9 mét) mà trẻ trung, hồn nhiên, nhịp nhàng dẫn chuyện trên mặt hồ. Phường rối làng Đống lại tự hào là có chú Tễu như một chàng trai làm ruộng béo tròn phốp pháp; mình trần vận khố, áo treo trễ tràng, cổ đeo khánh bạc, tóc để trái đào, da dẻ hồng hào, miệng cười tươi. Theo giới nghiên cứu về nghệ thuật múa rối thì đây là hai quân rối Tễu đẹp nhất của sân khấu múa rối nước và của cả ngành múa rối truyền thống Việt
Cho đến nay Thái Bình chỉ còn hai phường rối đang hoạt động là phường rối nước làng Nguyễn (xã Nguyên Xá) và phường rối làng Đống (xã Đông Các) thuộc huyện Đông Hưng. Hiện tại hai phường rối này vẫn được đánh giá cao trong ngành múa rối của Việt Nam.
Tuy thăng trầm nhưng hơn nửa thế kỷ qua rối nước Nguyên Xá hoạt động chưa bao giờ đứt quãng. Người vào phường phần nhiều phải có sức khỏe tốt để lội nước, đóng cọc, kéo dây, gánh gồng, khuân vác... ở hậu đài rất phức tạp. Rối nước Nguyên Xá thường có những quy định nghiêm ngặt với người trong phường hội về việc bảo mật, giữ gìn những bí quyết của họ trong “nghề chơi” rối nước. Về lời giáo trò của rối nước phường Nguyễn thì lời giáo Tễu là đáng chú ý. Ngoài lời giáo, phường Nguyễn còn dùng lời chèo, lời ca dao làm nền cho động tác của nhân vật rối ngoài sân khấu. Buồng trò rối nước Nguyễn làm kiểu lưu động, lắp buộc, mái bằng cót và giả ngói. Khung bằng tre gỗ, vách bằng phên vải, sàn bằng sạp tre hay ván ghép. Máy điều khiển của phường Nguyễn có hai loại: Máy sào, máy dây. Máy sào Nguyễn đảm bảo được việc di chuyển toàn thân quân rối, chưa điều khiển được tay, chân, đầu... khi quân rối cử động. Máy dây Nguyễn phong phú hơn, có nhiều kiểu độc đáo như: Chạy đàn ngũ phương, Bật cờ…
Tuy ra đời muộn hơn nhưng rối nước làng Đống thường nổi danh về quy tụ được nhiều nghệ nhân giỏi ở cả các khâu tạo quân rối, chế tác và lắp đặt hệ thống máy sào, máy dây điều khiển quân rối, soạn lời giáo, dựng tiết mục mới. Đặc biệt là sáng kiến dùng thùng nước để đi biểu diễn lưu động thay cho hồ ao… Thùng múa rối của làng Đống rộng 3 m x 3 m, sâu 0,4 m để trên mễ cao 0,4 m, có thể vận chuyển dễ dàng đến địa điểm biểu diễn rồi gánh nước đổ vào khi diễn. Kiểu sân khấu này, tuy tiện lợi nhưng cũng có nhiều hạn chế làm giảm mất sự phóng khoáng tự nhiên, khó tạo được sự hấp dẫn kỳ thú của phong cảnh thiên nhiên hồ ao. Một đặc điểm nữa đáng chú ý là phường Đống dùng nhiều máy sào. Máy sào Đống có hai kiểu. Kiểu có mắc dây làm xoay chuyển toàn thân và các dây làm cử động từng bộ phận cơ thể quân rối như chân, tay, đầu, mình... theo ý muốn. Kỹ xảo này không nhiều phường rối khác có thể dễ dàng bắt chước được. Kiểu thứ hai đơn giản nhờ sức nước cản làm xoay chuyển toàn thân, hoặc có thể lắp dây làm công việc này theo ý muốn. Để đa dạng về tích trò, các nghệ nhân rối nước làng Đống đã sớm vận dụng đưa những tích trò nhỏ của tuồng vào như trích đoạn Trao hoàng tử, chém Tá, trích từ tuồng Sơn hậu, đoạn Thất cầm Mạnh Hoạch trích từ tuồng Tam Quốc.
Vào những thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ XX, rối nước Nguyên Xá thường được đi biểu diễn tại nhiều nước ở Đông Âu, Tây Âu, từng được báo chí các nước ca ngợi là nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Từ năm 1975 trở lại đây, hầu hết các cuộc liên hoan múa rối nước toàn quốc, hai phường rối của Thái Bình đều tham dự và thường giành được giải cao. Trong cơ chế mới, họ đã vươn ra phục vụ ở nhiều nơi trong nước và gần đây nhất vào năm 2007, phường rối nước Nguyên Xá đã được Đài Loan mời sang biểu diễn phục vụ trong thời gian một tháng rưỡi.
Trải nhiều thăng trầm nhưng hai phường rối vẫn tìm được cách duy trì riêng của họ. Ngoài sự quyết tâm mang tính cha truyền con nối thì nhiều năm qua nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí để cho hai phường rối này bổ sung, nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động. Một số quỹ phi chính phủ cũng đã đầu tư kinh phí để xây nhà Thủy đình, nâng cấp hồ rối. UBND tỉnh Thái Bình cũng đã quan tâm đầu tư kinh phí để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hai phường rối nước này, cũng là để gìn giữ một “đặc sản” văn hóa của quê hương Thái Bình.
Nguyễn Thanh
(Thôn 4, Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam